Câu chuyện về Việt Nam thập niên 90 của Catherine Karnow

12/04/2015 16:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) -  Đang diễn ra tại Art Vietnam (24 Lý Quốc Sư, Hà Nội), triển lãm ảnh Việt Nam – 25 năm của một đất nước đang thay đổi gắn liền với một cái tên rất đặc biệt: Catherine Karnow.

Đặc biệt, bởi nữ nhiếp ảnh gia này chính là con gái của nhà báo Mỹ Stanley Karnow, tác giả loạt phim tài liệu 13 tập Việt Nam, thiên lịch sử truyền hình. Và thực tế, mỗi khi nói về tình cảm với VN của "những người bạn Mỹ", cái tên của cha con Catherine vẫn thường xuyên được nhắc tới trong nhiều năm qua.

Catherine Karnow (giữa) và các học sinh Việt Nam

Nhưng, cũng phải tới cuộc triển lãm ảnh này, người ta mới có cơ hội hình dung cụ thể về quãng đường 25 năm qua của cô, kể từ khi Catherine đặt chân tới đây lần đầu. Rất nhiều lần qua lại giữa Việt Nam và Mỹ, cộng những gì đã chụp, khiến Catherine trở thành một trong những tay máy chụp ảnh về VN nhiều nhất trên thế giới. Và ở mỗi góc nhìn trong 40 bức ảnh tại triển lãm lại là một câu chuyện riêng về VN, theo sự quan sát rất tỉ mỉ và tinh tế của cô.


Biển hiệu quảng cáo Coca Cola bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội vào giữa thập niên 1990 - ảnh của Catherine tại triển lãm

Một góc triển lãm là VN năm 1990 với những vịnh Hạ Long, đường sắt Thống Nhất, tàu điện Hà Nội. Ngoài "cảnh" còn có cả "người", với những hoàng thân cuối cùng của vương triều Nguyễn, với tác giả Bảo Ninh – nhân vật mà cô miêu tả là sống với sự khắc khổ, thiếu thốn của một nhà văn quân đội trong thời bình. Như lời Catherine, sự ảm đạm, ít màu sắc của cảnh vật Việt Nam khi đó lại đi kèm với sự rộng rãi và lịch thiệp của con người nơi đây, khiến cô liên tưởng tới một cô gái thẹn thùng hé cửa, lén nhìn ra thế giới bên ngoài.

Để rồi, ngay trong lần trở lại VN vài năm sau đó, dấu ấn của Đổi Mới giúp Catherine chớp được những bức ảnh độc đáo của buổi giao thời với những biển hiệu Coca Cola tràn ngập Hà Nội, với những Việt kiều đi mua gà bằng xe máy và những doanh nhân chấp nhận di chuyển trên chiếc xích lô.Xen lẫn đó là những hình ảnh về nạn nhân chất độc màu da cam, về những đứa con lai Việt Mỹ, - những câu chuyện của sự bắt đầu đối mặt với bi kịch trong quá khứ để hướng tới sự hàn gắn, trân trọng từ 2 phía như bây giờ.

Còn ở những loạt ảnh chụp gần đây nhất, người xem sẽ thấy một VN lột xác và phát triển chóng mặt về công nghiệp và thương mại, nhưng lại ẩn sâu trong mình những mâu thuẫn mới của sự phân chia giàu – nghèo trong quá trình đô thị hóa...

"Vì lý do gì đó, tôi vẫn thấy ánh nhìn buồn bã trong đôi mắt của mọi người. Có thể lịch sử khó nhọc của đất nước đã in dấu trong từng tế bào của họ" -  Catherine viết trong lời đề tựa tại triển lãm - "Những bức ảnh của tôi muốn hướng tới tinh thân của họ: sự dẻo dai, nỗi luyến tiếc quá khứ, tinh thần tranh đấu, lòng vị tha, tình yêu với gia đình và đất mẹ. Họ là những người kiên trì bám trụ và sống sót".

Một thông tin ít người biết: Để tổ chức triển lãm (kéo dài tới 8/5) này, Catherina đã tự bỏ ra kinh phí gần 10.000 USD, trong đó gồm cả việc in sách. "Mỗi khi chụp những bức ảnh ấy, tôi biết rằng theo một cách nào đó, một phần của tôi thuộc về VN"- nữ nhiếp ảnh gia đang làm việc cho tạp chí National Geographic, nói.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm