Dịch Covid-19 đến sáng 26/2: Thế giới có 113.525.845 ca bệnh, 2.518.192 ca tử vong

26/02/2021 08:16 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 26/2 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 113.525.845 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.518.192 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 89.116.310 người, trong khi số người đang phải điều trị là 21.891.343 ca. 

Dịch Covid-19: Sáng 26/2, ghi nhận một ca mắc nhập cảnh, đã cách ly ngay

Dịch Covid-19: Sáng 26/2, ghi nhận một ca mắc nhập cảnh, đã cách ly ngay

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết: Tính đến 6 giờ ngày 25/2, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.520 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Số ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 827 ca.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất với 29.049.640 ca nhiễm, trong đó có 520.702 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 11.063.038 ca nhiễm và 156.861 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 10.3930.886 ca nhiễm và 251.661 ca tử vong.    

Trong 24 giờ qua, thế giới đã có thêm 436.893 ca mắc mới, trong đó Mỹ là nước ghi nhận số ca mắc nhiều nhất với 74.755 ca, tiếp theo là Brazil với 67.878 ca.  Pháp đứng thứ ba khi ghi nhận thêm 25.403 ca lây nhiễm mới và đứng thứ tư là Italy với 19.886 ca.   

Tính theo khu vực, châu Âu tiếp tục vượt Bắc Mỹ trở thành khu vực có số ca mắc COVID-19 và tử vong cao nhất thế giới, với 33.718.663 ca mắc, trong đó có 805.079 ca tử vong. Bắc Mỹ ghi nhận 33.311.121 ca nhiễm và 751.509 ca tử vong. Châu Á đứng thứ ba với 24.790.213 ca nhiễm và 395.760 ca tử vong.    

Trước việc số ca mắc mới vẫn tăng cao, ngày 25/2, Pháp và Đức đã nhất trí về quy định người lao động di chuyển qua biên giới giữa hai nước phải có kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2, qua đó vừa tránh việc đóng cửa hoàn toàn biên giới vừa kiểm soát dịch bệnh.    

Trong khi đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) trực tuyến, các nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh các quy định hạn chế chặt chẽ đối với hoạt động đi lại không cần thiết phải được duy trì trong bối cảnh toàn khối đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 và đối mặt với mối đe dọa từ những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.    

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân tới bệnh viện ở Essex, miền Đông xứ England. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuyên bố chung của 27 nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên EU được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nêu rõ tình hình dịch tễ tiếp tục nghiêm trọng và các biến thể mới gây ra thêm nhiều thách thức. Vì vậy, các nước phải duy trì các quy định chặt chẽ trong khi đẩy mạnh những nỗ lực nhằm tăng tốc nguồn cung các loại vaccine. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết biến thể B117 của virus ở Anh hiện đã có mặt ở tất cả 27 quốc gia thành viên EU, trong khi biến thể Nam Phi được ghi nhận ở 14 quốc gia thành viên và biến thể ở Brazil xuất hiện tại 7 quốc gia. Đây là những biến chủng có khả năng lây nhiễm cao khiến các quan chức y tế cộng đồng lo lắng. Vì vậy, rất nhiều thách thức đang được đặt ra ở phía trước   

Liên quan đến vấn đề vaccine, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay chính quyền của ông sẽ lên kế hoạch triển khai chiến dịch tuyên truyền cho người dân Mỹ về các loại vaccine ngừa COVID-19 để đề phòng trường hợp nguồn cung có thể vượt quá nhu cầu do tâm lý do dự đối với vaccine trong thời gian tới. Ông Biden nhấn mạnh chính phủ sẽ tập hợp các lãnh đạo của mọi lĩnh vực trong xã hội để tuyên truyền và khuyến khích mọi người dân Mỹ tiêm vaccine.  

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Roubaix, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN

 

Trong khi đó, Bahrain trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa COVID-19 do hãng Johnson & Johnson (J&J) sản xuất. Quyết định trên được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi các cơ quan chức năng của Mỹ kết luận rằng vaccine 1 liều J&J của Johnson & Johnson đủ khả năng chống COVID-19.    

Bahrian dự kiến sẽ tiêm loại vaccine J&J cho những nhóm người có nguy cơ rủi ro cao, trong đó có người cao tuổi và người mắc các bệnh mãn tính. Hiện cũng chưa rõ khi nào vaccine J&J sẽ được vận chuyển tới Bahrain. Trong khi đó, quốc gia Trung Đông này đã tiêm phòng cho gần 2 triệu người bằng các loại vaccine của Sinopharm (Trung Quốc), Pfizer/BioNtech, AstraZeneca và Nga (Sputnik V).  

Ngoài Mỹ, vaccine J&J hiện cũng đang được các cơ quan chức năng châu Âu và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cân nhắc cấp phép. Hãng Johnson & Johnson đặc mục tiêu sản xuất 1 tỷ liều vaccine trước cuối năm 2021.   

Cùng ngày, Syria thông báo đã nhận được những liều vaccine ngừa COVID-19 từ một “quốc gia thân thiện”. Bộ trưởng Y tế Syria Hassan Ghabash không cung cấp chi tiết về nguồn cung cấp số vaccine trên.    

Trước đó, có thông tin rằng theo thỏa thuận do Nga bảo trợ về việc trả tự do cho một phụ nữ Israel vượt biên giới vào Syria, Israel đã đồng ý mua số vaccine Sputnik V trị giá 1 triệu USD để Syria sử dụng. Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định chưa có liều vaccine nào của Israel được gửi tới Syria, song cũng không bác bỏ thông tin về lô vaccine trên.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm