EU giúp 250.000 công dân mắc kẹt ở nước ngoài hồi hương, Pháp hơn 6.500 ca tử vong

04/04/2020 08:40 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 3/4, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết hơn 250.000 công dân EU vẫn đang cố tìm cách để về nhà, và số trường hợp bị mắc kẹt do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện vẫn còn cao kể cả sau khi EU đã hồi hương được khoảng 350.000 người.     

Thế giới có 961.692 ca mắc COVID-19, 49.165 người đã chết, 36.224 người nguy kịch

Thế giới có 961.692 ca mắc COVID-19, 49.165 người đã chết, 36.224 người nguy kịch

Tính đến 21h00 ngày 2/4 (theo giờ Việt Nam), theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, thế giới đã ghi nhận 961.692 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 49.165 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 203.176 người, trong khi vẫn còn 36.224 ca bệnh nặng và nguy kịch.

Kể từ khi EU thực hiện việc hồi hương công dân của mình vào giữa tháng 3, số người châu Âu bị kẹt ở nước ngoài tìm kiếm sự giúp đỡ tiếp tục tăng khi ngày càng nhiều trong số họ tìm kiếm sự hỗ trợ qua các đại sứ quán đóng ở nước sở tại.     

Trả lời báo chí sau Hội nghị bộ trưởng EU, ông Borrell cho biết khối đã hồi hương được hơn 350.000 công dân châu Âu nhưng vẫn còn tới 250.000 trường hợp bị mắc kẹt, và nhiều hoạt động giúp đỡ đang được tiến hành.     

Đại diện của EU cho biết không ai có thể tưởng tượng được rằng có rất nhiều công dân châu Âu bị mắc kẹt trên thế giới: du khách, khách vãng lai và người lao động ngắn hạn. Đó là chưa kể đến những trường hợp cư trú dài hạn.     

Với các công dân Pháp bị mắc kẹt ở Australia, công dân Tây Ban Nha ở Peru và công dân Đức ở Ấn Độ và Nam Phi, chính phủ các nước EU đang dựa vào các hãng hàng không thương mại để đưa công dân của mình về, trong bối cảnh các chuyến bay bị cắt giảm đáng kể do COVID-19.     

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào bệnh viện Severo Ochoa ở Leganes, Tây Ban Nha ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Như một phương sách cuối cùng, khối đã sử dụng đến chương trình máy bay xử lý khủng hoảng của mình khi không có hãng hàng không thương mại nào sẵn sàng cất cánh để đưa khoảng 10.000 công dân của mình về nhà, tuy nhiên nhiều quốc gia còn quá xa để hội đủ điều kiện.     

Với sự kết hợp giữa máy bay thuê bao và máy bay quân sự, các tổ chức của EU giúp các chính phủ thành viên trang trải chi phí hồi hương trên các chuyến bay với hành khách thuộc nhiều quốc gia EU.     

Đại diện cấp cao EU nhấn mạnh những nỗ lực của khối sẽ tiếp tục, nhưng mỗi ngày qua đi lại càng khó khăn hơn. Các hãng hàng không ngừng hoạt động và nhiều không phận bị đóng, nhưng ông Borrell nói rằng lần lượt rồi tất cả những người mắc kẹt sẽ được trở về nhà.     

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết các trường hợp dễ được hồi hương là những du khách đi theo tour hoặc trọn gói, còn những người đi cá nhân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Ông nói nước Đức cũng đưa cả các công dân EU không phải là người Đức trở về. Theo nhà ngoại giao này thì đến ngày 3/4, Đức đã hồi hương được 194.000 công dân đi du lịch ở nước ngoài và các chuyến bay từ Ấn Độ, Nam Phi và New Zealand đã được thực hiện.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào bệnh viện Bundeswehrkrankenhaus ở Ulm, Đức ngày 29/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Pháp và Tây Ban Nha cũng đã hồi hương được hàng nghìn công dân của họ.   

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, tính đến tối 3/4, Pháp xác nhận 6.507 ca tử vong liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 5.091 ca trong bệnh viện và 1.416 ca trong các trại dưỡng lão.Số người nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 được xác nhận qua xét nghiệm là 64.338 bệnh nhân. Trong số 27.432 trường hợp đang nhập viện, 6.662 người trong tình trạng phải chăm sóc đặc biệt. Đến nay, 14.008 người đã khỏi bệnh và xuất viện.     

Giới chức y tế nhấn mạnh rằng Pháp chưa chạm đến đỉnh dịch, tình hình còn quá phức tạp nên chưa thể tính đến việc dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại.   

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, truyền thông Đức tối 3/4 (giờ Đức) đăng tải thông điệp bằng video của Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi tất cả công dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp hạn chế tiếp xúc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ngay cả vào dịp Lễ Phục sinh.     

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Merkel nói rằng, đã có những dấu hiệu cho thấy hiệu quả từ các biện pháp hạn chế, sự lây lan virus SARS-CoV-2 đã chậm lại, nhưng bà chưa thể đưa ra thời hạn kết thúc đối với các hạn chế và cho rằng, điều này sẽ là vô trách nhiệm trong tình hình hiện tại. Bà nhấn mạnh “chắc chắn là quá sớm để nói về việc nới lỏng các quy tắc nghiêm ngặt”, virus đang tiếp tục lây lan “với tốc độ cao” ở Đức.   

Trong diễn biến liên quan, Quốc hội Bulgaria ngày 3/4 đã thông qua việc gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm một tháng nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2, khi mà nước này đã ghi nhận 485 ca mắc bệnh. Hôm 13/3, Quốc hội của quốc gia Biển Đen đã bỏ phiếu nhất trí ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài tới ngày 13/4. Tính tới ngày 3/4, Bulgaria đã ghi nhận 14 ca tử vong do COVID-19.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm