Dịch COVID-19 ngày 9/12: Thế giới có 68.741.600 ca bệnh và 1.566.602 ca tử vong

09/12/2020 22:17 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 9/12 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 68.741.600 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.566.602 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 47.663.512 người.

Dịch COVID-19: Anh ghi nhận 2 trường hợp dị ứng trong ngày đầu tiên tiêm chủng

Dịch COVID-19: Anh ghi nhận 2 trường hợp dị ứng trong ngày đầu tiên tiêm chủng

 Trong ngày đầu tiên Anh triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Pfizer/BioNTech, nước này đã ghi nhận 2 trường hợp có phản ứng dị ứng. Cơ quan chức năng Anh ngay lập tức khuyến nghị những người có tiền sử dị ứng không nên tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở thời điểm hiện nay. 

Mỹ đang quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh với 15.594.939 ca nhiễm và 293.503 ca tử vong do COVID-19. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 9.742.287 ca nhiễm và 141.484 ca tử vong và Brazil với 6.675.915 ca nhiễm và 178.184 ca tử vong do COVID-19.

Tại châu Âu, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ Bỉ quy định từ ngày 18/12, tất cả những người nhập cảnh phải khai báo y tế bắt buộc. Đặc biệt, những người đã ở "vùng đỏ" trên 48 giờ khi vào Bỉ phải tự cách ly trong 10 ngày và phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào ngày cách ly thứ 7.

Tại Hà Lan, tình hình dịch COVID-19 cũng đang nóng lên, buộc chính phủ nước này phải kéo dài các hạn chế xã hội đến hết dịp nghỉ lễ cuối năm. Theo đó, Hà Lan gia hạn thêm một tháng (đến ngày 15/1/2021) lệnh cấm các gia đình tiếp trên 3 khách là người lớn đến chơi nhà, trong khi các nhà hàng và quán bar vẫn phải đóng cửa.

Trong khi đó, Thụy Điển cũng quyết định gia hạn lệnh cấm tụ tập trên 8 người ở nơi công cộng đến hết dịp lễ Giáng sinh và Năm mới.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc trong dịp Giáng sinh để kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả. Bên cạnh đó, bà cũng đề nghị Quốc hội Đức xem xét việc phong tỏa trên diện rộng sau Giáng sinh, ủng hộ việc đóng cửa các trường học và cửa hàng đến hết ngày 10/1/2021. 

Trong ảnh: Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại London, Anh, ngày 8/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
 Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại London, Anh, ngày 8/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Các cơ quan y tế Đức sáng 9/12 cho biết trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 20.815 ca nhiễm mới và 590 ca tử vong do COVID-19, con số tử vong cao nhất theo ngày kể từ đầu dịch. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến thời điểm này, Đức có tổng cộng hơn 1,2 triệu ca nhiễm và 20.259 ca tử vong do COVID-19.

Cùng ngày, Cố vấn Thủ tướng Moldova, ông Boris Harea thông báo Thủ tướng Ion Chicu đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong thời gian này, Thủ tướng Chicu sẽ điều hành chính phủ từ xa.

Tại châu Á, ngày 9/12, Indonesia đã ghi nhận thêm 171 ca tử vong do COVID-19 - mức cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số người không qua khỏi lên 18.171 người. Cũng trong 24 giờ qua, nước này có thêm 6.058 ca mắc COVID-19. Như vậy, tổng số người mắc COVID-19 tại Indonesia là 592.900 người, nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tại Campuchia, Bộ Y tế đã ghi nhận 4 ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đêm 8/12, bộ trên đã có văn bản yêu cầu những người từng có mặt tại các cửa hàng thời trang Zando và Pedro trong thời gian từ ngày 27/11 cần khẩn trương đến xét nghiệm và cách ly tại Khách sạn Sokha Phnom Penh. Tính đến 7h00 ngày 9/12, Campuchia có tổng cộng 354 ca nhiễm.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ghi nhận 686 ca nhiễm mới trong ngày 9/12, trong đó có 662 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 39.432 ca. Số liệu thống kê của KDCA cũng cho thấy số ca nhiễm không rõ nguồn lây chiếm tới 26%. Đặc biệt, trong tháng này đã có tới 4% số người làm xét nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS-CoC-2 nhưng không có triệu chứng, tăng gấp 4 lần so với hai tháng trước.

Trước những diễn biến bất thường của dịch, Chính phủ Hàn Quốc quyết định áp dụng 2 phương pháp xét nghiệm COVID-19 mới có sự cải thiện vượt bậc so với phương pháp xét nghiệm hiện hành. Đó là phương pháp xét nghiệm nhanh RDT (Rapid Diagnostic Test) phát hiện kháng nguyên virus và xét nghiệm bằng nước bọt. 

Liên quan đến vấn đề vaccine, trong ngày đầu tiên Anh triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech, nước này đã ghi nhận 2 trường hợp có phản ứng dị ứng. Cơ quan chức năng Anh ngay lập tức khuyến nghị những người có tiền sử dị ứng không nên tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở thời điểm hiện nay.

Trong khi đó, Israel đã tiếp nhận lô vaccine đầu tiên theo hợp đồng đã có với Pfizer/BioNTech. Thủ tướng Israel bày tỏ lạc quan dịch bệnh sẽ sớm kết thúc và ông sẽ người tiêm mũi đầu tiên./.

 Đặng Ánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm