Hàng chục nghìn cư dân thành phố ở châu Âu tử vong sớm do không khí ô nhiễm

20/01/2021 13:46 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ô nhiễm không khí khiến hơn 50.000 người sinh sống tại các thành phố ở châu Âu tử vong sớm mỗi năm. Đây là kết luận được các nhà khoa học đưa ra ngày 20/1 trong nghiên cứu xếp hạng hơn 800 thành phố dựa trên nguy cơ tử vong sớm do hai "thủ phạm" hàng đầu gây ô nhiễm không khí là khí Nitơ điôxít (NO2) và các loại bụi mịn.

Thủ tướng chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí

Thủ tướng chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ thị số 3/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí The Lancet Planetary Health, đã phân tích nguy cơ phơi nhiễm tại từng thành phố đối với khí NO2 - một loại khí độc có trong khói xe ô tô - và với các loại bụi mịn, bao gồm khói, bụi và tro. Sau đó, các nhà khoa học tạo ra công cụ trực tuyến, cho phép người dân biết được thứ hạng thành phố của mình trong bảng xếp hạng nói trên, cùng với dữ liệu so sánh chất lượng không khí nơi họ sinh sống với các trung tâm đô thị khác.

Tác giả đứng đầu nghiên cứu, ông Mark Nieuwenhuijsen của Viện Y tế Toàn cầu Barcelona, cho biết các thành phố ở châu Âu là những "điểm nóng" về ô nhiễm không khí, đồng thời hy vọng dự án nghiên cứu sẽ giúp nâng cao nhận thức về "sát thủ thầm lặng" này. Ông Nieuwenhuijsen cho rằng đây là công cụ trực tuyến trên rất hữu ích giúp người dân biết được điều gì đang xảy ra tại thành phố họ sinh sống, từ đó họ sử dụng các thông tin này để tăng cường các biện pháp hạn chế ô nhiễm không khí.

Châu Âu, Ô nhiễm môi trường, tử vong, Italy, Pháp, Bỉ
Ảnh minh họa

Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu về chất lượng không khí cụ thể tại các thành phố để tính toán tỉ lệ tử vong do nhiễm khí NO2 và các loại bụi mịn. Kết quả cho thấy  các thành phố  nếu giảm thiểu ô nhiễm không khí xuống mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có thể ngăn chặn khoảng 51.000 ca tử vong do bụi mịn và 900 ca tử vong do khí NO2 mỗi năm. Theo khuyến nghị của WHO,  trung bình mỗi năm, mức bụi mịn (PM2.5) không được phép vượt quá 10mg/m3 không khí, còn với khí NO2 là không quá 40mg/m3. Tính trung bình, có tới 84% dân số tại các thành phố được nghiên cứu bị phơi nhiễm mức bụi mịn PM2.5 cao hơn khuyến nghị của WHO, trong khi tỉ lệ này đối với khí NO2 là 9%.

Thành phố Madrid của Tây Ban Nha đứng đầu bảng xếp hạng về tỉ lệ tử vong do khí NO2, với tỉ lệ này là 7%, tiếp đó đến thành phố Antwerp (Bỉ), Turin (Italy), Paris (Pháp) và Milan (Italy). Trong khi đó, các thành phố ở thung lũng Po của Italy, miền Nam Ba Lan và miền Đông CH Séc có nguy cơ tử vong do bụi mịn cao nhất, chủ yếu do các hoạt động của ngành công nghiệp, sưởi ấm trong nhà và đốt than. Đáng chú ý, các thành phố của Italy gồm Brescia, Bergamo và Vicenza của Italy đều nằm trong tốp 5 thành phố châu Âu có mức bụi mịn PM2.5 cao nhất. Trong khi đó, các nước Bắc Âu như Iceland, Na Uy và Thụy Điển chiếm phần lớn danh sách các thành phố có tỉ lệ tử vong thấp nhất do cả hai loại ô nhiễm không khí nói trên.

Theo Liên hợp quốc (LHQ), ô nhiễm không khí khiến khoảng 7 triệu người trên thế giới chết sớm mỗi năm.

Đại diện Quỹ Không khí Sạch Matt Whitney cho rằng nghiên cứu trên nhấn mạnh tác động tiềm ẩn trên quy mô lớn của ô nhiễm không khí tại các thành phố, trong bối cảnh có rất ít người nhận thức được điều này. Ông Whitney kêu gọi giới chức các thành phố có biện pháp hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện đi lại thân thiện với môi trường và đầu tư cho các không gian xanh.

Minh Tuấn/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm