Đức ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao nhất từ đầu dịch

14/01/2021 06:52 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong 24 giờ qua, nước Đức đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất kể từ đầu dịch, với trên 13.000 ca, trong khi số ca nhiễm mới cũng ở trên 22.000 ca.

Thế giới gần 92 triệu ca mắc Covid-19, gần 2 triệu người đã chết

Thế giới gần 92 triệu ca mắc Covid-19, gần 2 triệu người đã chết

Theo trang thống kê worldometers.info, đến 8h00 sáng 13/1 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 91.971.520 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.968.325 ca tử vong. Hơn 65 triệu ca đã phục hồi. Bắc Mỹ là khu vực có số ca nhiễm cao nhất (hơn 26,6 triệu), nhưng châu Âu là khu vực có số ca tử vong cao nhất (600.303 ca). Châu Á đứng thứ ba với hơn 21,6 triệu ca nhiễm và 350.783 ca tử vong. Khu vực Nam Mỹ hiện ghi nhận 14,1 triệu ca nhiễm và 379.709 ca tử vong. Số ca nhiễm tại châu Phi và châu Đại Dương vẫn tiếp tục tăng dù hai châu lục này ít bị ảnh hưởng nhất.

Số liệu từ các cơ quan y tế Đức thông báo tối 13/1 cho biết, chỉ trong một ngày nước Đức đã ghi nhận 1.340 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 43.619 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm mới trong ngày là 22.313 ca, đưa tổng số ca nhiễm đến nay lên mức 1,97 triệu ca. Trên toàn nước Đức hiện đang có trên 316.000 ca mắc COVID-19, 5.000 người đang được điều trị tích cực, trong đó có gần 3.000 trường hợp phải sử dụng máy trợ thở và số giường chăm sóc tịch cực hiện chỉ còn trống 4.400 giường.

Để có thể tăng cường bảo vệ nhóm có nguy cơ rủi ro cao với dịch bệnh, chính quyền trung ương và địa phương của Đức đã nhất trí đẩy mạnh các biện pháp nhằm bảo vệ các đối tượng dễ bị rủi ro nhất. Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer ngày 13/1 thông báo sẵn sàng triển khai tới 10.000 binh sĩ tới các viện dưỡng lão hỗ trợ công tác xét nghiệm nhằm giảm tải cho lực lượng y tế tại các cơ sở này.

Chú thích ảnh
Cảnh sát Đức kiểm soát tại biên giới với các nước Pháp, Thuỵ Sỹ, Đan Mạch, Áo và Luxemburg. Ảnh: DPA

Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer nói: "Những người yếu nhất đang rất cần sự hỗ trợ của chúng ta trong đại dịch. Do vậy, quân đội liên bang đã sẵn sàng cử tới 10.000 người tới hỗ trợ tại các cơ sở dưỡng lão khi được yêu cầu". Cho tới nay, quân đội Đức đã triển khai gần 1.200 binh sĩ tới hỗ trợ tại 276 cơ sở dưỡng lão.

Cho đến nay, Đức đã hoàn tất tiêm chủng mũi thứ nhất cho gần 760.000 trường hợp, trong đó mỗi ngày tiêm chủng cho từ 50.000-70.000 người. Báo FAZ của Đức dẫn một nghiên cứu sơ bộ của các nhà khoa học Israel về mức độ tác động và hiệu quả của việc tiêm chủng vaccine BioNTech/Pfizer cho biết, nguy cơ lây nhiễm đã giảm 1/3 từ ngày thứ 13 sau khi tiêm mũi vaccine thứ nhất. Nghiên cứu được thực hiện với 200.000 người trên 60 tuổi đã được tiêm mũi vaccine thứ nhất với số người tương tự chưa được tiêm chủng.

Theo nghiên cứu, hầu như không có khác biệt về nguy cơ lây nhiễm giữa hai nhóm cho đến ngày thứ 12 kể từ khi được tiêm mũi vaccine thứ nhất, song từ ngày thứ 13, nguy cơ lây nhiễm ở những người đã được tiêm mũi 1 đã giảm 33% so với nhóm không được tiêm. Các nhà nghiên cứu cũng khuyến cáo kết quả sơ bộ không đồng nghĩa với việc người được tiêm chủng có thể miễn dịch hoàn toàn với virus, song đây là kết quả rất đáng khích lệ.

Cùng ngày 13/1, Chính phủ Đức đã thông qua quy định yêu cầu những người nhập cảnh Đức từ các nước/khu vực có nguy cơ cao đối với đại dịch COVID-19 phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus gây bệnh trong vòng 48 giờ trước khi nhập cảnh, trong khi những trường hợp có kết quả dương tính phải thực hiện cách ly.

Các trường hợp chưa làm xét nghiệm khi nhập cảnh Đức sẽ bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm ở Đức. Các nước và khu vực nằm trong diện có nguy cơ cao đã được xếp trong danh sách của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI).

Mạnh Hùng - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm