Dịch Covid-19 ngày 20/4: Cộng hòa Séc vẫn là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất

20/04/2021 22:43 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 20/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 142.946.591 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.047.092 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 121.402.826 người.

Dịch Covid-19: Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất

Dịch Covid-19: Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất

Ngày 20/4, Ấn Độ ghi nhận thêm 1.761 ca tử vong do COVID-19, mức theo ngày cao nhất, trong bối cảnh hầu hết các khu vực ở nước này đang thực hiện lệnh phong tỏa nhằm đối phó với làn sóng dịch thứ hai.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 581.591 ca tử vong trong tổng số 32.477.753 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 180.980 ca tử vong trong số 15.414.886 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 375.049 ca tử vong trong số 13.977.713 bệnh nhân.

Tính theo tỷ lệ dân số, CH Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 267 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 263 người và Bosnia-Herzegovina với 242 người/100.000 dân.

Tình hình dịch Covid-19, Covid-19 mới nhất, dịch Covid-19, Số ca nhiễm Covid-19, virus SARS-CoV-2, số ca nhiễm ở châu âu, số ca bệnh ở châu á, số ca nhiễm ở Mỹ
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại London, Anh, ngày 13/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

 Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 48,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1 triệu ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 867.700 ca tử vong trong hơn 27,3 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 591.300 ca tử vong trong hơn 32,8 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 300.600 ca tử vong trong hơn 21,7 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 123.100 ca tử vong, châu Phi ghi nhận hơn 118.100 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.000 người.

Theo Bộ Y tế Ấn Độ, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 259.170 ca mắc mới COVID-19 - mức theo ngày cao nhất thế giới, đồng thời đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 200.000 ca/ngày. 

Trong khi đó, Malaysia đã có thêm 2.341 trường hợp mắc COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm lên 379.473. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Malaysia ghi nhận trên 2.000 ca mắc COVID-19. Bang Sarawak tiếp tục có số người nhiễm trong ngày cao nhất, với 600 ca, tiếp đến là bang Selangor (539 ca), Kelatan (429 ca) và thủ đô Kuala Lumpur (344 ca). Đáng chú ý, trong thời gian từ ngày 3-16/4, bang Kelantan đã ghi nhận tổng cộng 464 ca nhiễm bệnh liên quan tới các trường học, bao gồm cả học sinh, giáo viên và nhân viên phục vụ. 

Tình hình dịch Covid-19, Covid-19 mới nhất, dịch Covid-19, Số ca nhiễm Covid-19, virus SARS-CoV-2, số ca nhiễm ở châu âu, số ca bệnh ở châu á, số ca nhiễm ở Mỹ
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại bang Madhya Pradesh, Ấn Độ, ngày 19/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia đã ghi nhận thêm 431 ca mắc COVID-19, trong đó có 2 trường hợp nhập cảnh, số còn lại liên quan sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2. Để giải quyết tình trạng khó khăn do lệnh phong tỏa thủ đô, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng đã chỉ thị tất cả các quận, huyện thuộc thành phố phải cấp thẻ mua hàng để mỗi gia đình chỉ có 1 thành viên được phép ra ngoài mua lương thực và nhu yếu phẩm trong thời gian này.

Tại tỉnh Preah Sihanouk, chính quyền địa phương đã thông báo ngừng hoạt động Trung tâm Kinh doanh Sihanoukville (còn gọi là “Chợ Trung Quốc”) trong vòng 14 ngày (từ ngày 20/4 đến ngày 3/5) để phòng nguy cơ dịch COVID-19 lây lan. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 7.444 ca mắc COVID-19, trong đó có 49 trường hợp tử vong.

Trong ngày 20/4, Lào thông báo có thêm 2 ca mắc COVID-19, đều liên quan tới hoạt động nhập cảnh bất hợp pháp từ Thái Lan. Các trường hợp mới mắc bệnh nằm trong 456 mẫu xét nghiệm được Bộ Y tế Lào thực hiện ngày 19/4. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến 10 ngày, Lào liên tục phát hiện 5 ca mắc COVID-19 xuất phát từ hành vi nhập cảnh bất hợp pháp. Điều này đang đặt Lào trước nguy cơ lớn về đợt bùng phát COVID-19 mới. Hiện Lào có tổng cộng 60 ca mắc COVID-19 và chưa có trường hợp tử vong.

Các bệnh viện tại Philippines cũng đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng hơn. Kể từ đầu tháng này, Philippines đã ghi nhận trung bình hơn 10.400 ca mắc COVID-19, gần gấp đôi so với con số ghi nhận được trong tháng 3 và vượt xa con số bình quân 213 ca/ngày vào tháng 4/2020, cũng như 2.169 ca nhiễm trong 6 tháng cuối năm 2020. Việc chính phủ quyết định phong tỏa thủ đô Manila, với khoảng hơn 13 triệu dân, dường như không giúp giảm bớt khó khăn cho hệ thống y tế.

Tình hình dịch Covid-19, Covid-19 mới nhất, dịch Covid-19, Số ca nhiễm Covid-19, virus SARS-CoV-2, số ca nhiễm ở châu âu, số ca bệnh ở châu á, số ca nhiễm ở Mỹ
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Rio Grande do Sul, Brazil, ngày 16/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo các dữ liệu của Chính phủ Philippines, các khoa chăm sóc đặc biệt ở Manila đang hoạt động ở mức 84% công suất, trong khi 70% giường bệnh đã được dùng cho bệnh nhân mắc COVID-19 và 63% giường bệnh được dùng để cách ly. Cho tới nay, Philippines ghi nhận 945.745 trường hợp mắc COVID-19, trong đó khoảng 16.000 người không qua khỏi.

Trong ngày 20/4, Thái Lan ghi nhận thêm 1.443 ca mắc COVID-19 và 4 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc lên 45.185 ca, trong đó có 108 trường hợp không qua khỏi. Thái Lan hiện duy trì chính sách tất cả những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, kể cả những trường hợp không có triệu chứng, đều nhập viện. Điều này làm dấy lên lo ngại khả năng đáp ứng của ngành y tế trong trường hợp số bệnh nhân có các triệu chứng nặng tăng nhanh. 

Đại sứ quán Hàn Quốc tại Indonesia đã tạm thời đóng cửa từ ngày 20/4 sau khi nhận được thông tin về các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại đây, trong đó có Đại sứ Park Tae-sung. Theo giới chức, các nhân viên trong đại sứ quán cũng như những người tại phái bộ Hàn Quốc tại ASEAN ở Jakarta, hiện đang được xét nghiệm COVID-19.

Liên minh châu Âu (EU) sẽ chuyển hơn nửa triệu liều vaccine ngừa bệnh COVID-19 tới các nước ở khu vực Tây Balkan vào trước tháng 8 tới, đánh dấu lần đầu tiên thực hiện cơ chế chia sẻ vaccine với các nước ở khu vực này. Thông báo trên đưa ra sau khi Trung Quốc và Nga đã phân phát hàng triệu liều vaccine cho các nước tại đây.

Theo kế hoạch, từ đầu tháng 5 tới, EU sẽ bàn giao tổng cộng 651.000 liều vaccine Pfizer/BioNTech cho các nước Bosnia - Herzegovina, Albania, Bắc Macedonia, Montenegro và Serbia. Trước đó vài tháng, EU đã thiết lập cơ chế chia sẻ vaccine ngừa COVID-19. Từ tháng 1/2021, Ủy ban châu Âu đã công bố cơ chế chia sẻ vaccine, nhưng cơ chế này không được các nước giàu có đón nhận tích cực do nguồn cung vaccine không đảm bảo ảnh hưởng đến chính tốc độ tiêm chủng của nước họ.

Cũng trong ngày 20/4, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa Thierry Breton cho biết vào giữa tháng 7 tới, các nước EU sẽ có đủ vaccine để tiêm phòng cho 70% dân số trưởng thành của mình. Theo ông, 53 cơ sở sản xuất vaccine tại các nước thành viên đang hoạt động hết công suất. Sau Mỹ, châu Âu sẽ là nhà sản xuất vaccine lớn thứ hai thế giới. Các chuyên gia y tế nhận định 70% dân số trưởng thành ở các nước EU được tiêm phòng có thể tạo ra "miễn dịch cộng đồng".

Thanh Phương - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm