Loại trừ nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ - hi vọng tương lai cho con

26/10/2014 08:33 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Việc sinh ra những đứa con khỏe mạnh là mong muốn của bất kỳ người mẹ nào. Nhưng đối với những phụ nữ không may nhiễm HIV thì mong ước ấy lại càng cháy bỏng hơn ai hết.

* Ước mơ giản dị

Được sự giới thiệu của cán bộ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thúy Hằng – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nắng Cuối Trời. Nhìn cậu con trai kháu khỉnh 15 tháng tuổi, không ai nghĩ chị lại là một người nhiễm HIV. Mỉm cười hạnh phúc, chị Hằng chia sẻ: Khi biết mình bị nhiễm HIV, chị không dám nghĩ tới ước mơ được làm mẹ. Khi được các cán bộ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tư vấn và động viên, chị đã quyết định sinh con. Khoảng thời gian chờ kết quả xét nghiệm của con là giai đoạn hồi hộp và lo lắng nhất của chị. Khi nhận kết quả âm tính, hạnh phúc với chị như vỡ òa.

Hạnh phúc được làm mẹ như tiếp thêm nghị lực cho chị trong cuộc sống. Chị và chồng quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy và thành lập nhóm Nắng Cuối Trời để giúp đỡ những người lầm lỡ, giúp họ không tái nghiện và an toàn không bị nhiễm HIV. Nhóm của chị đã trở thành địa chỉ tin cậy cho những người từng nghiện ma túy, người không may nhiễm HIV. Nhóm đã hỗ trợ tư vấn cho người có HIV sử dụng thuốc AVR, cấp phát bao cao su và thu hồi bơm kim tiêm bẩn, kết nối với người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc...

Chị Nguyễn Thị Liên, ở huyện Vĩnh Tường nhớ lại: “Đón niềm vui sắp được làm mẹ cũng là lúc tôi phát hiện ra mình nhiễm HIV từ chồng. Nỗi đau đó tưởng chừng như không thể vượt qua, nhất là khi nghĩ đến đứa bé vừa phôi thai đã có nguy cơ mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Nhờ sự tư vấn của các bác sỹ tôi đã tham gia chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV. Sau quãng thời gian thai nghén kiên trì, theo dõi, dự phòng sau sinh, chấp hành nghiêm ngặt các quy định, hướng dẫn của bác sỹ, giờ đây, tôi vui mừng khi biết con mình không nhiễm bệnh”.

* Loại trừ nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

Điều trị bằng thuốc ARV có vai trò rất quan trọng đối với người nhiễm HIV nói chung và phụ nữ mang thai nhiễm HIV nói riêng. Bên cạnh việc làm chậm lại sự phát triển của virus HIV, giảm được tần suất mắc và tử vong do các bệnh nhiễm trùng cơ hội, cải thiện chất lượng cuộc sống, điều trị ARV sớm còn là biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiệu quả.

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai tại tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2007. Mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 10-15 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được tư vấn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Song hiện nay, vẫn còn không ít phụ nữ mang thai nhiễm HIV nhưng lại không biết mình đã nhiễm bệnh, nên đã không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu thông tin, thiếu kiến thức, cộng với sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS khiến họ không muốn làm xét nghiệm, muốn giữ kín. Do đó, các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa được cung cấp một cách rộng rãi, đa số những phụ nữ nhiễm HIV được phát hiện muộn trong giai đoạn mang thai và chuyển dạ, vì vậy rất khó khăn trong việc tư vấn, chăm sóc, theo dõi và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con một cách hiệu quả…

Bác sĩ Nguyễn Văn Chiến cho biết thêm: Người phụ nữ mang thai cần chủ động đến các cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm phát hiện HIV sớm và được cán bộ y tế hướng dẫn các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Hiện tại, việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai tốt nhất vẫn là dùng thuốc ARV càng sớm càng tốt và tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ trong suốt thai kỳ cũng như sau khi sinh con. Đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV, việc dừng điều trị thuốc ARV sẽ dẫn tới tình trạng suy giảm miễn dịch, gây khả năng kháng thuốc, làm tăng nguy cơ lây truyền HIV cho con. Nếu được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, có thể bảo đảm hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con. Do đó, khi xét nghiệm, biết mình bị nhiễm HIV, bên cạnh việc chăm sóc thai nghén như bao bà mẹ khác, người mẹ nhiễm HIV còn được chăm sóc, uống thuốc điều trị ARV để phòng tránh lây truyền sang con.

Hiện nay, Vĩnh Phúc có hai phòng khám điều trị ngoại trú (OPC) và tư vấn điều trị tự nguyện đặt tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh và ở bệnh viện Đa khoa huyện Sông Lô. Bên cạnh đó, để các bà mẹ được tiếp cận sớm với các dịch vụ can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiệu quả nhất, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS cho đặt các điểm thuốc tại các bệnh viện tuyến huyện. Khi các bà mẹ được xét nghiệm sàng lọc HIV, nếu dương tính thì sẽ được điều trị luôn bằng thuốc. Đồng thời, trung tâm còn thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức cho cán bộ y tế tại các điểm đặt tủ thuốc, chú trọng tuyên truyền cho đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai về tình dục an toàn, phòng tránh có thai ngoài ý muốn, tư vấn cho phụ nữ sự cần thiết thực hiện khám sàng lọc, xét nghiệm HIV sớm…

Vĩnh Phúc đề ra mục tiêu 100% phụ nữ mang thai đã phát hiện nhiễm HIV được điều trị, chăm sóc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, 100% trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị, chăm sóc dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc ARV và có chế độ nuôi dưỡng thích hợp, từng bước giảm, tiến tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn.

Theo thống kê, Vĩnh Phúc hiện có 3.359 người nhiễm HIV, còn sống 2.694 người. Số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV là 624 bệnh nhân, trong đó trẻ em dưới 15 tuổi là 21 em. Từ năm 2007 đến nay, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã đã tiến hành tư vấn, xét nghiệm HIV cho khoảng 76.406 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phát hiện 63 bà mẹ mang thai nhiễm HIV. Hiện nay tất cả số trẻ sinh ra được can thiệp, điều trị thành công, không có trẻ nào dương tính với HIV. Vĩnh Phúc đang từng bước giảm thiểu và tiến tới loại trừ nhiễm HIV từ mẹ sang con trong những năm tiếp theo.

Nguyễn Thị Thảo - TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm