Dịch Covid-19 ngày 3/4: Thế giới ghi nhận hơn 130 triệu người mắc bệnh

03/04/2021 22:09 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h00 ngày 3/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 130.977.660 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.853.188 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 105.439.477 người.

EU thống nhất phương án phân bổ vaccine Covid-19 cho các nước thành viên

EU thống nhất phương án phân bổ vaccine Covid-19 cho các nước thành viên

Sau nhiều ngày đàm phán, đại sứ các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí điều chỉnh hệ thống phân bổ vaccine giữa các nước thành viên.

Hai quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đều nằm ở châu Mỹ, với Mỹ có 567.610 ca tử vong trong tổng số 31.315.968 ca nhiễm và Brazil có 328.366 ca tử vong trong số 12.912.379 ca bệnh. 

Tại châu Âu, Ukraine ghi nhận 20.341 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức tăng trong ngày cao kỷ lục, nâng tổng số ca bệnh lên 1.731.971 ca, trong đó có 34.075 ca tử vong.

Trước tình hình dịch bệnh gia tăng, Ukraine đang siết chặt các biện pháp hạn chế tại những vùng chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch bệnh trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng sau thời gian tạm lắng vào mùa Đông. Thủ đô Kiev sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm chặt chẽ từ ngày 5/4, hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng, đóng cửa toàn bộ các trường học và trường mầm non. Thành phố cũng đã cấm tổ chức các sự kiện công cộng, đóng cửa nhà hàng, quán cafe nhằm ngăn chặn làn sóng lây lan mới.

VIDEO Lễ Phục Sinh buồn vì Covid-1 9 (Nguồn VNEWS):

https://vnews.gov.vn/nvideo/le-phuc-sinh-buon-vi-covid-19-207822.htm

Ukraine cũng đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) nhằm phục vụ cho chương trình tiêm chủng của nước này. Đến nay, chương trình tiêm vaccine của Ukraine đến nay vẫn phụ thuộc vào vaccine AstraZeneca sản xuất tại Ấn Độ. Hồi tháng 3, Ukraine đã tiếp nhận lô vaccine Sinovac đầu tiên gồm 215.000 liều, tuy nhiên việc sử dụng vaccine này bị tạm hoãn do nhà cung cấp địa phương chưa cung cấp các giấy tờ cần thiết và cần  kiểm tra thêm trong phòng thí nghiệm.

Hy Lạp cũng ghi nhận 3.080 ca nhiễm mới và 72 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 270.230 ca và 8.232 ca tử vong. Hy Lạp thông báo sẽ tiếp tục tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca mặc dù một số nước trong Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục ngừng sử dụng chế phẩm này cho các nhóm thuộc độ tuổi nhất định. Nước này đang triển khai chiến dịch tiêm chủng miễn phí 3 loại vaccine ngừa COVID-19 cho người dân trên tinh thần tự nguyện. Đến nay, hơn 1,7 triệu liều vaccine đã được tiêm trên cả nước. Hơn 600.000 người đã được tiêm đủ 2 liều. Các quan chức Hy Lạp cho biết nước này dự kiến sẽ triển khai tiêm khoảng ba triệu liều vaccine vào tháng 6 tới. 

Chú thích ảnh
Hy Lạp tiếp tục chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Á, Philippines trong 24 giờ qua có thêm 12.576 ca nhiễm mới, mức tăng trong ngày cao thứ hai, nâng tổng số ca bệnh lên 784.043 ca, trong đó có 13.423 ca tử vong. Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thông báo gia hạn  các biện pháp hạn chế siết chặt ở vùng thủ đô Manila và các tỉnh lân cận thêm ít nhất 1 tuần. Theo đó, các biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh cấm đối với hoạt động di chuyển không thiết yếu, các cuộc tụ tập đông người và ăn tối ở nhà hàng... sẽ  có hiệu lực thêm ít nhất 1 tuần nữa. Các biện pháp này được gia hạn trước khi sắp hết hiệu lực vào ngày 4/4.

Còn tại Campuchia, Chính phủ nước này đã quyết định đưa các lao động phi chính thức như lái xe taxi, người bán hàng rong và lái xe vận tải vào các nhóm ưu tiên trong chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc. Trong 24 giờ qua, Bộ Y tế Campuchia xác nhận phát hiện 99 ca nhiễm mới, tất cả đều liên quan tới “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”, tại các tỉnh Tbong Khmum, Svay Rieng, Kandal, Takeo, Koh Kong, Preah Sihanouk và Phnom Penh (riêng thủ đô Phnom Penh có 33 ca). Tổng cộng, Campuchia đã có 2.645 ca mắc COVID-19, trong đó 1.585 trường hợp đã bình phục, và 19 người tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế và xe cứu thương được triển khai để chuyển bệnh nhân COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia ngày 19/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 543 ca nhiễm mới, trong đó 521 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 104.736 ca. Số ca tử vong do COVID-19 ở nước này cũng tăng lên 1.740 ca sau khi có thêm 3 ca tử vong.

Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét cho phép người dân sử dụng bộ dụng cụ tự xét nghiệm COVID-19, một trong những biện pháp nhằm tăng đáng kể năng lực xét nghiệm trong bối cảnh các ca lây nhiễm lẻ tẻ đang gia tăng ở nước này. Các cơ quan y tế tỏ ra thận trọng đối với các thiết bị chẩn đoán nhanh COVID-19, vì lo ngại rằng độ chính xác tương đối thấp của chúng có thể làm tăng xác suất chẩn đoán sai và mọi người có thể gặp khó khăn trong việc lấy mẫu bệnh phẩm.

Brunei đã nhận được lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên thông qua cơ chế COVAX Facility do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động nhằm đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận bình đẳng với vaccine ngừa COVID-19. Lô này gồm 24.000 liều vaccine của AstraZeneca đã được vận chuyển từ Amsterdam (Hà Lan) qua Singapore đến Brunei vào ngày 2/4. Đây là lô vaccine đầu tiên trong tổng số 100.800 liều vaccine của AstraZeneca dự kiến sẽ được COVAX cung cấp theo từng đợt và kéo dài đến cuối tháng 6 tới.

Brunei đã cấp phép sử dụng đối với 3 loại vaccine ngừa COVID-19, gồm vaccine của AstraZeneca, Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) và Sinopharm (Trung Quốc). Ngoài việc tiếp nhận vaccine theo cơ chế COVAX, Brunei cũng sẽ mua vaccine ngừa COVID-19 thông qua các thỏa thuận song phương.

Minh Châu/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm