"Khói lạ" tại Hà Nội: Sản phẩm của việc đốt rơm rạ

06/07/2011 20:30 GMT+7 | Thế giới

Trước hiện tượng khói mù xảy ra ở Hà Nội, chiều 6/7 ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho phóng viên hay, hiện có 2 luồng ý kiến trái chiều.

Việc đốt đơm rạ sau khi thu hoạch lúa mùa ở ngoại thành Hà Nội là việc "thường ngày ở huyện." (Ảnh: Kỳ Dương/Vietnam+)

Một ý kiến cho rằng, hiện tượng trên là khói mù quang hóa, có nguồn gốc từ khí thải ô nhiễm. Loại khói này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người.

Tuy nhiên, các số liệu từ kết quả quan trắc không khí tại các trạm quan trắc thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương tại Hà Nội lại “không thấy đột biến về chỉ số độc hại trong không khí và chỉ có nồng độ bụi là hơi tăng," ông Hải nói.

Căn cứ vào số liệu trên, ông Hải cho rằng khói mù xảy ra ở Hà Nội trong vài ngày qua chính là “sản phẩm” từ việc đốt rơm rạ của bà con nông dân, sau khi thu hoạch lúa chiêm xuân.

Theo ông Hải, khi bà con đốt rơm rạ, gió Đông Nam sẽ đưa khói vào nội thành Hà Nội, gây ra hiện tượng âm u. Đến nửa đêm, cũng chính gió Đông Nam làm tan khói, trả lại bầu không khí cho Thủ đô.

“Nếu nói là khói mù quang hóa, thì khói phải tồn tại trong một thời gian dài và máy móc đo đạc phải phát hiện ra các chỉ số độc hại,” ông Hải kết luận.

Trước đó, ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho phóng viên hay, hiện tượng nói trên là do bà con nông dân đốt rơm rạ. Hàng năm, Sở này vẫn có văn bản gửi xuống các huyện, đề nghị có biện pháp quản lý hiện tượng này. Tuy nhiên, sự việc vẫn tiếp diễn.

Theo quan sát của phóng viên, thực tế vài năm nay, hễ sau khi vụ lúa kết thúc, việc đốt rơm rạ gây khói mù mịt thường xuyên xảy ra. Hiện tượng này đã gây cản trở giao thông do khói bụi cũng như gây khó chịu cho người dân.

Song, một chuyên gia môi trường vẫn hoài nghi về giải thích của cơ quan chức năng. Ông cho rằng, ô nhiễm không khí ở nội thành là diễn biến thường xuyên, khi nào có hiện tượng nghịch nhiệt thì sẽ xuất hiện khói mù quang hóa.

Hơn nữa, ngày 5/7 chính Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng cảnh báo về một khối không khí nóng đang lấn vào khu vực Bắc Bộ. Khi có khối khí này, hiện tượng nghịch nhiệt có thể xảy ra và khi đó khói mù quang hóa xuất hiện là dễ hiểu.

Rõ ràng, cho dù là khói quang hóa hay khói từ rơm rạ thì việc ngăn chặn là điều cần phải làm để bảo vệ sức khỏe người dân. Ngoài ra, không nên lầm tưởng rằng khói từ rơm rạ không gây ra độc hại cho sức khỏe con người. Bởi theo nhiều chuyên gia y tế, khói từ rơm rạ có nhiều chất độc hại, sẽ gây tác hại cho cơ thể. Dễ thấy nhất là các bệnh viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm phổi…

Thậm chí, “người hít khói rơm rạ nhiều và lâu có thể bị biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, gây ung thư phổi và nhiều bệnh phổi khác nguy hiểm đến tính mạng,” bác sỹ Đào Bích Vân (Bệnh viện Lao và Phổi Trung ương) nói.

Thực tế thì hiện tượng khói rơm rạ không phải mới diễn ra, mà nó đã xảy ra nhiều năm nay như một căn bệnh nan y. Khi kinh tế phát triển, người dân không còn dùng rơm rạ cho công việc đun nấu thường nhật. Do đó, sau khi gặt lúa, nông dân  thường dùng biện pháp đốt để vừa đỡ tốn diện tích, lại lấy được tro, bón thẳng cho đồng ruộng.

Sự việc đốt rơm là “muôn năm cũ,” gây ra nhiều tác động tiêu cực. Tuy nhiên, bên cạnh khuyến cáo người nông dân không đốt rơm, các ngành chức năng cũng cần có giải pháp giúp họ xử lý lượng rơm thừa.

Bởi thế, sự cảnh báo tác hại của khói rơm của các chuyên gia y tế sẽ là hồi chuông cảnh báo. Và, cơ quan chức năng cần vào cuộc để hiện tượng khói mù không xảy ra, làm ảnh hưởng sức khỏe cũng như sinh hoạt của người dân.

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm