LHQ cảnh báo 'nguy cơ nghiêm trọng' từ dịch COVID-19 với các cộng đồng thổ dân Amazon

07/06/2020 14:37 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) cảnh báo những cộng đồng thổ dân tại vùng Amazon đang chịu “nguy cơ nghiêm trọng” do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, và hối thúc các nước trong khu vực tăng cường biện pháp bảo vệ.

Dịch COVID-19: Liên hợp quốc cảnh báo làn sóng thù hận và bài ngoại gia tăng

Dịch COVID-19: Liên hợp quốc cảnh báo làn sóng thù hận và bài ngoại gia tăng

Ngày 8/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi nỗ lực toàn diện để chặn đứng "cơn sóng thần thù hận và bài ngoại" do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, vùng rừng nhiệt đới và châu thổ sông Amazon bao gồm các phần lãnh thổ của 8 quốc gia Nam Mỹ, gồm Brazil, Peru, Colombia, Bolivia, Ecuador, Venezuela, Guyana và Surinam, và là nơi trú ngụ của 420 sắc tộc thổ dân thiểu số, trong đó có 60 sắc tộc sinh hoạt theo lối biệt lập tự nguyện.

Cơ quan này chỉ ra những vấn đề chính mà các cộng đồng này phải đối diện trong bối cảnh bệnh dịch hiện tại, như thiếu khả năng tiếp cận thông tin y tế đáng tin, không có hạ tầng và dịch vụ y tế phù hợp với nhu cầu cấp bách hiện tại. UNHCR cũng chỉ trích nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động trong khu vực này bất chấp các biện pháp giãn cách, chưa kể sự đe dọa thường trực từ các phần tử vũ trang liên quan tới tội phạm có tổ chức và buôn bán ma túy.

UNHRC hối thúc các quốc gia châu thổ Amazon tạm ngừng, hoãn ban hành luật và cấp phép cho các dự án khai thác và phát triển gần nơi sinh sống của các cộng đồng thổ dân và tiến hành khám phòng ngừa với thông tin đầy đủ theo tiêu chuẩn quốc tế đối với các sắc tộc thiểu số này.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã cảnh báo về tác động có thể tới mức thảm khốc của COVID-19 đối với các cộng đồng thổ dân Amazon, và nhắc nhở rằng những nhóm cư dân trên vốn "có tỉ lệ cao" về mất an ninh lương thực, tiểu đường đường tuýp 2 và các bệnh đặc thù của khu vực này như lao và sốt rét, “yếu tố khiến họ càng dễ bị tổ thương với đại dịch hiện tại”.

Chú thích ảnh
Những người đàn ông tại cộng đồng Sahu-Ape, bang Amazonas, Brazil, chèo thuyền trên sông Ariau trong đại dịch COVID-19. Ảnh: AFP

Trong khi đó, dịch COVID-19 đang lan rộng tại khu vực Mỹ Latinh. Ngày 6/6, Bộ Y tế Brazil cho biết nước này đã ghi nhận thêm 904 trường hợp tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 35.930 người, trong khi số trường hợp nhiễm bệnh cũng lên tới 672.846 người.

Như vậy, Brazil là quốc gia có số người mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ, trong khi số ca tử vong đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Anh.

Chile đã ghi nhận thêm 93 trường hợp tử vong, con số kỷ lục trong 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong lên 1.541 người. Số ca mắc COVID-19 mới tại nước này cũng tăng thêm 5.246 người.

Hiện tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở nước này lên tới 127.745 người. Hiện vẫn còn khoảng trên 22.000 trường hợp đã được theo dõi y tế, trong đó có 1.294 trường hợp đang được điều trị tích cực bằng máy thở.

 Peru cũng ghi nhận thêm 4.358 bệnh nhân COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 191.758 trường hợp, trong đó có 5.301 người tử vong. Đến tới điểm hiện tại, Peru tiếp tục là quốc gia có người mắc COVID-19 cao thứ hai tại Mỹ Latinh, sau Brazil.

    Lê Hà - Hoài Nam - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm