Kế hoạch lật ngược kết quả bầu cử tổng thống Mỹ tại Quốc hội: 'Sai lầm tồi tệ'

15/12/2020 11:13 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 14/12, các Thượng nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa đã bác bỏ ý tưởng lật ngược kết quả bầu cử tổng thống 2020 tại Quốc hội Mỹ, trong bối cảnh một nhóm các nghị sĩ trung thành với đương kim Tổng thống Donald Trump đang nung nấu kế hoạch đảo ngược kết quả kiểm phiếu đại cử tri tại Quốc hội vào ngày 6/1/2021.

Bầu cử Mỹ 2020: Đại cử tri 6 bang chiến địa bỏ phiếu cho ông Joe Biden

Bầu cử Mỹ 2020: Đại cử tri 6 bang chiến địa bỏ phiếu cho ông Joe Biden

Truyền thông Mỹ cho biết các đại cử tri tại tất cả 6 bang chiến địa mà Tổng thống Donald Trump tiến hành các cuộc pháp lý về kết quả bầu cử đã khẳng định bỏ phiếu bầu cho ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Trao đổi với báo giới, Thượng nghị sĩ John Thune cho biết các nhà lập pháp có quyền phản đối phiếu đại cử tri nhưng nỗ lực này sẽ không nhận được nhiều ủng hộ. Ông nêu rõ: "Đó là đặc quyền của họ, được cho phép trong Hiến pháp, nhưng sẽ không có kết quả".

Trong khi đó, phát biểu trước báo giới tại Đồi Capitol, Thượng nghị sĩ John Cornyn cũng thuộc đảng Cộng hòa cho rằng bất kỳ nỗ lực nào như vậy "sẽ là sai lầm tồi tệ" và sẽ gặp thất bại tại Thượng viện.

Ông nhấn mạnh: "Sẽ đến lúc bạn phải nhận ra rằng dù đã cố gắng hết sức nhưng không thể thành công, đó là bản chất của những cuộc bầu cử này. Phải có kẻ thắng, người thua". Ông đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ có một sự chuyển giao quyền lực hòa bình từ Tổng thống Trump.

Tới nay, ông Trump vẫn từ chối chấp nhận thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng ngày 3/11 vừa qua và đã tiến hành chục vụ kiện nhằm lật ngược kết quả chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden song hầu hết đều bất thành.

Chú thích ảnh
Các Thượng nghị sĩ kỳ cựu của đảng Cộng hòa bác ý tưởng lật ngược kết quả bầu cử tổng thống tại Quốc hội

Thượng nghị sĩ John Thune và John Cornyn đã đưa ra những cảnh báo trên trong bối cảnh một nhóm ủng hộ Tổng thống Trump đang lên kế hoạch "lật kèo" trong phiên kiểm phiếu đại cử tri tại Quốc hội vào ngày 6/1/2021. Người dẫn đầu nỗ lực này là Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa ở bang Alabama Mo Brooks.

Cùng với một nhóm đồng minh tại Hạ viện Mỹ, ông đang nhắm đến mục tiêu thách thức kết quả bầu cử ở 5 bang gồm Arizona, Pennsylvania, Nevada, Georgia và Wisconsin, những nơi họ cáo buộc có hành vi gian lận hoặc bỏ phiếu bất hợp pháp với các mức độ khác nhau, dù chính quyền những địa phương này đã xác nhận kết quả và cũng không có bằng chứng về sự bất thường trên diện rộng. Trong cuộc phỏng vấn với báo New York Times, ông Brooks nói: "Theo Hiến pháp, chúng tôi có vai trò cao hơn Tòa án Tối cao, hay bất kỳ thẩm phán bang hoặc liên bang nào. Những điều chúng tôi nói chính là phán quyết cuối cùng".

Trong ngày 14/12, các đại cử tri của các bang đã tiến hành bỏ phiếu và xác nhận ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Kết quả bỏ phiếu của đại cử tri sau đó được gửi tới Quốc hội, nơi Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Mike Pence sẽ chủ trì phiên kiểm phiếu vào trưa 6/1/2021.

Theo quy tắc trong Hiến pháp và Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887, quá trình này có thể được chặn tại Quốc hội nếu một Hạ nghị sĩ và một Thượng nghị sĩ cùng nhau đệ trình văn bản để phản đối việc kiểm phiếu của một bang. Tuy nhiên, hiện chưa có Thượng nghị sĩ nào của đảng Cộng hòa công khai ủng hộ nỗ lực lật ngược kết quả kiểm phiếu vào phút chót của ông Brooks, dù một số đồng minh thân cận với Tổng thống Trump, bao gồm Thượng nghị sĩ Wisconsin Ron Johnson và Thượng nghị sĩ Kentucky Rand Paul, từng để ngỏ vấn đề này. Ngay cả khi có Thượng nghị sĩ tham gia kế hoạch này, các học giả Hiến pháp cho biết việc thách thức kết quả bầu cử tại Quốc hội sẽ vô cùng gian nan.

Trong lịch sử bầu cử Mỹ từ năm 1887, chỉ hai lần văn bản phản đối được đệ trình, một lần vào năm 1969, do có một đại cử tri bất tuân và một lần vào năm 2005, về những bất thường trong bỏ phiếu ở bang Ohio. Tuy nhiên, cả hai nỗ lực đều gặp thất bại.

TTXVN 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm