Tham vọng của Trung Quốc đẩy Đông Á về một khối

15/05/2014 07:13 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Tờ Diplomat của Ấn Độ vừa đăng một bài viết đáng chú ý của nhà nghiên cứu Sreeram Chaulia, Hiệu trưởng Trường Đối ngoại Jindal ở Ấn Độ, đánh giá về ý đồ thực sự của chính quyền Trung Quốc khi thường xuyên khiêu khích hàng xóm và các hệ lụy liên quan. TT&VH xin được giới thiệu đến độc giả bài viết này.  

Cuộc đụng độ trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc theo sau việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nước sâu trái phép ở biển Đông đã đánh dấu một sự leo thang nguy hiểm.

Thay đổi bộ mặt

Mặc dù lâu nay biển Đông đã là điểm nóng trong khu vực, nguồn gốc những bất ổn hiện tại nằm trong sự biến đổi của Trung Quốc giai đoạn sau năm 2008 để trở thành một cường quốc khu vực. Trước đó, Bắc Kinh đã duy trì khuynh hướng hòa giải, tránh gây hấn với các quốc gia láng giềng nhỏ hơn ở Đông Nam Á. Giới lãnh đạo Trung Quốc khi đó thừa hưởng chủ nghĩa thực dụng, ưu tiên kinh tế của Đặng Tiểu Bình, đã tránh việc tạo ra không khí thù địch với các nước láng giềng để đẩy mạnh hoạt động giao thương và đầu tư.

Thông qua việc cho thấy Trung Quốc có thể làm giảm bớt nỗi lo của các láng giềng yếu hơn bằng sự thành thực, Bắc Kinh càng có cơ hội khẳng định sự "trỗi dậy hòa bình" của mình với thế giới, cho rằng không có gì đáng phải lo ngại từ sự lớn mạnh của quốc gia đông dân nhất thế giới.


Cuộc đụng độ trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm lớn của thế giới

Tuy nhiên chính sách ngoại giao không đối đầu cấp khu vực này bắt đầu suy yếu dần từ năm 2008, mở đường cho một Trung Quốc diều hâu hơn, hiếu chiến hơn, thể hiện qua các hành động bắt nạt hàng xóm, tiến hành chiến tranh kinh tế, bên cạnh các màn tập trận, phô diễn sức mạnh hải quân.

Việc "tái lập trình" tư tưởng của đội ngũ lãnh đạo dân sự và quân sự Trung Quốc cho thấy họ tự tin rằng đã tới lúc để thể hiện mình và buộc các nước nhỏ hơn phải vào khuôn phép. Tuyên bố nổi tiếng của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì trước các đồng cấp Đông Nam Á hồi năm 2010, rằng "Trung Quốc là nước lớn và các quốc gia khác là nước nhỏ, đó là thực tế" đã thể hiện rõ tư tưởng của Bắc Kinh: vứt bỏ chiếc mặt nạ tế nhị vẫn dùng và lôi dao ra sử dụng.

Song song với ý định không nao núng của Trung Quốc trong việc hăm dọa các quốc gia Đông Nam Á là màn đối đầu đang ngày càng tăng cao căng thẳng của nước này với Nhật Bản tại khu vực Đông Bắc Á. Mặc dù Tổng thống Mỹ đã tầm thường hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc, cho nó chỉ là "một mỏm đá", Bắc Kinh và Trung Quốc vẫn tiến theo hướng có nguy cơ xung đột với nhau.

Kể từ năm 2010, căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã bao gồm nhiều màn đâm tàu lẫn nhau, khóa rađa vào tàu hải quân đối phương và căng thẳng nhất là lần Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên đảo tranh chấp.

Thử phản ứng của các nước

Tuy nhiên sự hợp tác chặt giữa hải quân Nhật Bản và Mỹ, cũng như ý chí sẵn sàng của Thủ tướng Shinzo Abe trong việc đáp trả Trung Quốc tương xứng với hành động khiêu khích đã đẩy khó khăn về phía Trung Quốc. Sự đảm bảo của Tổng thống Obama với Nhật Bản trong tháng trước rằng hiệp ước đồng minh tương trợ giữa đôi bên có giá trị bao phủ cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã vấp phải sự phẫn nộ và cả cảm giác cay đắng từ phía Trung Quốc, nước muốn giữ nguyên vị thế vượt lên tương đối về sức mạnh so với Nhật Bản và không bị "can thiệp từ bên ngoài".

Dựa vào những gì đã diễn ra, có thể thấy một mô hình hành vi đang hình thành rõ ràng trong cách đối xử của Trung Quốc với Việt Nam, Philippines và Nhật Bản. Theo đó Trung Quốc đã có những bước tiến sâu hơn tại các khu vực tranh chấp, sử dụng hải quân và không quân, nhằm kiểm tra xem các nước sẽ phản ứng ra sao.

Việc Trung Quốc dễ dàng chiếm bãi cạn Scarborough tại biển Đông bằng cách từ từ tước nó khỏi tay Philippines đã khiến Bắc Kinh thêm bạo dạn. Trung Quốc giờ đang thử cùng một "chiến lược bắp cải", gồm việc sắp xếp các lớp tàu dân sự quanh sự bảo vệ của tàu quân sự và tiến vào vùng biển đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Nhật Bản rồi ở yên đó, bất chấp các phản ứng phẫn nộ.

Khi triển khai biện pháp mới, Trung Quốc chỉ gặp thất bại trong việc thiết lập ADIZ ở Đông Hải. Máy bay Nhật Bản và Mỹ vẫn ra vào khu vực không phận mà Trung Quốc xem là của mình một cách bình thường. Đối diện với thực tế đó, Bắc Kinh đã lặng lẽ xuống thang và ngừng việc tuyên bố Mỹ và Nhật Bản "vi phạm chủ quyền". Bài học ở đây đã rõ ràng: Trung Quốc chỉ đầu hàng trước các biện pháp đáp trả cân bằng hoặc lớn hơn do đối phương thực hiện.

Với việc thay đổi chính sách, mục tiêu cổ súy một "môi trường hàng xóm hòa thuận, an ninh và phồn thịnh" do Bắc Kinh thực hiện giờ đã bị đe dọa. Hệ quả từ thái độ không thỏa hiệp mà Trung Quốc mới bộc lộ là toàn bộ khu vực Đông Á rộng lớn sẽ xích lại gần nhau hơn thành một khối và hợp thành một đối trọng quyền lực mới nằm kiểm soát các bước đi của nước này.

Tường Linh (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm