Cảnh báo loại tội phạm làm giả thẻ tiết kiệm để rút tiền của khách gửi ngân hàng

03/01/2019 17:49 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 3/1, Thượng tá Ngô Văn Đáp - Đội trưởng Đội 10, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an thành phố Hà Nội cho biết đơn vị vừa triệt phá nhóm tội phạm làm giả thẻ tiết kiệm để rút tiền của khách gửi tại ngân hàng trên địa bàn thành phố. Đây là vụ án đầu tiên trên địa bàn Thủ đô với thủ đoạn tinh vi, có sự cấu kết của nhân viên ngân hàng.

Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội 'siêu tinh vi'

Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội 'siêu tinh vi'

Liên tiếp có 3 nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội với tổng số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng, trong đó có một người bị lừa bằng hình thức mua hàng trực tuyến. Thủ đoạn tuy không mới nhưng các đối tượng dựng ra nhiều câu chuyện khác nhau, ngày càng tinh vi hơn khiến nhiều người sập bẫy.

Nhóm tội phạm gồm: Đỗ Đăng Trung (sinh năm 1986), Nguyễn Bá Anh (sinh năm 1985), cùng trú tại xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng và Chu Thị Thu Hường (sinh năm 1981, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Trưởng phòng giao dịch một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội.

Tại cơ quan công an, bước đầu, các đối tượng khai nhận, do có quan hệ từ trước, Đỗ Đăng Trung đã đề nghị Chu Thị Thu Hường, Trưởng phòng giao dịch một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội, tìm kiếm thông tin khách hàng có số dư tiền tiết kiệm lớn để chuyển cho Trung. Hường đồng ý, sau đó sử dụng tên tài khoản của mình để đăng nhập vào hệ thống ngân hàng kiểm tra và phát hiện khách hàng là anh Đặng Văn L có khoản tiền lớn.

Chú thích ảnh
Tang vật vụ án. Ảnh: TTXVN

Từ thông tin Hường cung cấp, Trung đã làm giả thẻ tiết kiệm của anh L rồi đến ngân hàng rút số tiền 13 tỷ đồng mà không hề bị phát hiện. Số tiền chiếm đoạt được, Trung chia cho Hường 4,5 tỷ đồng, cho đối tượng hợp tác với mình là Bá Anh 500 triệu đồng, đồng thời hứa hẹn sẽ cho Bá Anh chiếc xe Trung đang sử dụng. Số tiền còn lại, Trung sử dụng vào mục đích cá nhân.

Thượng tá Ngô Văn Đáp cho biết, thông tin liên quan đến người gửi tiền (nội dung thẻ tiết kiệm, chứng minh thư của người gửi tiền) được cán bộ ngân hàng cung cấp cho các đối tượng. Từ đó, các đối tượng sử dụng máy tính, máy scan, máy photocopy, máy ép plastic để làm giả giấy tờ nhằm thực hiện hành vi rút tiền của người gửi ra khỏi ngân hàng một cách trót lọt.

Theo đánh giá của Thượng tá Ngô Văn Đáp, các đối tượng rất tinh vi ở chỗ, để qua mắt ngân hàng, các đối tượng đã mở 1 thẻ thật tại chính ngân hàng đó để có căn cứ so sánh với thẻ giả. Khi thẻ thật và thẻ giả tương đối giống nhau, các đối tượng đã đến ngân hàng để thực hiện hành vi rút tiền của khách gửi.

Hiện nay, một số ngân hàng trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tồn tại một số vấn đề liên quan đến cán bộ giao dịch, năng lực kiểm soát còn yếu kém, đây là vấn đề mấu chốt để quản lý tài sản của người gửi. Như tại vụ án này, nhân viên của phòng giao dịch yếu kém, khách hàng rút tiền tại hệ thống nhưng không phải rút ở chỗ gửi tiền mà rút ở một chi nhánh khác nhưng việc kiểm tra chéo từ chỗ nhận đến chỗ gửi không có, hoặc thông tin của khách hàng cũng không được trao đổi để nhân viên khác nắm được, đặt vào giao dịch bất ngờ hay bất thường.

Thượng tá Ngô Văn Đáp khuyến cáo, các ngân hàng cần tuyển chọn, sàng lọc cán bộ thật kỹ; cần nâng cao trình độ của cán bộ nhân viên, nâng cấp máy móc để phát hiện những sai phạm, đầu tư trang thiết bị máy móc thay thế những công việc thủ công.

Trước đó, cơ quan Công an đã nhận được đơn trình báo của anh Đặng Văn L, khách hàng gửi tiền tại một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội. Theo anh L, ngày 20/12/2018, anh bất ngờ nhận được tin nhắn SMS Banking thông báo mình vừa rút số tiền 13 tỷ đồng từ 2 thẻ tiết kiệm gửi tại ngân hàng. Anh L về nhà kiểm tra thì phát hiện thẻ ngân hàng vẫn ở vị trí cũ. Lập tức, anh L. thông báo với ngân hàng nhưng giao dịch đã hoàn thành.

Vụ án đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.

TTXVN/Nguyễn Hoàng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm