FIFA và Sepp Blatter: 17 năm trong thù địch

03/01/2016 12:53 GMT+7 | Scandal

(Thethaovanhoa.vn) - Sau 17 năm làm phó của Chủ tịch đã về hưu Joao Havelange, Sepp Blatter tranh cử Chủ tịch FIFA năm 1998 và chiến thắng đối thủ người Thụy Điển, Lennart Johansson. Ông giữ chức vụ này gần 17 năm cho đến khi bị Ủy ban đạo Đức của FIFA “làm phản” với án cấm hoạt động bóng đá trong 8 năm, khi Blatter đã 79 tuổi.

Ngay từ lúc nhậm chức chủ tịch, các cáo buộc hối lộ tới tấp đổ xuống đầu Blatter, nhưng ông thoát hết. Năm 2001, sau khi đối tác của FIFA, công ty thể thao quốc tế ISL của Thụy Sỹ phá sản với khoản nợ hơn 100 triệu USD, FIFA lâm nguy, chiếc ghế của Blatter lung lay dữ dội, khi nhiệm kì 1 đã gần hết. Chính phủ Thụy Sỹ mở cuộc điều tra về cáo buộc sai phạm trong quản lý tài chính, nhưng Blatter không liên can. FIFA ra báo cáo thừa nhận khả năng quản lý “vụng về” của tổ chức, nhưng khẳng định Blatter không phạm tội hay có sai phạm đạo đức.

Năm 2002, Tổng thư kí FIFA Michel Zen-Ruffinen gửi một tập hồ sơ lên chính quyền Thụy Sỹ, thay mặt Ủy ban điều hành của FIFA, cáo buộc Blatter mắc sai phạm trong quản lý tài chính, xung đột lợi ích và lạm dụng quyền lực. Tập hồ sơ gây rúng động dư luận. Tháng 4/2002, Zen-Ruffinen mất quyền lực và rời FIFA.

Cũng trong năm này, bất chấp các cáo buộc tham nhũng, Blatter thắng đối thủ của châu Phi, Issa Hayatou để tái đắc cử chủ tịch FIFA thêm 1 nhiệm kì nữa.

Năm 2006, Phó Chủ tịch FIFA và Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Trinidad và Tobago, Jack Warner, bị cáo buộc tội lừa đảo, bán lại vé xem World Cup 2006 thông qua một công ty du lịch của Đức do người nhà ông này điều hành. Warner bị cho là đã thu lợi 1 triệu USD nhưng sau đó được FIFA “minh oan”.

Năm 2007, Blatter tranh cử Chủ tịch một lần nữa. Chiến lược của ông là cho phép mọi quốc gia trên thế giới có tiếng nói trong cuộc bầu cử chủ tịch. Điều này có nghĩa một ứng viên được Đức chọn lựa cũng không bằng ứng viên kia có phiếu bầu của Guinea, Guatemala, Gyuana và Guam. Blatter duy trì chiến lược này một cách hoàn hảo để bảo toàn quyền lực. Hàng năm, ông rải tiền tài trợ của FIFA cho các quốc gia bóng đá đang phát triển để nhận lại các phiếu bầu. Blatter tái đắc cử.

Năm 2010, các cáo buộc tham nhũng, sai phạm trong quản lý tài chính, vận động hành lang đăng cai World Cup… ngày càng nghiêm trọng. Quyền đăng cai World Cup 2018 của Nga và 2022 của Qatar gây tranh cãi dữ dội. Hai thành viên của Ủy ban điều hành FIFA là Amos Adamu của Nigeria và Raynald Temarii của Tahiti bị cấm hoạt động bóng đá sau cuộc điều tra gian lận phiếu bầu của tờ The Sunday Times.

Năm 2011, hơn 30 quan chức FIFA hoặc bị cấm tham gia hoạt động bóng đá, hoặc bị đình chỉ chức vụ do bị cáo buộc nhận hối lộ. Ứng viên tranh cử Chủ tịch FIFA Bin Hammam bị loại khỏi cuộc đua và Blatter đắc cử lần thứ tư. Các scandal năm 2010 và 2011 dẫn tới việc rút lui của 4/6 Chủ tịch Liên đoàn thành viên của FIFA.

Tháng 5/2015, chính quyền Thụy Sỹ ra lệnh bắt 14 quan chức FIFA vì cáo buộc tham nhũng. Tháng 6/2015, Blatter tuyên bố sẽ từ chức Chủ tịch FIFA. Tháng 9/2015, các công tố viên Thụy Sỹ tuyên bố mở cuộc điều tra Blatter vì sai phạm quản lý tài chính và biển thủ công quỹ. Tháng 10/2015, các nhà tài trợ của FIFA là Coca-Cola, McDonald’s, Visa, Anheuser-Busch… kêu gọi Blatter từ chức. Cũng trong thời gian này, Blatter nhận lệnh tạm thời đình chỉ chức vụ trong 90 ngày từ Ủy ban đạo đức của FIFA. Phó Chủ tịch FIFA và Chủ tịch UEFA Michel Platini cùng Tổng thư kí FIFA Jerome Valke cũng bị đình chỉ 90 ngày.

Tháng 12/2015, Platini và Blatter bị Ủy ban đạo đức tuyên phạt cấm tham gia hoạt động bóng đá trong vòng 8 năm. Hai ông tuyên bố sẽ kháng án.

Đỗ Hiếu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm