'Chợ Mới Ông Già' - di tích ngàn năm cần đánh thức

03/05/2013 09:01 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Làng Vân La Thị, thuộc xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, có một ngôi chợ mang tên rất đặc biệt: Chợ Mới Ông Già. Hóa ra đây chính là khu đất nhắc nhớ đến huyền thoại về Chử Đồng Tử, một trong Tứ Bất Tử trong tâm linh người Việt. Từ hàng ngàn năm trước, khu chợ này chính là nơi mà Chử Cù Vân, cha của Chử Đồng Tử đã từng ngồi đây bán cá. Vì thế, rất cần phải đánh thức di tích này

Chợ Mới Ông Già là cái tên được hình thành bởi dấu tích hành nghiệp của cha con Chử Đồng Tử, người làng Chử Xá, nay là xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội.


Chợ Mới Ông Già ngày nay

Từ huyền thoại đầy chất nhân văn

Chử Đồng Tử có người cha đẻ là Chử Cù Vân, cha con lúc sinh thời thương yêu nhau thắm thiết. Sau một cơn hỏa hoạn ở quê nhà, toàn bộ gia tài bị ngọn lửa thiêu hủy hết, chỉ còn lại duy nhất một chiếc khố che thân. Chử Cù Vân đành đem con trai tha hương mò cua bắt cá bên bờ hữu sông Cái, đoạn chảy qua bãi đất tổng Xâm Hồng và bãi Tự Nhiên, nơi ấy bây giờ là xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Tương truyền, ngày ngày tôm cá bắt được, Chử Cù Vân lại đem lên bờ, đến một gò đất cao ngồi bán cho dân trong làng.

Thuở  xưa ấy làm gì đã có tiền, có bạc mà trả tiền cá cho ông lão, người mua cá trả lại bằng gạo, bằng rau … ngày tháng theo nhau, dân trong làng cứ quen chỗ ấy, mang hàng hóa, nông sản của mình ra đổi chác cho nhau, thế là thành chợ. Cái tên Chợ Mới Ông Già được hình thành nên từ truyền thuyết ấy.

Đến đời nhà Lý đắp đê Cơ Xá chống lũ sông Hồng, Chợ Mới Ông Già nằm trong vùng phân lũ, phải rời vào phía trong đê, đến chỗ hiện nay. Gò đất chợ cũ biến thành nơi an táng các hài nhi và đánh đống đống rơm, rạ sau vụ thu hoạch mùa màng. Cũng từ đó dân làng dựng lên một ngôi miếu nhỏ để thờ người dựng chợ cùng thần đất và âm hồn các hài nhi. Gò đất và ngôi miếu sau này cũng bị san bằng do quá trình khai thác đất để trùng tu cơ đê và trở thành đất canh tác nông nghiệp như  hiện nay.

Ngày xưa Chợ Mới Ông Già cũng được xếp vào loại hàng chợ sầm uất của trấn Sơn Nam, chỉ sau hai chợ là chợ Bằng và chợ Vồi (Sơn Nam nhất chợ Bằng, Vồi - ca dao cổ). Chợ có quy mô rộng tới hàng chục mẫu Bắc bộ, các dãy quán hàng, tường xây bằng gạch, mái lợp ngói di. Chợ họp quanh năm, nhưng súc vật và con giống gia cầm thì họp theo phiên, một tháng sáu kỳ vào những ngày 3 và ngày 8. Chợ Mới Ông Già nằm ở vị trí rất thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, từ Thái Bình, Nam Định lên bằng đường thủy theo sông Hồng, Hưng Yên, Kinh Bắc đến chỉ việc sang đò. Hòa Bình, Sơn Tây xuống bằng đường bộ, vào thành Thăng Long cũng chỉ mất nửa ngày gánh bộ. Hàng hóa trong chợ chủ yếu là nông sản, gia súc, gia cầm, công cụ sản xuất của nghề nông.

Kháng chiến chống pháp bùng nổ, đạn bom cùng với chủ trương tiêu thổ kháng chiến của ta, Chợ Mới Ông Già bị tàn phá, người bán, kẻ mua bị phân tán đi nhiều chợ khác. Hòa bình lập lại, nền kinh tế chuyển theo hướng phát triển mới, các vùng miền có sự thay đổi lại … Chợ Mới Ông Già không còn thích hợp với vai trò trung tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa trong vùng như trước nữa, chỉ  còn lại một khu chợ nhỏ ở tầm liên xã, liên thôn của khu vực miền Đông huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ.


Cần khôi phục một địa chỉ văn hóa cổ

Chợ Mới Ông Già nay không còn sầm uất như xưa. Nhưng nó lại là một địa chỉ mang dấu tích hành tung, thân thế và cuộc đời của cha con một vị thánh trong tín ngưỡng tôn giáo thờ thần của người Việt từ ngàn đời xưa (Tứ Bất Tử). Bởi thế nó đã vượt xa ý nghĩa thương mại để trở thành một địa chỉ văn hóa rất giàu ý nghĩa nhân văn, sâu sắc đạo đức cha con, thắm đượm tình nghĩa vợ chồng.

Xét về mặt thời gian lịch sử ra đời, có lẽ ở Việt Nam và ngay cả trên Thế giới chưa có chợ nào có tuổi đời lâu như Chợ Mới Ông Già. Đặc biệt là đấu tích hành nghiệp ấy của Chử Cù Vân cũng cần phải được phục dựng lại, bởi đó là một địa chỉ văn hóa lịch sử có liên quan đến cuộc đời của hai cha con Chử Cù Vân và Chử Đồng Tử. Đồng thời cũng là nơi khởi thủy cho chúng ta hôm nay có được một địa chỉ thương  mại góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa của cộng đồng dân cư. Nhất là trong thời đại kinh tế - hàng hóa - phát triển xã hội hiện nay, thì việc hình thành nên được Chợ Mới Ông Già như thế là hết sức có ý nghĩa.

Được biết, chính quyền địa phương và nhân dân làng Vân La Thị đang có chủ trương lập dự án và báo cáo với UBND huyện Thường Tín, cho phép được phục dựng trên khu đất mà chính Chử Cù Vân xưa đã từng ngồi bán cá, một ngôi đền thờ với mục đích giáo dục và nhắc nhở các thế hệ sau này hiểu và tri ân công trạng của một con người đã từng sinh thành và nuôi dưỡng cho dân tộc Việt Nam ta một vị thánh bất tử và một câu chuyện tình cao thượng đầy chất nhân văn.

Nhân dân làng Vân La Thị  và cả vùng Trấn Nam xưa đang ngày đêm mong đợi ý tưởng ấy trở thành hiện thực.

Nguyễn Nguyên Hoài
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm