Hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm COVID-19 mà Anh gửi sang Mỹ không có kết quả rõ ràng

05/06/2020 08:26 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Gần 30.000 mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà Anh gửi sang Mỹ đều không cho kết quả rõ ràng.     

 Dịch COVID-19: Italy, Pháp và Anh ghi nhận nhiều tiến triển tích cực

Dịch COVID-19: Italy, Pháp và Anh ghi nhận nhiều tiến triển tích cực

Ngày 1/6, Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy đã công bố một loạt con số tích cực liên quan đến cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trao đổi với báo giới, người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng cho biết trước đó Anh đã gửi 67.000 mẫu xét nghiệm tới Mỹ do "có vấn đề trong hoạt động của mạng lưới phòng xét nghiệm" ở Anh. Tuy nhiên, những xét nghiệm mà Mỹ gửi trả lại cho thấy tỷ lệ có kết quả không rõ ràng cao hơn dự kiến.

Theo đó, khoảng 29.500 mẫu xét nghiệm được phía Mỹ gửi lại đều không cho kết quả âm tính hay dương tính với virus SARS-CoV-2. Quan chức này cho biết những người bị nghi nhiễm bệnh đã được đề nghị ngay lập tức xét nghiệm lại.   

Hôm 3/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cam kết gần như toàn bộ các xét nghiệm COVID-19 sẽ có kết quả trong vòng 24 giờ vào cuối tháng này, mặc dù thừa nhận sẽ có một số khó khăn đối với các bệnh phẩm được gửi qua đường bưu điện. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Glasgow, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Anh hiện là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới do dịch COVID-19 với gần 280.000 ca mắc và hơn 39.700 ca tử vong. Văn phòng Trách nhiệm ngân sách (OBR), cơ quan giám sát tài chính công tại Anh, ngày 4/6 dự báo chi tiêu nhà nước cho các trường hợp khẩn cấp và nguồn thu từ thuế giảm có thể khiến Chính phủ Anh phải tiêu tốn tới 132,5 tỷ bảng Anh (tương đương 166,1 tỷ USD), tăng khoảng 7,5% so với dự báo trước đó. OBR cho biết khoản chênh 9 tỷ bảng là do chi phí cao từ hai chương trình trợ cấp tiền lương nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp.   

Trước đó, OBR dự báo Chính phủ Anh sẽ bị thâm hụt ngân sách khoảng 298,4 tỷ bảng trong tài khóa hiện nay do chi tiêu chính phủ tăng vọt và doanh thu thuế sụt giảm vì dịch bệnh COVID-19. Nếu dự báo này là đúng, thì mức thâm hụt sẽ tương đương hơn 15% Tổng sản phẩm quốc nội - mức cao kỷ lục sau Chiến tranh Thế giới thứ II.

Phương Oanh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm