Trang phục golf: Cuộc 'cách mạng' của chiếc áo T-shirt

05/12/2016 18:36 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn)- Nếu mặc một chiếc áo vest dày có dây lưng, kèm đôi tất kéo dài tới đầu gối tới sân golf, bạn sẽ tự biến mình thành gã hề trong mắt những người khác. Nhưng những gì bị cho là kỳ quái của ngày hôm nay lại là xu thế thời trang nổi bật của làng golf thời kỳ sơ khai.

Giống như luật golf, công nghệ sản xuất dụng cụ chơi golf…, trang phục golf đã trải qua một hành trình dài của sự cải tiến.

Vào thế kỷ 17, trang phục của các tay golf chỉ để chiến đấu với thời tiết khắc nghiệt ở Scotland, nơi khai sinh ra môn thể thao này. Để chống chọi với những cơn gió lạnh tê người ở sân đấu như St. Andrews, người chơi thường mặc áo vest vải dày và nặng. Phía dưới là quần chẽn gối, được bó chặt bằng đôi tất dài và rất dày. Bên trong là áo sơ mi cổ vấn cao và trên là mũ nồi.

Đến những năm 1900, tay golf diện áo sơ mi cổ ngắn, mặc quần chẽn gối, đi đôi tất dài và giày buộc dây được coi là ăn vận có phong cách. Nếu thời tiết lạnh, họ chỉ khoác thêm một chiếc áo len gi lê ở bên ngoài. Vào những năm 1930, khi golf len sâu vào đời sống công sở, trang phục golf phổ biến với hai màu trắng hoặc xám. Thời kỳ này, nở rộ phong cách đeo cà vạt đến sân golf vì đa số các tay golf tới sân sau giờ tan tầm.



Sự đổi thay của trang phục golf qua năm tháng

Sự thay đổi về chi tiết diễn ra âm thầm qua từng năm tháng nhưng cuộc cách mạng thực sự về trang phục golf chỉ diễn ra từ US Open năm 1933. Thời tiết nóng nực của giải đấu năm đó đã tác động lớn tới việc lựa chọn trang phục của những người tham gia. Họ tự mình trút bỏ những bộ đồ nặng nề, rườm rà và lựa chọn trang phục nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Đó sẽ là chiếc quần âu ống dài, áo phông dài tay với vải mỏng. Đi kèm là đôi giày mũi nhọn.

Tất nhiên, vẫn có những tay golf bảo thủ chưa lập tức đón nhận sự đổi mới này. Một số CLB bảo thủ cũng không chấp nhận cho hội viên mặc “thoáng” tới sân. Phải hơn 10 năm sau (vào khoảng năm 1940), trang phục golf mới giống bây giờ, với áo T-shirt, quần kaki, dây lưng và mũ phớt.

Nhưng cũng từ thời điểm đó, sự đổi thay về trang phục golf dần chững lại. Bây giờ, mô típ quen thuộc của trang phục golf vẫn vậy. Chỉ khác ở sự thay đổi màu sắc của chiếc quần và áo T-shirt. Khi Tiger Woods tham dự The Open, người hâm mộ có thể đoán trước anh sẽ mặc áo phông màu xanh vào thứ Năm, màu san hô vào thứ Sáu và màu trắng vào thứ Bảy. Vào Chủ nhật, Woods sẽ mặc áo phông đỏ với quần màu đen…



Tiger Woods với chiếc áo màu đỏ từng gây sốt

Nhàm chán hơn khi không có nhiều sự khác biệt ở cách ăn vận của những golf thủ hàng đầu. Vài năm trước, tại giải Masters, Phil Mickelson đã rất sửng sốt khi ra sân với trang phục y hệt Charles Howell III.

Vấn đề này là cơn đau đầu thực sự với các nhà sản xuất trang phục thể thao. Thông thường, họ dành tới 1 năm rưỡi trước những sự kiện lớn để họp bàn về các mẫu thiết kế, màu sắc, cũng như công nghệ, chất liệu vải… Thế nhưng, cho tới thời điểm này, chưa có hãng nào tạo nên một sự đột biến trong trang phục golf.

Doug Reed, giám đốc toàn cầu về may mặc và phụ kiện của Nike cho biết sau khi đã thử hầu hết mọi màu sắc cho trang phục của Tiger Woods, họ quyết định sản xuất áo màu đỏ. Chiếc áo này bán hết veo ở nhiều cửa hàng Nike trên toàn thế giới khi Woods đăng quang một giải Masters. Doanh thu lập tức tăng 10%.

Golf cần nhiều hơn nữa những đổi thay như thế để tránh khỏi “cảm giác kinh hãi khi ai đó mặc bộ đồ y hệt bạn bước lên bục vinh quang”, như Reed nói. Hơn nữa, trang phục golf cũng là thị trường béo bở đối với các hãng sản xuất, với giá trị ước tính lên tới 4-5 tỷ USD.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm