Dịch COVID-19 ngày 28/9: Thế giới có hơn 33,36 triệu ca bệnh và 1.003.191 ca tử vong

28/09/2020 22:41 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 28/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 33,36 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó số ca tử vong đã lên mức 1.003.191 ca. Hơn 24,68 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục và hơn 7,68 triệu ca đang được điều trị, với khoảng 65.000 ca trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch.

Dịch COVID-19 ngày 27/9: Thế giới có hơn 33,1 triệu ca bệnh, 999.486 ca tử vong

Dịch COVID-19 ngày 27/9: Thế giới có hơn 33,1 triệu ca bệnh, 999.486 ca tử vong

Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 21h ngày 27/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 33,1 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong đó có 999.486 ca tử vong. Hơn 24,45 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi hơn 7,65 triệu ca vẫn đang điều trị, với khoảng 65.300 ca trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch.

Tại châu Á, Ấn Độ thông báo tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này đã lên tới hơn 6 triệu người trong khi dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan mạnh. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, trong 24 giờ qua, quốc gia này ghi nhận thêm thêm 82.170 ca nhiễm mới và 1.039 ca tử vong. Đến nay, Ấn Độ xác nhận tổng cộng hơn 6,1 triệu ca mắc và đang tiệm cận con số 100.000 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Ấn Độ là 1,6%. Ấn Độ hiện là nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ đã có hơn 7 triệu ca. Từ cuối tháng 8 đến nay, Ấn Độ liên tục ghi nhận 80.000 đến 90.000 ca nhiễm mới mỗi ngày - mức lây nhiễm cao nhất thế giới. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kolkata, Ấn Độ ngày 25/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Hàn Quốc đã bắt đầu thực thi kế hoạch siết chặt giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn trong các kỳ nghỉ sắp tới. Giai đoạn từ ngày 28/9-11/10 là giai đoạn đặc biệt tăng cường các biện pháp khống chế dịch bệnh, do có nhiều người sẽ đi lại trong dịp lễ Trung thu (kéo dài từ ngày 30/9 đến ngày 4/10). Giới chức y tế kêu gọi người dân ở nhà trong các kỳ nghỉ lễ này. Để kiểm soát dịch tốt hơn, chính quyền đã công bố các quy định giãn cách cấp độ 2. Hàn Quốc ngày 28/9 ghi nhận thêm 50 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 23.661 ca. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày thấp nhất ở Hàn Quốc kể từ ngày 11/8 vừa qua. Số ca tử vong tăng thêm 5 ca lên 406 ca. Tỷ lệ tử vong là 1,72%.

Cùng ngày, chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc kêu gọi các nhà nhập khẩu tránh nhập thực phẩm đông lạnh từ những quốc gia đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng dịch COVID-19, sau khi phát hiện một số hải sản nhập khẩu dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong tháng 9 này, Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu sản phẩm của một số nhà sản xuất hải sản tại Brazil, Indonesia và Nga trong một tuần hoặc lâu hơn.

Tại Đông Nam Á, Indonesia thông báo có thêm 3.509 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 278.722 ca. Ngoài ra, với thêm 87 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Indonesia đã tăng lên thành 10.473 ca. Indonesia vẫn là quốc gia có số ca tử vong vì dịch COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Philippines ghi nhận 3.073 ca nhiễm mới và thêm 37 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca mắc và tử vong do dịch bệnh này tại đây lên lần lượt là 307.288 ca và 5.381 ca.

Chính phủ Thái Lan đã quyết định gia hạn lần thứ 6 sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp được ban bố từ tháng 3 vừa qua nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan. Sau 5 lần gia hạn, sắc lệnh sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/9 này. Với quyết định trên, sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19 sẽ tiếp tục được thực thi trên cả nước đến ngày 31/10 tới.       Malaysia thông báo áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt tại 4 huyện thuộc bang Sabah - vùng sản xuất dầu cọ lớn nhất Malaysia - sau khi ghi nhận hơn 1.000 ca mắc COVID-19 tại đây trong tháng 9 này.Tính đến hết ngày 27/9, Malaysia ghi nhận tổng cộng 10.919 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.835 ca đã bình phục và 134 ca tử vong. 

Tại châu Đại dương, bang Victoria của Australia lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới virus ở mức một con số. Cụ thể, trong 24 giờ qua, bang này chỉ ghi nhận thêm 5 ca mắc COVID-19 và 3 trường hợp tử vong, thấp hơn rất nhiều so với mức 700 vào đầu tháng 8. Tín hiệu tích cực này là cơ sở để chính quyền địa phương dỡ bỏ một số biện pháp nghiêm ngặt nhất, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm, nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh tại thủ phủ Melbourne - tâm dịch của Australia trong làn sóng lây nhiễm thứ 2. 

Cùng ngày, bang New South Wales - bang đông dân nhất Australia và bang Queensland cũng ghi nhận ngày thứ hai liên tiếp không có ca lây nhiễm trong cộng đồng trong hơn 3 tháng qua. Để khống chế sự lây lan của dịch bệnh, chính quyền thành phố Sydney đã quyết định cung cấp miễn phí hơn 20.000 khẩu trang có thể tái sử dụng cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Tại châu Âu, số ca nhiễm virus theo ngày ở Nga đã tăng lên mức cao nhất kể từ hôm 16/6 khi giới chức nước này xác nhận thêm 8.135 ca mắc mới COVID-19. Theo đó, tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia này hiện lên đến 1.159.573 ca. Nga ghi nhận thêm 61 bệnh nhân nhiễm virus không qua khỏi, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này lên 20.385 ca.  

CH Séc thông báo có thêm 15 ca tử vong và 1.305 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong ngày 27/9. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia 10,7 triệu dân này đã lên tới 64.597 ca, trong đó có 606 ca tử vong và 31.874 ca đã bình phục. Theo số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), Séc hiện là điểm nóng dịch COVID-19 lớn thứ hai tại châu lục này, chỉ sau Tây Ban Nha, nếu tính theo tỷ lệ số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên tổng số dân trong hai tuần qua.

Trong khi đó, Đức ghi nhận thêm 1.192 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tại đây lên lần lượt là 286.420 ca và 9.460 ca. Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo số ca mắc COVID-19 tại Đức có thể ở mức 19.200 ca/ngày nếu chiều hướng dịch bệnh hiện nay tiếp diễn. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh vẫn phải tiếp tục duy trì hoạt động của nền kinh tế đầu tàu châu Âu. Do đó, bà kêu gọi giới chức Đức "phải nhanh chóng kiểm soát số ca lây nhiễm" đi đôi với việc "phải đặt ra các ưu tiên bao gồm duy trì hoạt động kinh tế, tiếp tục mở cửa trường học và các trường mẫu giáo".

Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã mở rộng các vùng phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh. Kể từ 0h ngày 28/9, biện pháp hạn chế đi lại được mở rộng tới các khu vực có khoảng 167.000 người sinh sống. Người dân chỉ được ra khỏi khu dân cư để đi làm, đi học và khám chữa bệnh nhưng không bị hạn chế trong nhà và vẫn được đi lại tự do trong khu dân cư. Như vậy, cùng với 850.000 người đang thực hiện các biện pháp hạn chế từ tuần trước, tới nay tổng số người dân tại Madrid chịu quy định hạn chế mới là hơn 1 triệu người, trên tổng số 6,6 triệu dân trên toàn khu vực. Tới nay quốc gia này ghi nhận hơn 700.000 ca bệnh, cao nhất tại EU, trong đó có hơn 31.000 ca tử vong.

Tại châu Phi, Ai Cập đã quyết định mở cửa khẩu Rafah kết nối với Dải Gaza trong 3 ngày liên tiếp. Những bệnh nhân cần điều trị y tế, sinh viên, người mang hộ chiếu nước ngoài và Ai Cập, tùy thuộc vào việc họ đã thực hiện các xét nghiệm virus hay chưa, sẽ được phép đi qua cửa khẩu. Trong khi đó, Jordan đã nối lại hoạt động tại cửa khẩu gần biên giới với Syria sau hơn 1 tháng phải đóng cửa do áp dụng các quy định mới nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ các tài xế xe tải vào vương quốc này. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Lod, Israel, ngày 27/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Israel đã quyết định tạm dừng hoạt động kỷ niệm Ngày Chuộc lỗi (Yom Kippur), ngày lễ linh thiêng nhất của đạo Do Thái, trong bối cảnh chính quyền áp lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm kiểm soát dịch. Theo lịch Do Thái, Ngày Chuộc lỗi bắt đầu vào tối 27/9 và kết thúc vào tối 28/9.

Kenya cũng thông báo gia hạn lệnh giới nghiêm để ngăn chặn dịch bệnh lây lan thêm 60 ngày. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm sẽ được rút ngắn chỉ có hiệu lực trong 2 giờ và kết thúc vào 23h hằng ngày. Tổng thống Uhuru Kenyatta nhận định dịch bệnh tại quốc gia này đã được kiểm soát và quyết định dỡ bỏ biện pháo cấm bán đồ uống có cồn tại các nhà hàng và quán bar.

Tại châu Mỹ, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có dấu hiệu xấu đi ở một số bang của Mỹ khi số ca dương tính với virus tăng nhanh trở lại. Theo dữ liệu phân tích tổng hợp từ Dự án truy vết COVID-19 của nước này, số ca dương tính tại nhiều bang Trung Tây của Mỹ đã tăng 25%, trong khi số ca phải nhập viện điều trị cũng tăng tại khu vực này. Tại một số khu vực quanh New York, số ca dương tính với virus đang tăng ở mức báo động. Thực tế này làm dấy lên lo ngại làn sóng dịch bệnh thứ hai đe dọa New York, mặc dù chính quyền bang này này nỗ lực duy trì tỷ lệ nhiễm mới tại địa phương này dưới 1% trong suốt 1 tháng qua. Mỹ hiện là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 7.321.343 ca nhiễm và 209.453 ca tử vong do COVID-19.

Lê Ánh - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm