Thanh Hóa chốt số thiệt hại do bãi số 10 là 980 tỉ đồng

27/09/2017 23:04 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/9, ông Nguyễn Trọng Hải - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Liên quan đến số liệu thống kê về tình hình thiệt hại do bão số 10, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 11514 báo cáo công tác triển khai ứng phó với bão số 10 năm 2017 và thiệt hại sau bão gửi Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, con số thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính khoảng 980 tỷ đồng.

Trước, trong và sau khi cơn bão số 10 đi qua tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh cũng đã thành lập các đoàn công tác do đồng chí Chủ tịch, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn về các địa phương để kiểm tra, chỉ đạo, động viên chính quyền và nhân dân các địa phương bị thiên tai, khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.

Chú thích ảnh
Đợt bão số 10 vừa qua, tại khu vực thành phố Thanh Hóa, mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ đã khiến nhiều tuyến đường bị ngập nặng, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông

UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập 5 đoàn công tác trực tiếp rà soát, hướng dẫn các địa phương thống kê thiệt hại do bão, mưa, lũ và hướng dẫn nhân dân khôi phục lại sản xuất sau bão.

Ông Nguyễn Trọng Hải cũng cho biết thêm: Về công tác thống kê thiệt hại, có những thời điểm con số thiệt hại tăng lên hoặc giảm xuống là do có diện tích lúa bị ngập có nguy cơ mất trắng nhưng đã được nhân dân, cùng hàng nghìn lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên khẩn chương thu hoạch giúp nên đã giảm được thiệt hại.

Diện tích tôm và thủy sản đã được nông dân khẩn chương thu hoạch trước bão nhưng các địa phương chưa kịp tổng hợp hết nên sau khi rà soát lại thì cũng có giảm so với ban đầu. Tuy nhiên để chốt số liệu về thiệt hại do bão số 10 báo cáo lên trung ương trước ngày 25/9, tỉnh Thanh Hóa đã cử cán bộ cùng phối hợp với địa phương để thống kê lại và phải đến ngày 22/9 (sau 7 ngày cơn bão số 10 đi qua) mới có được số liệu chính thức là 980 tỷ đồng.

Hiện nay, công tác khắc phục hậu quả sau bão ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đang tiếp tục được triển khai. UBND các huyện đang huy động lực lượng, phương tiện khắc phục các điểm bị sạt lở, bồi lấp trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường tuần tra biên giới, đường giao thông liên xã, đảm bảo giao thông thông suốt. Các địa phương tập trung chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, dân quân tự vệ giúp nhân dân bị ảnh hưởng bởi bão tu sửa, vệ sinh nhà cửa, tiêu độc, khử trùng, xử lý nước sạch, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.

Tại Hoằng Hóa, huyện chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão số 10 gây ra, UBND huyện cũng đã tiến hành rà soát, thống kê kỹ các vùng bị thiệt hại như các đồng nuôi tôm, hoa màu, hệ thống đê điều, biển xâm thực… với tổng thiệt hại là 640 tỷ đồng báo cáo lên UBND tỉnh để tổng hợp. Hiện tại chính quyền địa phương và các nhà đầu tư đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão để sớm đón khách du lịch và ổn định sản xuất.

Tại Khu du lịch biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), bão số 10 đã làm tuyến đường và bờ kè chắn sóng ven biển tại các xã Hoằng Thanh, Hoằng Tiến, Hoằng Hải, Hoằng Trường dài 4,5km bị cuốn trôi và biến dạng. Các công trình phụ trợ khác như hệ thống chiếu sáng, vỉa hè, hệ thống thoát nước, hệ thống cây xanh… bị cuốn trôi, hư hỏng nặng. Ngay sau khi cơn bão đi qua, các nhà đầu tư ở Khu du lịch biển Hải Tiến đã bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả, đã tập trung nhân lực, vật lực khôi phục lại bộ mặt của biển Hải Tiến như chỉnh trang lại hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, dọn dẹp lại bờ biển...

Ông Lê Xuân Thảo, Giám đốc Giám đốc Cty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến cho biết: Để nhanh chóng khắc phục hậu quả do bão số 10 gây ra và đảm bảo an toàn cho dân cư khu vực ven biển và khôi phục hoạt động du lịch chúng tôi rất mong muốn được Trung ương và tỉnh Thanh Hóa xem xét đầu tư khôi phục khẩn cấp tuyến kè chắn sóng Khu Du lịch Hải Tiến.

Bão số 10 cũng làm cho hệ thống đê bao nuôi trồng thủy sản tại các xã Hoằng Tân, Hoằng Châu, Hoằng Phụ, Hoằng Trường, Hoằng Đông, Hoằng Lưu và bến cá xã Hoằng Thanh bị cuốn trôi với khối lượng 110.000m3 đất. Ngoài ra, đồng nuôi trồng thủy sản ngoại đê cũng bị thiệt hại nặng nề do nước biển tràn vào với tổng diện tích 1.165ha, trong đó có 32,17ha nuôi tôm thâm canh, 1.133 ha nuôi nước lợ quảng canh cải tiến.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm