Lập quy hoạch tổng thể Văn Miếu: Chờ 'đánh thức' biểu tượng của Hà Nội

11/04/2017 07:09 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều năm chờ đợi, cuối cùng cụm Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng đang đứng trước cơ hội được "đánh thức" bằng một bản quy hoạch xứng đáng với bề dày văn hóa, lịch sử của mình.

Cụ thể, cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã đồng ý chủ trương giao UBND Hà Nội chủ trì lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

"Nối liền" Hồ Văn

Xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI), cụm di tích này đã trải qua nhiều lần trùng tu và chỉnh sửa. Gần nhất, trong suốt thập niên 1990, Văn Miếu – Quốc Tử Giám từng bước được tôn tạo các hạng mục cơ bản, bổ sung thảm cỏ, xây dựng nhà bia và nhà Thái học. Toàn bộ các hạng mục này được khánh thành vào năm 2000.

Nhưng, cũng suốt từ thời điểm đó tới nay, di tích Quốc gia đặc biệt này chưa được quy hoạch thêm để sử dụng một cách tối ưu về không gian, cũng như kết nối với các điểm văn hóa lân cận. Cho dù, khá nhiều cuộc hội thảo đã được giới chuyên môn tổ chức về vấn đề này. Thậm chí, năm 2013, việc lập quy hoạch tổng thể cho Văn Miếu cũng đã bước đầu được đặt ra nhưng phải dừng lại.


Quần thể Văn Miếu cần một bản quy hoạch tương xứng với giá trị đang có. Ảnh: TTXVN

"Có nhiều lý do cho sự chậm trễ này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng may mắn nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp để nâng cao hình ảnh Văn Miếu" – ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám- cho biết. "Sắp tới, những tư vấn này sẽ được tập hợp và bổ sung thêm".

Theo lời ông Kiêu, hầu hết các tư vấn đều gặp nhau ở một điểm chung: Văn Miếu cần sớm xây dựng hệ thống bãi đỗ xe, thậm chí là bãi đỗ xe ngầm nếu khả thi. Hiện tại, do thiếu không gian, một phần lớn diện tích Vườn Giám (cạnh phố Tôn Đức Thắng) vẫn được khai thác làm bãi gửi xe tạm bợ. Ngược lại, xe bus chở khách không có vị trí đỗ nên thường "thả" khách xuống cổng chính và gây nên cảnh lộn xộn về giao thông.

Và, cũng vì vấn đề giao thông, nên khu vực Hồ Văn (nằm đối xứng với Văn Miếu) cũng thường xuyên bị "cắt lìa" với phần còn lại bởi trục đường Quốc Tử Giám quá đông xe cộ. Được biết, đã từng có ý kiến đề xuất biến đoạn đường này thành phố đi bộ để kết nối 2 phần của Văn Miếu, nhưng ý tưởng này khó khả thi, bởi trục Quốc Tử Giám có vai trò khá quan trọng trong giao thông nội đô.

"Cũng có ý kiến đề nghị làm cầu bộ hành vắt qua đường, nhưng làm vậy sẽ rất xấu về mỹ quan" – ông Kiêu nói thêm. "Trước mắt, có lẽ chúng tôi sẽ xin thành phố.... lập một chốt đèn xanh, đèn đỏ tại ngã ba Văn Miếu – Quốc Tử Giam với thời lượng khảng 30 giây để phục vụ khách sang đường. Có thể, một đoạn vỉa hè và lòng đường nối 2 cụm công trình sẽ được lát bằng màu gạch riêng, vừa để hướng dẫn du khách, vừa tạo sự kết nối về thị giác".

Nên kết nối tới Bảo tàng Mỹ thuật

Nếu vấn đề giao thông được giải quyết, khu vực Hồ Văn dự kiến sẽ giữ một vai trò quan trọng trong hoạt động của cụm Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Cụ thể, vào tháng 2 vừa qua, ngành quản lý văn hóa cũng đã cho phép các cơ quan chức năng nghiên cứu phương án phục dựng gò Kim Châu ở giữa hồ và tòa Phương đình trên gò – tương truyền là kiến trúc gắn với hoạt động bình văn, bình thơ của các sĩ tử trong quá khứ.

"Mọi việc còn trông chờ vào các tư liệu sưu tập được. Tuy nhiên, chắc chắn không gian tại hồ Văn sẽ được quản lý chu đáo, để lựa chọn tổ chức những hoạt động phù hợp" - ông Kiêu nói thêm. "Vừa qua, có đơn vị đề xuất  khảo sát tổ chức múa rối nước tại đây, chúng tôi còn đắn đo. Nhưng, tổ chức hội sách cũ như trong tháng 3 vừa qua thì hoàn toàn phù hợp".

Nhiều hạng mục cần trùng tu sớm

Theo ông Lê Xuân Kiêu, hiện tại, một số hạng mục tại quần thể này như Khuê Văn Các, Tam quan, điện Đại Thành, hệ thống tường gạch vồ xung quanh Văn Miếu, hồ Văn... đang có dấu hiệu xuống cấp. Các công trình này cần sớm được trùng tu để bảo tồn.

Xa hơn, vượt khỏi khuôn khổ của Văn Miếu, nhiều ý kiến cũng từng đề xuất mở rộng không gian này để tìm hướng kết nối với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở phía đường Nguyễn Thái Học. Theo lời ông Kiêu, nhiều ý kiến tư vấn cũng nhắc tới vấn đề này. Thực tế, cũng lại bởi sự chia cắt về giao thông, khu vực Văn Miếu luôn đón một lượng khách khá lớn, trong khi phía Bảo tàng Mỹ thuật lại thường xuyên vắng vẻ.

Đáng nói, năm 2004, Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội từng đưa ra một dự án táo bạo: giải tỏa để kéo dài đường Hoàng Diệu thêm 330 mét cho tới điểm giao với phố Quốc Tử Giám.

Theo đó, khi chức năng giao thông được chuyển sang trục phố mới này, phố Văn Miếu (nằm bên phải Văn Miếu) sẽ được cải tạo thành phố đi bộ, kết nối với Bảo tàng Mỹ thuật bằng đường hầm qua phố Nguyễn Thái Học rồi kéo dài không gian đi bộ qua Cao Bá Quát về phía Hoàng Thành Thăng Long.

Tất nhiên, cách triển khai như vậy sẽ đòi hỏi huy động một nguồn kinh phí khổng lồ vào việc mở đường, tái định cư và cải tạo cảnh quan. Nhưng ở điểm xuất phát ban đầu, người ta cũng hi vọng Văn Miếu sẽ từng bước được đầu tư để trở thành một điểm đến xứng tầm với bề dày vốn có.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm