Dịch Covid-19 ngày 7/5: Ấn Độ vẫn là 'tâm chấn' mới của đại dịch

07/05/2021 22:46 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 7/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 156.986.386 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.273.743 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 134.330.683 người.

EURO nới lỏng quy định vì Covid-19

EURO nới lỏng quy định vì Covid-19

UEFA quyết định đưa ra một số thay đổi khác thường lệ tại EURO 2020 nhằm có thể “đối đầu” với Covid-19 tốt nhất và đảm bảo an toàn sức khỏe cho các đội tuyển tham dự giải đấu.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 594.056 ca tử vong trong tổng số 33.371.551 ca nhiễm. Ấn Độ - nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai thế giới vẫn là "tâm chấn" mới của đại dịch COVID-19, với số ca mắc mới ở mức trên 400.000 ca/ngày lần thứ 3 trong vòng một tuần qua.

Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 414.188 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 3.915 ca tử vong - mức cao nhất thế giới, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong ở nước này lên lần lượt là 21.640.667 và 231.189. Hiện một số bang ở Ấn Độ đã áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm hoặc lệnh phong tỏa từng phần, trong khi thủ đô New Delhi đang áp đặt lệnh phong tỏa lần thứ 3, có hiệu lực đến ngày 10/5. Tuy nhiên, chính phủ liên bang vẫn loại trừ khả năng áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn.

Chú thích ảnh
Ấn Độ vẫn là "tâm chấn" mới của đại dịch COVID-19

Đáng chú ý, tình trạng bùng phát dịch tại các nước láng giềng của Ấn Độ cũng đang ở mức báo động. Dù đa số người dân tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch nghiêm ngặt, song Nepal vẫn ghi nhận tới 9.070 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua - số ca mắc trong một ngày cao nhất từ trước đến nay. Số ca tử vong cũng vượt mốc 50 ca trong ngày thứ 3 liên tiếp, với 54 ca tử vong trong 24 giờ qua. Giới chức y tế Nepal nhận định thống kê về số ca mắc mới chưa phản ánh hết tình hình dịch bệnh vì đây mới chỉ bao gồm  những người đã xét nghiệm COVID-19 sau khi có triệu chứng bệnh. Do vậy, nếu tiến hành xét nghiệm cả một cộng đồng dân cư, số ca mắc thực tế sẽ cao hơn nhiều. Tính đến nay, Nepal đã ghi nhận 368.580 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.529 ca tử vong. Tuần trước, Nepal đã tạm ngừng tất cả các chuyến bay quốc tế đến ngày 14/5 tới. Chỉ có hai chuyến bay khứ hồi mỗi tuần đến Ấn Độ để đưa những công dân bị mắc kẹt về nước.

Trong khi đó, Sri Lanka - nước cũng có đường biên giới với Ấn Độ, ghi nhận 1.895 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 119.424 ca, trong đó có 734 ca tử vong. Chính phủ Sri Lanka đã cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ Ấn Độ bằng đường hàng không.

Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh miền Tây cho đến ngày 31/5, đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp ra các tỉnh Aichi ở miền Trung và Fukuoka ở Tây Nam. Quyết định trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi nhóm chuyên gia cố vấn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cảnh báo số ca nhiễm mới ở nước này có thể sẽ tăng sau kỳ nghỉ dài kết thúc vào ngày 5/5, đồng thời đề nghị chính phủ duy trì các biện pháp mạnh để chống dịch COVID-19 sau khi kỳ nghỉ này.

Khác với hai tuần trước, Chính phủ Nhật Bản sẽ nới lỏng một phần các biện pháp chống dịch nhằm hạn chế tác động của tình trạng khẩn cấp đối với nền kinh tế, theo đó chỉ yêu cầu các trung tâm thương mại lớn rút ngắn thời gian hoạt động thay vì đóng cửa; giới hạn số lượng khán giả dự khán các sự kiện thể thao, giải trí đông người ở mức tối đa 5.000 người hoặc 50% công suất của địa điểm tổ chức thay vì không cho phép khán giả tham gia. Mặt khác, Nhật Bản sẽ siết chặt kiểm soát nhập cảnh đối với những công dân Nhật Bản và người nước ngoài đến từ Ấn Độ, nơi dịch COVID-19 đang hoành hành. Người dân cũng được khuyến cáo hạn chế tập trung theo nhóm uống rượu bia ở công viên và trên đường phố.

Hiện dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở Campuchia - khi nước này cùng ngày ghi nhận 558 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Trong số các ca mắc mới này có 557 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 1 ca nhập cảnh. Số ca mắc COVID-19 trên cả nước hiện đã lên tới 18.179 ca. Số bệnh nhân đã bình phục là 6.884 ca, tăng thêm 41 ca, trong khi chưa có trường hợp tử vong vì COVID-19 được ghi nhận.

Chính quyền vùng đô thị Bangkok - nơi đang là tâm điểm của làn sóng dịch COVID-19 thứ ba tại Thái Lan, cam kết thực hiện mọi biện pháp có thể để kiểm soát tình trạng gia tăng các ca nhiễm trên địa bàn. Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang cho biết làn sóng dịch bệnh mới đang lan nhanh tại những khu vực xung quanh thủ đô nên chính quyền vùng đô thị Bangkok đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm kiểm soát dịch bệnh trong vòng hai tuần. Hiện BMA cũng đang thực hiện xét nghiệm đại trà tại nhiều địa điểm để phát hiện sớm các ca bệnh và thủ đô Bangkok đang là vùng Đỏ trên thang cảnh báo nguy cơ dịch bệnh tại Thái Lan, với mức độ hạn chế tối đa và được ưu tiên tiêm chủng.

Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 có xu hướng cải thiện ở Lào khi lần đầu tiên trong 14 ngày qua, nước này ghi nhận số ca mắc mới dưới 30 ca. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 28 ca mắc mới trên cả nước, tất cả đều là lây nhiễm trong cộng đồng. Điều này cho thấy dù tình hình còn phức tạp, nhưng các biện pháp phong tỏa quyết liệt của chính phủ cùng sự chấp hành nghiêm chỉnh các quy định phòng chống dịch của người dân đã và đang phát huy hiệu quả. Tính đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.205 ca mắc COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 122 người và chưa có trường hợp nào tử vong.

Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 tiếp tục lây lan, Philippines đã siết chặt kiểm soát các hành khách nhập cảnh, theo đó, tăng thời gian thực hiện cách ly đối với hành khách nhập cảnh nước này từ 7 ngày lên 14 ngày. Philippines sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát mới kể cả với những hành khách đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, hành khách sau khi nhập cảnh sẽ thực hiện cách ly 10 ngày tại các cơ sở cách ly do chính phủ quản lý và sau đó cách ly 4 ngày tại nhà. Họ sẽ được xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 nhưng vẫn phải hoàn thành thời gian cách ly tại các cơ sở nói trên kể cả khi có kết quả xét nghiệm âm tính.    

Tại châu Âu, Đức đã ghi nhận những tín hiệu lạc quan trong làn sóng bùng phát thứ 3 của đại dịch COVID-19. Theo Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn, làn sóng đại dịch COVID-19 dường như đã bị chặn lại. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo mặc dù số ca nhiễm bệnh mới sẽ tiếp tục xu hướng giảm, nhưng con số hiện tại vẫn ở mức cao. Vì vậy, cần giữ ổn định xu hướng giảm số ca lây nhiễm mới và điều này sẽ không thể thực hiện được nếu vội vàng nới lỏng các hạn chế phòng dịch. 

Giải thích nguyên nhân số ca lây nhiễm mới đang giảm dần, Bộ trưởng Spahn đánh giá rằng đó là do “hành động của người dân” khi đã thực hiện nghiêm túc quy định hạn chế tiếp xúc cá nhân và cách ly phòng dịch. Với việc số ca lây nhiễm có xu hướng giảm, người Đức hoàn toàn có thể lạc quan và tự tin. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nới lỏng các quy định phòng dịch.

Nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan và thành quả của các biện pháp chống dịch, Pháp đã bổ sung 7 quốc gia vào danh sách mà công dân hay hành khách từ các nước này nhập cảnh Pháp sẽ phải thực hiện cách ly bắt buộc trong 10 ngày. Các quốc gia trên gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Nepal, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Qatar. Biện pháp cách ly bắt buộc đối với hành khách đến từ những nước này sẽ có hiệu lực từ 0h00 ngày 8/5. Pháp đang thực hiện đợt phong tỏa thứ 3 nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. Cho đến nay, Pháp ghi nhận 106.000 ca tử vong do COVID-19 trong tổng số 5,73 triệu bệnh nhân.

Tuy nhiên, một phân tích mới của Viện Đánh giá và đo lường sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) cho thấy đại dịch COVID-19 đã làm gần 6,9 triệu người tử vong trên toàn thế giới, tăng hơn gấp đôi con số ghi nhận chính thức hiện nay.

Theo phân tích của IHME, có những ca tử vong do COVID-19 không được ghi nhận vì hầu hết các quốc gia chỉ ghi nhận số ca tử vong trong bệnh viện hoặc các ca được xác nhận mắc COVID-19. IHME cho rằng việc ghi nhận các trường hợp tử vong do COVID-19 liên quan chặt chẽ đến mức độ xét nghiệm ở một quốc gia. Theo Giám đốc IHME Christopher Murray, nếu không tiến hành nhiều xét nghiệm, rất có thể nhiều ca tử vong do COVID-19 không được thống kê. Phân tích của IHME ước tính số ca tử vong liên quan COVID-19 tại Mỹ là hơn 905.000 ca, trong khi con số chính thức do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ công bố ngày 5/5 là 575.491 ca.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 của thế giới phải tăng tốc để đối phó với các biến chủng mới và Mỹ đang tìm cách để hỗ trợ công cuộc này nhiều hơn nữa. Theo ông, nếu thế giới không nỗ lực nhiều hơn nữa thì sẽ đến năm 2024, việc tiêm chủng cho toàn dân trên thế giới không thể hoàn tất.

Ngọc Hà/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm