Đi dọc Phố Hiến xưa

27/03/2018 07:37 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi đi dọc Phố Hiến xưa, theo tả ngạn sông Hồng, qua những công trình nằm trong quần thể di tích đặc biệt in đậm dấu ấn một thời "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến".

Khu đô thị từng vang bóng này còn để lại hơn 100 di tích, trong đó, riêng quần thể di tích quốc gia phố Hiến có 18 di tích, như Văn Miếu Xích Đằng, chùa Chuông, chùa Hiến, đền Trần, đền Mây, đền Mẫu... Một niềm hoài cảm chợt đến. Một trung tâm hàng đầu của đất nước ở thế kỷ XVII, một "Tiểu Tràng An" sầm uất , giờ chỉ còn những dấu tích!

Giữa thế kỷ XVII, từ một vùng tụ cư ,với lợi thế cửa ngõ để vào kinh thành Thăng Long, phố Hiến nhanh chóng phát triển thành một trung tâm kinh tế lớn ở Đàng Ngoài. Cùng với người Việt, người Hoa có khu dân cư ở đây bên cạnh người địa phương. Người Nhật, Xiêm La... đến đây làm ăn. Các thương gia Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha đến đây lập những thương điếm. Một cộng đồng dân cư đa quốc tịch tạo nên một phố Hiến nhiều sắc màu văn hoá, một trung tâm tâm phát triển năng động, thông thương ra bên ngoài với các tuyến đường biển trong khu vực và sang phương tây.

Chú thích ảnh
Tác giả (phải) tại Văn Miếu Xích Đằng

Khi ấy phố Hiến có một cảng sông, nhiều chợ buôn bán. Khu đô thị có đến 20 phường, nhiều phố và cửa hiệu, với hai thương điếm. Theo các tài liệu nghiên cứu thì tên gọi phố Hiến có từ thế kỷ XV, bắt nguồn từ việc ở đây đặt sở Hiến Doanh của trấn Sơn Nam. Sau thời kỳ phát triển rực rỡ vào giữa thế kỷ XVII, phố Hiển bắt đầu suy giảm dần, một quá trình kéo dài với nhiều yếu tố: Thị trường Trung Quốc mở cửa, Nhật thay đổi chính sách phát triển, các mối quan hệ giao thương, các tuyến đường biển trong khu vực thông thoáng hơn.

Ở trong nước nước, có những nguyên nhân từ sự thay đổi vị trí của các trung tâm kinh tế chính trị , những khó khăn về thiên tai, biến động về xã hội và cả sự chuyển dịch dòng chảy của sông Hồng ... Năm 1831, với dưới thời vua Minh mạng, tỉnh Hưng Yên được thành lập, tỉnh lỵ xây dựng trên địa bàn Phố Hiến cũ, nhưng vị thế kinh tế cửa khẩu đã chuyển về Hải Phòng.

Chú thích ảnh
Văn Miếu Xích Đằng

 

Chúng tôi đi thăm một số di tích dọc phố Hiến xưa. Điểm đến đầu tiên là Khu văn miếu Xích Đằng, được xây dựng trên đất làng Xích Đằng, vào thế kỷ XVII. Đây là văn miếu của trấn Sơn Nam xưa, thờ Khổng Tử và Chu Văn An; một công trình được xây dựng khá bề thế, với nét kiến trúc truyền thống, nghi môn có dáng dấp như Văn Miếu Hà Nội. 9 tấm bia tại đây còn ghi danh 138 vị đại khoa từ thời Trần đến năm 1919, kỳ thi nho học cuối cùng. Khu văn miếu này từng là cơ sở của Xứ uỷ Bắc Kỳ trước cách mạng tháng Tám. Dịp lễ hội đầu xuân ở đây với nhiều hoạt động văn hoá, thu hút du khách đến thăm.

Chùa Chuông là một điểm đến đặc biệt trong quần thể di tích Phố Hiến. Chùa có tên chữ là Kim Chung Tự, gắn với truyền thuyết vào một năm đại hồng thuỷ, có quả chuông vàng trên chiếc bè trôi đến vùng này, được người dân làng Nhân Dục đưa lên đây, góp công của dựng chùa để treo chuông. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XV, sau được trùng tu đầu thế kỷ XVIII. Chùa chuông nổi bật với hình quả chuông mạ vàng dát trên mái. Chùa có kết cấu truyền thống với tiền đường, thượng điện, nhà tổ, nhà mẫu và hai dãy hành lang. Hiện vật quý nhất còn lưu giữ là tấm bia đá dựng năm 1711, ghi lại cảnh đẹp của Phố Hiến và một số phường từ thời ấy.

Chùa Hiến cũng là một địa chỉ nổi tiếng. Sân chùa còn hai tấm bia đá dựng năm 1625 và 1709, ghi lại quá trình tụ cư và hình thành phố Hiến xưa. Chúng tôi ghi lại hình ảnh cây nhãn tổ ở chùa, loại cây làm đất Hưng Yên mang tên "xứ nhãn lồng"; loại quả nhà bác học Lê Quý Đôn từng viết: “Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”.

Nhà báo Dương Hồng Tư, một người con phố Hiến, bạn đồng nghiệp đi cùng, ôn lại với chúng tôi kỷ niệm thời sơ tán chống Mỹ. Lớp học của anh từng có thời gian dài mượn địa điểm ngay trong chùa, ở hai bên dãy tả hữu vu bây giờ, nơi có những bức tượng rất đẹp dọc theo các bức tường.

Chúng tôi đến thăm đền Mẫu, nơi thờ Dương Quý Phi (đời Tống), một di tích có nguồn gốc từ thời những người Trung Quốc dạt xuống phương nam tránh chiến tranh loạn lạc. Một ngày thường, ngôi đển thiêng có vẻ đẹp cổ kính uy nghi với các cây đa, xanh, si cổ thụ hơn 700 năm tuổi, vẫn đông khách.

Nhà thờ phố Hiến là một trong những nhà thờ cổ nhất ở phía Bắc. Năm 1650, người Hà Lan đã khởi công xây dựng nhà thờ này, lúc đầu bằng gỗ, phục vụ cho các thương nhân phương tây đến đây giao thương buôn bán. Một nhà thờ không lớn nhưng mang một vẻ đẹp cổ điển, chứng tích cho một không gian đa văn hoá của cộng đồng cư dân phố Hiến thời ấy.

Phố Hiến ngày này là một phần của thành phố Hưng Yên, một đô thị vừa mang trong mình truyền thống lâu đời, vừa có sức trẻ đổi mới, phát triển. Chúng tôi đã đi thăm các khu vực của thành phố và cảm nhận được điều ấy. Quảng trường mang tên cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, rộng và đẹp, nằm ở khu trung tâm. Hưng Yên đang là điểm thu hút đầu tư hấp dẫn. Nhiều khu nhà mới và hiện đại đang được xây dựng. Các trục đường chính đã nâng cấp. Các cầu Yên Lệnh và Triều Dương, bắc ngang sông Hồng và sông Luộc, gắn kết thông thương giữa Hưng Yên với các vùng khác, tạo thế phát triển mới cho thành phố.

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh
Chùa Chuông
Chú thích ảnh
Chùa Hiến
Chú thích ảnh
Đền Mẫu
Chú thích ảnh
Nhà thờ phố Hiến

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh
Phố Hiến và thành phố Hưng Yên ngày nay

 

Đô thị cổ: Phố Hiến, Hội An và Malacca

Đô thị cổ: Phố Hiến, Hội An và Malacca

Một cái nhìn so sánh giữa Phố Hiến và Hội An với đô thị cổ Malacca của Malaysia là điều mà nhà phê bình Phan Cẩm Thượng muốn chia sẻ với độc giả TT&VH thông qua loạt bài viết này.

Bài và ảnh : Trần Mai Hưởng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm