3 năm ‘di dời’ sư tử đá: Hà Nội dẫn đầu nhưng kết quả vẫn còn 'khiêm tốn'!

20/12/2017 19:23 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng nay (20/12) tại Hà Nội, Bộ VH, TT&DL đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 8/8/2014 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Tại hội nghị, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết, năm 2014 số quận, huyện ở Hà Nội có hiện vật “lạ” là: 27/30, trong đó, có 432 con sư tử đá. Ngay trong năm 2014, đã có 20/26 quận, huyện triển khai tổ chức di chuyển 172 “hiện vật lạ”, trong đó có 146 sư tử. Trong năm 2015, Hà Nội có thêm 4 quận, huyện hoàn thành việc di dời sư tử đá ra khỏi di tích là: Ba Đình; Cầu Giấy; Hai Bà Trưng; Gia Lâm, Ứng Hòa với 26 sư tử đá.

Tính đến tháng 10/2017, 21/30 quận huyện, thị xã của Hà Nội đã tổ chức di dời thêm được 180 linh vật lạ, hiện vật không truyền thống, cụ thể: 104 sư tử đá; 12 nghê đá; 12 tượng Quan Âm bạch y và 67 hiện vật không truyền thống.

Đến tháng 10/2017, 104 sư tử đá ở Hà Nội đã được di dời
Đến tháng 10/2017, 104 sư tử đá ở Hà Nội đã được di dời

Ông Trương Minh Tiến nhấn mạnh, việc kiên trì vận động di chuyển “hiện vật lạ” tại Hà Nội đã có kết quả tốt như: vận động di dời đôi sư tử đá tại đền Bia Bà (Hà Đông), đền Và (Sơn Tây), chùa Hà (Cầu Giấy), Miếu Đầm (Bắc Từ Liêm), chùa Vẽ (Bắc Từ Liêm), Chùa Tảo Khê (Ứng Hòa), Bích Câu Đạo Quán (Đống Đa)…Đáng mừng là từ năm 2014 đến nay, các quận, huyện, thị xã đã thực hiện tốt việc kiểm tra, hướng dẫn các địa phương tiếp nhận công đức nên đã không có phát sinh thêm trường hợp di tích nào đưa linh vật cũng như đồ thờ không đúng với truyền thống của người Việt vào di tích.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Thanh tra Bộ, riêng Hà Nội, số di tích có hiện vật “lạ” là 538 di tích với 1319 hiện vật, trong đó: có 317 pho tượng Tượng Quan Âm Bạch y; 464 đèn đá và 538 sư tử đá. Kết quả, di chuyển “hiện vật lạ” sau 3 năm của Hà Nội đạt được là "rất đáng ghi nhận", tuy nhiên số lượng hiện vật "lạ" được di dời vẫn là "khiêm tốn".

Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL. Ảnh Ngọc Ngà
Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL. Ảnh Ngọc Ngà

Bởi, cũng theo Thanh tra Bộ, qua 3 năm, thanh tra Bộ đã tiển hành kiểm tra trên 100 các điểm di tích tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cho thấy việc di dời các hiện vật lạ ra khỏi di tích còn nhiều vướng mắc về kinh phí di chuyển, địa điểm di chuyển và trách nhiệm thực hiện. Đặc biệt, chưa có sự đồng thuận cao từ các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ trong việc không sản xuất các sản phẩm, hiện vật..

Theo đại diện Cục Di sản văn hóa, sau 3 năm thực hiện công văn 2662, hiện tượng cung tiến các hiện vật không phù hợp vào di tích và hiện tượng sử dụng các linh vật lạ là tượng sư tử đá ngoại lai đã không còn xảy ra trên phạm vi toàn quốc. Ý thức bảo vệ di sản văn hóa nói chung, di tích nói riêng đã được nâng cao, tinh thần tự tôn dân tộc, bài trừ các sản phẩm ngoại lai, không phù hợp thuần phong mỹ tục được nhân dân ủng hộ, hưởng ứng. Ngoài ra, các cấp chính quyền, quản lý di tích đã có thêm những bài học kinh nghiệm thực tế sâu sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, nghiêm túc rút kinh nghiệm, thực hiện việc rà soát, kiểm kê hiện vật thuộc di tích một cách khoa học, bài bản.

Tuy nhiên, về mặt nhận thức, vẫn còn một số ít tổ chức, cá nhân chưa ý thức đầy đủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa trong việc tiếp nhận các hiện vật vào di tích. Qua báo cáo của các địa phương, vấn đề nhận diện các linh vật ngoại lai còn có khó khăn ở một số nơi, mặc dù Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh Triển lãm đã hướng dẫn cụ thể.

Cục Di sản văn hóa nhấn mạnh, trong thời gian tới tiếp tục triển khai sâu rộng tinh thần Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL trên phạm vi toàn quốc, đồng thời sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ, quản lý và sử dụng di tích.

Cục Di sản văn hóa cũng đề xuất chính quyền địa phương cần có hỗ trợ kinh phí di dời và bố trí sắp xếp địa điểm di dời các biểu tượng, linh vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam tại các di tích vào địa điểm thích hợp.

Phía sau chuyện 'dẹp loạn' sư tử đá

Phía sau chuyện 'dẹp loạn' sư tử đá

Không ai phủ nhận tính tích cực trong việc di dời những con sư tử đá có nguồn gốc ngoại lai ra khỏi nơi thờ tự. Nhưng phía sau cuộc “dẹp loạn” hào hứng ấy, chúng ta đang phải giải quyết những vấn đề gì?

Hoài An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm