Bộ Nội vụ thông báo 4 nội dung cơ bản của Đề án Văn hóa công vụ

09/01/2019 21:29 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tại buổi họp báo chiều 9/1, Bộ Nội vụ đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên về ý nghĩa của Quy định số 08-QĐi/TW của Trung ương về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và Đề án Văn hóa công vụ vừa được Chính phủ ban hành đối với công tác quản lý cán bộ hiện nay. 

Phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ

Phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ

Ngày 27/12, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1847/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ.

* 4 nội dung cơ bản của Đề án Văn hóa công vụ

Đề cập đến vụ việc dùng xe công để đón người nhà của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh gây ồn ào dư luận những ngày qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: chiều qua (8/1) trên mạng của Bộ Công Thương đã có văn bản giải thích về vấn đề này. Bộ trưởng Công Thương đã nhận trách nhiệm và xin lỗi. 

Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết thêm: Luật Cán bộ, công chức quy định rất rõ những điều cấm cán bộ công chức không được làm (trước đây Pháp lệnh cán bộ công chức viên chức đã có quy định). Trong đó có nội dung, cán bộ công chức không được lợi dụng vị trí, ảnh hưởng của mình để mưu cầu các lợi ích riêng. Quyền lợi, chế độ của cán bộ công chức cũng đã được quy định trong luật. Bên cạnh đó, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý còn phải thực hiện các quy định của Đảng.

Trao đổi về Đề án Văn hóa công vụ, Phó Viện trưởng Viện Khoa học - Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) Lê Anh Tuấn cho biết, đây là đề án tương đối khó, trong quá trình xây dựng còn có nhiều ý kiến khác nhau. Đề án có 4 nội dung cơ bản. Thứ nhất là liên quan đến tinh thần và thái độ làm việc của cán bộ, công chức, điều này xuất phát từ đặc điểm, yêu cầu của văn hóa công vụ trong thời gian tới cần phải phát huy, nâng cao hiệu quả làm việc cũng như tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức. 

Thứ hai, Đề án bổ sung thêm một số chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức đối với đồng nghiệp, với cấp trên cũng như một số bộ phận có chức vụ quản lý. Điều này xuất phát từ thực trạng thời gian qua, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, chưa nhận thức được vai trò của văn hóa công vụ nên trong quá trình ứng xử trong cơ quan với nhau, giữa cấp trên và với bên ngoài cũng còn nhiều vấn đề, phải nâng cao chuẩn mực giao tiếp. 

Thứ ba, quy định về chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, cần phải nâng cao đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức. Một số nội dung đã được kế thừa quy định trong Quyết định 129/QĐ-TTg về văn hóa công sở và một số quy định khác. 

Thứ tư là quy định về trang phục của cán bộ, công chức, đi kèm với đó có chế tài liên quan đến các giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan như Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức... Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức thực hiện các quy định, tổ chức thực hiện tốt các quy định; thanh tra, kiểm tra, giám sát hàng năm.

*Làm rõ việc bổ nhiệm cán bộ thần tốc

Cũng tại họp báo, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long đã trả lời về việc bổ nhiệm thần tốc Phó chánh văn phòng Thành ủy Long Xuyên, tỉnh An Giang đối với bà Vương Mai Trinh (31 tuổi). Theo đó, bà Trinh được xét tuyển thẳng làm công chức (do nhầm bằng thạc sỹ nước ngoài nhưng lại được cấp trong nước). Sau đó bà phải thi tuyển vào công chức dù đang giữ chức Phó chánh văn phòng Thành uỷ.

Ông Nguyễn Tư Long cho biết, việc tuyển dụng công chức đã được phân cấp cho tỉnh nhưng quy trình xét tuyển những trường hợp đặc cách không qua thi tuyển có gửi Bộ Nội vụ thẩm định. Tỉnh An Giang đang rà soát rất nghiêm túc tất cả các trường hợp, không riêng trường hợp bà Trinh.

Theo ông, trong công tác cán bộ, phải xử lý nghiêm túc nhưng phải có tình có lý. Vụ việc đang báo cáo cấp có thẩm quyền để có biện pháp xử lý chung cho các trường hợp tương tự.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đề nghị Vụ Công chức, viên chức rà soát ngay và kỹ trường hợp này. Nếu tỉnh đã gửi báo cáo thì báo cáo lãnh đạo Bộ, chưa gửi thì đề nghị tỉnh báo cáo.

Chu Thanh Vân - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm