Chưa nên xây thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

27/10/2011 10:30 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Đó là đề nghị của TS Vũ Ngọc Long, đại diện của Mạng lưới sông ngòi phía Nam, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học và phát triển tại Hội thảo khoa học “Về tác động của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A với vùng hạ lưu và tỉnh Đồng Nai” được tổ chức tại Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai ngày 26/10.

Được biết dự án thủy điện Đồng Nai 6 thuộc quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện Đồng Nai. Trong quá trình thực hiện, chủ dự án là Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long - Gia Lai thay đổi thành 2 bậc thang thủy điện: Đồng Nai 6 và 6A. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án này, sẽ có 372 ha đất rừng, trong đó có 137ha thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ... biến mất.

Không chấp nhận “đánh đổi”

Tuy nhiên, trong thời gian qua nhiều nhà khoa học cho rằng nếu thực hiện 2 dự án thủy điện này sẽ tác động nghiêm trọng đến môi trường, mặt khác lại cho rằng tác động của dự án là không nghiêm trọng và có thể “đánh đổi” được. Bên cạnh đó, Đồng Nai là tỉnh nằm phía hạ lưu của dự án nên gánh chịu các tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ dự án.

Do vậy, ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai phát biểu: “Tại buổi hội thảo hôm nay, chúng tôi mong muốn lắng nghe những đánh giá khách quan, công tâm, dựa trên quan điểm bảo vệ môi trường, tuân thủ nguyên tắc phát triển bền vững, không chấp nhận đánh đổi bằng mọi giá để phát triển không bền vững”.

Vườn quốc gia Cát Tiên (ảnh do Vườn QG Cát Tiên cung cấp)

Hệ thống sông Đồng Nai là nguồn cung cấp nước cho phát triển nông nghiệp, thủy điện, nước sinh hoạt và nước công nghiệp cho vùng hạ lưu. Tính từ hồ thủy điện Trị An, vùng thượng lưu và hạ lưu có đến 30 trạm bơm để phục vụ cho hơn 3.900ha đất nông nghiệp và chưa kể hơn 5.000ha cánh đồng ven sông tưới bằng hệ thống nước thủy triều. Ông Mai Công Ý, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đánh giá: “Khi 2 dự án thủy điện này được xây dựng và đưa vào khai thác sẽ ảnh hưởng đến việc điều tiết nước trong mùa khô. Tại hạ lưu đập thủy điện Trị An, khi hồ chứa không đủ nước, không có kế hoạch cụ thể về xả nước cho hạ lưu thì khả năng nước mặn sẽ vào sâu, lúc đó không những ảnh hưởng thiệt hại cho cây trồng mà còn ảnh hưởng đến nguồn cấp nước sinh hoạt, công nghiệp”.

Đánh giá lại

Theo TS Long: “Báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 dự án thủy điện chưa đánh giá đúng sự tác động đến các loài động thực vật quý hiếm và hệ sinh thái. Tại vị trí của 2 thủy điện, qua chuyến đi thực tế đã xác định chắc chắn sự hiện diện các loài thú quý hiếm như: Voọc chà vá chân đen, khỉ đuôi lợn, bò rừng, gấu... và xác định được 11 loài thực vật quý hiếm và 1 loài có khả năng là loài mới cho khoa học”.

TS Long khẳng định: “Báo cáo tác động môi trường của 2 dự án thủy điện còn quá sơ sài, bỏ qua nhiều vấn đề quan trọng, cần đánh giá bổ sung thêm những vấn đề như: tính pháp lý và việc tuân thủ các cam kết quốc tế về bảo tồn, ảnh hưởng đối với đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Cát Tiên, các loài thú, thực vật, sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, ảnh hưởng môi trường xã hội đối với cộng đồng dân cư...”.

GS-TSKH Lê Huy Bá, Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường nói: “Về báo cáo tác động môi trường, giới khoa học môi trường hiện nay đã quá ngán ngẩm về cách “tuyển chọn” hay “chỉ định” đã tạo ra một nếp làm việc “lobby”... Đánh giá tác động môi trường là một khoa học thực thụ của khoa học môi trường. Cần phải thực hiện nghiêm túc và định lượng rõ ràng chứ không nặng mô tả định tính của các tác động đến môi trường, sinh thái, văn hóa, xã hội của 2 dự án thủy điện này. Mặt khác trào lưu thế giới đang ngưng đầu tư thủy điện thì ta vẫn tiếp tục đầu tư, mà xem nhẹ sự cân đối giữa các lưu vực, các con sông với “sức chịu đựng của chúng”, đó là một cơ sở khoa học cần thiết để đưa vào đánh giá. Mặt khác, nếu chúng ta cho phép làm thủy điện ngay trong vườn quốc gia hay khu dự trữ sinh quyển, lần này có tạo một tiền lệ xấu cho các vườn quốc gia khác hay không?”.

Thái Nguyên - Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm