Dịch COVID-19 sáng 20/7: Mỹ vẫn là 'điểm nóng' dịch bệnh

20/07/2020 10:53 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 9h ngày 20/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 14.640.375 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 608.857 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 8.734.805 người.   

Mỹ ghi nhận thêm 77.638 ca mắc bệnh mới trong 24h qua, con số cao kỷ lục

Mỹ ghi nhận thêm 77.638 ca mắc bệnh mới trong 24h qua, con số cao kỷ lục

Ngày 17/7, giới chức y tế Mỹ cho biết nước này tiếp tục ghi nhận số các ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cao nhất từ trước tới nay trong một ngày.

Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh với 3.896.855 ca nhiễm và 143.269 ca tử vong.   

Tại châu Mỹ, Brazil ngày 19/7 ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 tăng 716 ca lên tổng cộng 79.488 ca. Số ca nhiễm tăng 23.529 ca lên 2.098.389 ca. Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Sao Paulo là bang đông dân nhất, cũng là tâm dịch của Brazil với 19.732 ca tử vong và 415.049 ca nhiễm.   

Các nước khác ở châu Mỹ cũng tiếp tục ghi nhận thêm các ca tử vong và nhiễm mới. Mexico ghi nhận thêm 5.311 ca nhiễm mới và 296 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 344.224 ca và 39.184 ca.        

Peru ghi nhận thêm 189 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 13.187 ca. Số ca nhiễm cũng tăng 4.090 ca lên 353.590 ca. Thủ đô Lima tiếp tục là nơi có số ca nhiễm cao nhất tại nước này.         

Chú thích ảnh
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị tại bệnh viện ở Iquitos, Peru. Ảnh: AFP/TTXVN

Chile ghi nhận thêm 2.082 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 330.930 ca. Số ca tử vong tăng thêm 58 ca lên 8.503 ca. Bộ trưởng Y tế Chile Enrique Paris nhận định các số liệu mới nhất cho thấy tình hình dịch bệnh tại nước này tiếp tục có dấu hiệu cải thiện. Cụ thể, trong 7 ngày qua số ca nhiễm mới đã giảm 19%.   

Tại châu Âu, Thụy Sĩ quy định người trở về từ những nước được coi là có khả năng lây nhiễm cao mà không thực hiện cách ly tự nguyện có thể bị phạt tới 10.000 CHF (10.600 USD). Nhà chức trách Thụy Sĩ đã bắt đầu tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên không báo trước về du khách trở về từ các quốc gia có nguy cơ để đảm bảo việc tuân thủ các quy tắc kiểm dịch. Theo đó, đã bắt đầu yêu cầu các hãng hàng không cung cấp danh sách hành khách, và từ tuần tới sẽ yêu cầu các công ty xe buýt cung cấp danh sách.   

Trong khi đó, Nga thông báo đã hoàn tất thử nhiệm vaccine ngừa COVID-19 ở các tình nguyện viên. Nhóm tình nguyện viên thứ hai và là nhóm cuối cùng gồm 20 người, đã thử nghiệm vaccine của Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học mang tên Gamaley, sẽ xuất viện trong ngày 20/7. Dự kiến vaccine có thể được đưa ra thị trường vào giữa tháng 8.  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Phi, ngày 19/7, Bộ trưởng Ngoại giao Nigeria Geoffrey Onyeama đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, là thành viên đầu tiên trong nội các của Tổng thống Muhammadu Buhari nhiễm virus này. Theo số liệu thống kê, tính đến chiều 19/7, Nigeria đã ghi nhận tổng cộng 36.107 ca mắc COVID-19 và 778 ca tử vong; là quốc gia có số ca nhiễm cao thứ ba ở châu Phi, sau Nam Phi và Ai Cập.    

Tại Nam Phi, Bộ Y tế ngày 19/7 thông báo tổng cộng hơn 5.000 người đã tử vong do COVID-19 ở nước này. Cụ thể trong 24 giờ qua Nam Phi ghi nhận thêm 85 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 5.033 ca. Số ca nhiễm tăng thêm 13.449 ca, lên 364.328 ca. Dự báo dịch bệnh sẽ lên đỉnh điểm tại Nam Phi trong những tuần tới.

Đặng Ánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm