Đề nghị các nhà máy thủy điện xả lũ gây hại đền bù thiệt hại cho người dân

22/09/2018 16:10 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trước dư luận về việc lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng tại một số huyện miền núi tỉnh Nghệ An có phải do nhà máy thủy điện xả lũ hay không, tỉnh Nghệ An đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế.

Ngày 21/9, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, đoàn kiểm tra đã trực tiếp kiểm tra, làm việc với các địa phương, các nhà máy thủy điện và các hộ dân, xác định có việc một số nhà máy thủy điện xả lũ gây thiệt hại tại một số vùng ở các huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Kỳ Sơn.

Đoàn kiểm tra khẳng định, trong quá trình điều hành xả lũ, các nhà máy thủy điện cũng đã tham gia cắt lũ cho vùng hạ du, tuy nhiên do xả lũ nên cũng đã ảnh hưởng đến hạ du, rõ nhất là nhiều vùng dân cư bị ngập nước, sạt lở đường giao thông, trôi cầu cống, sạt lở đất đá, trôi nhà dân… Đơn cử, vào thời điểm mưa lũ, hồ thủy điện Bản Vẽ khi đó (hồ thủy điện nằm ở huyện Tương Dương, lớn nhất tỉnh Nghệ An hiện nay) đã đầy nước nên không thể tiến hành cắt lũ được, lượng nước đổ về nhiều buộc phải xả lũ. Không chỉ thủy điện Bản Vẽ mà một số thủy điện khác tại các huyện miền núi trong tỉnh cũng trong tình trạng tương tự.

Chú thích ảnh
Đoàn kiểm tra của tỉnh Nghệ An đã làm rõ các nguyên nhân tác động của thủy điện đến người dân, khẳng định khi các nhà máy thủy điện xả lũ đã gây ngập lụt nhiều khu vực ở vùng hạ du. Ảnh minh họa: TTXVN

Đoàn kiểm tra của tỉnh Nghệ An đã làm rõ các nguyên nhân tác động của thủy điện đến người dân, khẳng định khi các nhà máy thủy điện xả lũ đã gây ngập lụt nhiều khu vực ở vùng hạ du. Thiệt hạ cho vùng hạ du là rất rõ ràng, các nhà máy thủy điện phải có trách nhiệm đền bù cho các hộ dân.

Chưa năm nào tình trạng ngập lụt tại một số huyện miền núi tỉnh Nghệ An nặng nề như đợt mưa lũ xảy ra trong tháng 8 và tháng 9 năm 2018. Nhiều bản làng đã bị chia cắt, nhà dân bị ngập lụt, cuốn trôi, hư hỏng; gia súc, gia cầm bị chết nhiều; công trình hạ tầng bị sạt lở, hư hỏng, có trường học đã phải di dời đến nơi mới vì nơi cũ không đảm bảo việc dạy, học. Đến ngày 22/9, tại nhiều địa phương miền núi trong tỉnh, công tác khắc phục lũ quét vẫn chưa thể hoàn thành.

Tại Nghệ An, dư luận báo chí, người dân cũng như một số lãnh đạo các đơn vị, địa phương cho rằng trong số nhiều nguyên nhân gây nên ngập lụt, thiệt hại nặng nề như vậy có nguyên nhân do một số nhà máy thủy điện tiến hành xả lũ. Một số ý kiến đề nghị các nhà máy thủy điện gây thiệt hại cho người dân và cho các địa phương vùng hạ du thì cần phải bồi thường (chứ không phải hỗ trợ) để người dân và các địa phương sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt; khôi phục lại các công trình hạ tầng, khôi phục lại sản xuất bị thiệt hại.

Trước băn khoăn của dư luận và để kiểm tra thực tế, từ cuối tháng 8/2018 tỉnh Nghệ An đã thành lập đoàn kiểm tra quy trình vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện, xem xét việc thực hiện các quy trình xả lũ của các nhà máy có nghiêm túc và đúng với những quy định hiện hành hay không; trách nhiệm của các nhà máy thủy điện trong việc xả lũ ảnh hưởng đến vùng hạ du. Thông qua việc kiểm tra cũng để tỉnh và các địa phương, người dân rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, phòng chống mưa lũ cho những lần sau.

TTXVN/Nguyễn Văn Nhật

Sạt lở tại khu vực Nhà máy thủy điện Nậm Mô, Nghệ An

Sạt lở tại khu vực Nhà máy thủy điện Nậm Mô, Nghệ An

Ngày 10/9, sau đợt lũ lụt, tại khu vực Nhà máy thủy điện Nậm Mô, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã xảy ra sạt lở. Điểm sạt lở cách chân đập thủy điện khoảng 50 m, nhiều hàm ếch lớn "ăn" sâu vào bờ.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm