Cầu thủ và xã hội đen: Những bi kịch ngoài sân cỏ

04/11/2018 07:51 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện cầu thủ Daniel Correa bị sát hại dã man mới đây kéo dài thêm những bi kịch bên ngoài sân cỏ, liên quan đến các tổ chức xã hội đen, hoặc đơn giản chỉ là hành vi bạo lực mất kiểm soát.

Chủ tịch Leicester tử nạn trong vụ trực thăng rơi: Đời không phải lúc nào cũng là cổ tích

Chủ tịch Leicester tử nạn trong vụ trực thăng rơi: Đời không phải lúc nào cũng là cổ tích

Vichai Srivaddhanaprabha từng mang đến câu chuyện cổ tích thời thiện đại khi biến một đội bóng tầm thường là Leicester City trở thành nhà vô địch Premier League. Nhưng điều thần kỳ thì không đến với ông trong vụ rơi trực thăng rơi vừa qua…

Những bi kịch này phần lớn diễn ra ở Brazil, đất nước nổi tiếng về “xuất khẩu cầu thủ”, và khu vực châu Mỹ.

Phía sau bi kịch của Daniel Correa

Người dân Brazil rúng động khi xuất hiện những thông tin về việc Daniel Correa bị sát hại dã man, và xác của anh được tìm thấy trong một bụi cây ở Sao Jose dos Pinhais, một đô thị thuộc thành phố Curitiba. Báo cáo của cảnh sát cho biết, Correa bị giết bởi một vật sắc nhọn, bị cứa sâu ở vùng cổ khiến đầu gần như đứt lìa, và thủ phạm thậm chí còn cắt bộ phận sinh dục của anh.

Giới truyền thông thế giới cũng bàng hoàng trước cái chết của Correa, vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Một số nhân chứng và cảnh sát cho biết, trước khi bị giết, Correa – 24 tuổi và thuộc sở hữu của Sao Paulo, được cho Sao Bento mượn – đã chịu đựng sự tra tấn.

Globo Esporte, trong một bài báo chiều 31/10 (rạng sáng 1/11, theo giờ Việt Nam), dẫn nguồn tin từ đại diện cảnh sát cho biết, cái chết của Correa dường như không liên quan đến các băng nhóm mafia Brazil. Bi kịch của Correa có nhiều dấu hiệu cho thấy là rắc rối cá nhân của chính cầu thủ này. Một nhân chứng, cũng là một trong những người cuối cùng nhìn thấy Correa cho đến khi bi kịch được phát hiện, xác nhận nạn nhân đã có hành vi tiếp xúc với vợ của kẻ tình nghi.

Theo lời nhân chứng, được đưa vào Chiếc dịch Bảo vệ nhân chứng, Correa và 6 người khác (gồm cả nhân chứng), đã đến một hộp đêm ở Curitiba. Sau đó, họ quyết định đến nhà nghi phạm tiếp tục bữa tiệc. Khi bữa tiệc trôi qua một thời gian, tất cả nghe tiếng hét kêu cứu của vợ nghi phạm. Khi nhân chứng và một số người bước vào phòng, Correa đang bị đánh đập bởi nghi phạm và 3 người khác.

Brazil, bóng đá và tội phạm

Cách nay không lâu, những báo cáo cho biết Brazil trở thành một trong những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới. Trong năm 2017, có đến 63.880 vụ giết người xảy ra ở đất nước lớn nhất Nam Mỹ. Bạo lực tăng cao trong xã hội Brazil. Bên cạnh đó, cảnh sát cũng bị chỉ trích về các hành vi bạo lực. Thống kê cho biết, trung bình mỗi ngày có 6 người Brazil chết dưới tay cảnh sát, trong những cuộc đụng độ với những băng nhóm tội phạm. Đặc biệt, cảnh sát bị cáo buộc cũng liên quan đến nhiều tổ chức ngầm.

Chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, nhưng bi kịch của Correa được cho là xuất phát từ kẽ hở của luật pháp. Đúng hơn là pháp luật bị nhiều người Brazil xem nhẹ. Bóng đá Brazil cũng từng chứng kiến một sự kiện chấn động vào năm 2010, khi thủ môn Bruno (Bruno Fernandes das Dores de Souza) bị bắt vì tội bắt cóc, giết bạn gái cũ và cắt cơ thể cô cho chó ăn.

Correa hay Bruno là những bi kịch của riêng cá nhân. Có nhiều trường hợp cầu thủ Brazil là nạn nhân của các tổ chức tội phạm. Gabriel Costa của Fluminense là một ví dụ. Năm 2013, ở tuổi 18, Gabriel Costa mất tích nhiều ngày trước khi được tìm thấy xác bị băm thành nhiều mảnh, và vứt nhiều nơi khác nhau. Sau quá trình điều tra, cảnh sát xác nhận Gabriel Costa liên quan đến vụ cướp xe, và bị giết trong một khu ổ chuột.

Năm 2017, tiền đạo Johnson Kendrick bị cướp bắn chết trên đường phố Brazil. Khi ấy, Kendrick đang thi đấu ở Qatar và trở về quê nhà nghỉ ngơi. Cái chết đến với anh ngay trước khi chuẩn bị trở lại châu Á tiếp tục chơi bóng cho CLB Al-Gharafa. Thời điểm ấy, anh mới 25 tuổi.

Adriano có thể xem là một trong những cầu thủ danh tiếng nhất dính đến các tổ chức tội phạm. Từng là ông hoàng trên sân cỏ, một ngôi sao ở Italy và tương lai hứa hẹn với ĐTQG Brazil, Adriano dính đến quá nhiều bê bối. Gần đây, “Hoàng đế” phải lẩn trốn trong khu ổ chuột, và thuê một số thành viên Comando Vermelho – băng nhóm tội phạm buôn ma túy và vũ khí, bảo vệ mạng sống cho mình. Mẹ của Fabiano – người bạn Adriano, thì bị bắt cóc.

Điểm nóng châu Mỹ

Cái chết của hậu vệ Andres Escobar, bị bắn chết khi trở về nước sau màn phản lưới ở World Cup 1994, luôn ám ảnh cầu thủ Colombia. Mùa Hè vừa qua, Carlos Sanchez và nhiều tuyển thủ Colombia cần đến sự bảo vệ kỹ lưỡng của cảnh sát để tránh bi kịch Escobar tái hiện, vì thi đấu không thành công ở Nga. Vào năm 2009, 10 thành viên một đội bóng nghiệp dư Colombia bị sát hại.

Huyền thoại Ariel Ortega của Argentina bị tấn công và lột sạch tài sản quý ngay trên đường phố Buenos Aires. Ở Trung Mỹ, người hâm mộ Guatemala từng bị sốc khi Carlos Mercedes Vasquez bị bắt cóc và giết hại dã man vào cuối năm 2010. Tiền vệ Wilson Palacios, cựu tuyển thủ Honduras và Tottenham, có thời điểm mất ăn mất ngủ khi em trai bị bắt cóc tống tiền.

Bắt cóc tống tiền, cầu thủ là mục tiêu quen thuộc của các tổ chức tội phạm ở Brazil nói riêng, châu Mỹ (chủ yếu Trung và Nam Mỹ) nói chung. Riêng Bernardo Vieira de Souza là một trường hợp lạ lẫm: Trong năm 2013, anh bị bắt cóc và tra tấn chỉ vì dám cặp với Daiane Rodrigues, bạn gái ông trùm buôn bán ma túy Marcelo Santos.

Ngọc Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm