Cuộc giải cứu cá heo vĩ đại nhất thế giới

17/02/2014 07:27 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Trên màn bạc, hàng triệu con tim tràn trề cảm xúc khi chứng kiến cú nhảy của cá voi Willy ra đại dương tự do vô tận. Ngoài đời thì nó lội cả ngày trong bể nước quá nhỏ và quá nóng của công viên giải trí xập xệ “El Re ino Aventura” (Me xico City), mắc bệnh trầm cảm, nấm da và sụt cân thê thảm. Năm 1993 các fan của Willy bắt đầu cuộc giải cứu vô vọng kéo dài 10 năm.

Giải cứu Keiko


“Tôi căm thù Keiko”, đó là câu cửa miệng của Dial, chủ sở hữu công viên giải trí “Vương quốc phiêu lưu”. Kỳ vọng hái lộc khi bỏ tiền tấn mua con cá voi sát thủ về đã không đáp ứng được phân nửa, vì chế độ giam lỏng khiến sức khỏe của Keiko, tên chú cá, ngày càng tàn tạ. Bộ phim Tạm biệt Willy không làm bể cá của ông Dial nổi tiếng hơn, thậm chí ngược lại: nó là biểu tượng của David thắng Goliath, cậu bé Jesse 12 tuổi thắng nhà tù vô nhân đạo và công lý thắng lòng tham. Năm 1993, hàng triệu khán giả, chủ yếu là trẻ em, rời rạp phim với cảm xúc cao thượng đó trong tim.


Cú nhảy về đại dương của Willy trong phim, bên cạnh cứu tinh Jesse

Một hiệu ứng không ngờ, là cuốn phim từng mang lại cho Warner Bros. và nhà sản xuất Lauren Shuler Donner hơn 75 triệu USD chẳng mấy chốc gây nên phong trào phản kháng mãnh liệt. Mùa Hè 1993 báo giới phát hiện ra Willy ngoài đời chính là Keiko trong “vương quốc” thảm hại của Dial. Tờ New York Times phát động phong trào “Giải cứu Keiko”, bắt đầu với một bài báo của nữ phóng viên Gini Kopecky, trong đó cô tường thuật tỉ mỉ môi trường nước pha muối nhân tạo quá nóng đã đem lại hậu quả gì cho con cá voi sát thủ. Bốn tháng sau, tạp chí Life bồi thêm một đòn: “Won’t somebody please save this whale (Không ai chịu cứu con cá voi này sao?)”. Hai tờ báo khổng lồ với số độc giả khắp toàn cầu đã biến Keiko thành một ngôi sao cần được giải thoát khỏi nanh vuốt chủ sở hữu nó.


Cho đến lúc đó, không ai trong số các nhà làm phim để tâm đến số phận hay tương lai Keiko. Nhưng giờ đây chính họ là người dẫn đầu phong trào giải cứu Keiko, một phần cũng để cứu vãn hình ảnh cá nhân mình. Phim trường Warner Bros. lại càng không thể để danh tiếng của mình bị vấy bẩn bởi sự hành hạ động vật, bởi một phần không nhỏ trong doanh số của họ đến từ các khán giả nhí. Họ cùng công ty sản xuất của Shuler Donner thành lập “Quỹ giải cứu Willy Keiko” với mục đích đưa nó về lại đại dương.


Keiko ngoài đời, trong công viên giải trí ở Mexico City

Tự do trong giới hạn


Bất kể ở Hoa Kỳ, châu Âu hay châu Phi, hàng triệu trẻ em và người lớn đã đập lợn tiết kiệm để mua lại Keiko. Bản thân Warner Bros. góp 4 triệu USD, hãng điện thoại di động Craig McCraw cũng nộp tiền triệu. Có vẻ như chiến dịch Willy không chỉ có hậu trong rạp mà cả ngoài đời. Niềm phấn khích át đi ý kiến của các chuyên gia sinh học, rằng sau 14 năm sống bên con người Keiko không còn là cá voi sát thủ, mà đơn giản chỉ còn là một con thú trong rạp xiếc, phỏng đoán không thể sống nổi ngoài đại dương bao la.


Thực tế là Keiko rất ít kinh nghiệm sống trong môi trường cạnh tranh. Khi mới lên 2, nó đã mắc lưới của ngư dân hồi năm 1979 ở bờ biển Iceland. Ngày ấy trên thế giới đang có mốt làm bể cá voi và cá heo câu khách. Keiko được mua đi bán lại qua vô số công viên giải trí, nơi nó được thuần dưỡng và dạy các trò tiêu khiển cho khách, cho đến khi về Mexico City năm 1985. “Đây là con cá voi sát thủ hiền nhất mà tôi từng thấy”, huấn luyện viên cá voi cho phim Tạm biệt Willy hết lời khen ngợi. 10 năm liền, Keiko làm vui mắt khán giả ở “Vương quốc phiêu lưu”, thậm chí còn biết thè lưỡi cho trẻ con vuốt. Tuy vậy Keiko héo mòn trông thấy. Vây lưng nó cụp xuống, nấm da lan rộng trong môi trường nước ấm pha chlor, với độ dài 10 mét nó chỉ nặng có 3,5 tấn. Chiến dịch giải cứu Keiko có lẽ là biện pháp cuối cùng trước cái chết từ từ nhưng chắc chắn. Không những thế, cần phục hồi bản năng sát thủ để nó đương đầu với những trở ngại khắc nghiệt khôn lường ngoài đại dương. Ở khu bể cá Oregon Coast Aquarium, người ta xây một bể lớn giá 8 triệu USD với nước biển lạnh. Năm 1996 Willy được chuyển từ Mexico về đây, trong vòng vài tháng nó phát triển ngoạn mục. Toàn bộ nấm da biến mất, Keiko tăng trọng hơn 1 tấn, và các huấn luyện viên bày cho nó các đòn săn bắt như trong tự nhiên, vì cho đến lúc đó Keiko chỉ được ăn cá đông lạnh!




Keiko không thích tự do bên đồng loại, mà bơi về bờ biển Na Uy và sống gần người cho đến khi chết

Sau hai năm, người ta đưa Keiko đến bờ biển Iceland, thả xuống vịnh Klettsbik là nơi nó bị bắt trước đây 21 năm. Nhưng thoạt tiên không gian tự do của Keiko vẫn bị giới hạn trong một diện tích lớn bằng sân bóng đá, dưới sự theo dõi của 20 người chăm sóc. Họ dùng thuyền dẫn Keiko đi học săn cá sống, tiến gần những con cá voi khác để nhập đàn. Rốt cuộc Keiko đi theo một đàn cá voi và ba tháng liền mất hút.

Một ngày đẹp trời, Keiko phát hiện ra chiếc thuyền có người và bơi theo về tận bờ biển Na Uy: rõ ràng biển khơi không thay thế được con người vốn nuôi nó từ tấm bé. Keiko mừng rỡ khi được chơi với người, cho trẻ cưỡi lên lưng, diễn những trò xiếc ngoạn mục… Nó quyết tâm chỉ sống gần bờ để thấy bóng người cho đến 12/12/2003, khi không qua khỏi một cơn sưng phổi.


Chiến dịch cứu Keiko tiêu mất 25 triệu USD, dù ngay từ đầu được coi là vô vọng. Nhưng ít nhất thì Keiko cũng sống thời gian cuối trong 26 năm tuổi của mình một cách khỏe mạnh, tự do, thay vì lội trong bể nước ấm sặc mùi thuốc sát trùng. 


Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm