Nghệ sĩ Quang Phùng: Nhiếp ảnh gia của đường phố

16/04/2009 06:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Biết ông từ cách đây hơn 10 năm nhưng lần nào cũng vậy, sau khi rời căn phòng nhỏ hẹp chất đầy những cuốn album ảnh đặc biệt của ông, tôi lại bị bối rối bởi chỉ một ý nghĩ: làm sao mà một người đã quá tuổi thất thập như ông lại có thể ròng rã nhiều năm đi theo bước chân của những người phụ nữ bán hàng rong và nhất là những cô gái, chàng trai trẻ trung, sức dài vai rộng nhưng nghiện ma túy, để ghi lại hình ảnh về họ… Mỗi cuốn album là một hoặc nhiều câu chuyện mà dù có kể đi kể lại nhiều lần, vẫn không khỏi khiến cả người nghe và người kể nhói lòng. Như lời ông nói, có nhiều lúc muốn rơi nước mắt.

Nghệ sĩ Quang Phùng (sinh năm 1932) có lý lịch khá đặc biệt. Ông là con của một viên quan đầu tỉnh với một người con gái đẹp của Hà Nội xưa. Ông thần tượng cha của mình bởi cốt cách Nho giáo và tinh thần chống đế quốc của cha. Năm 1955, ông trở thành thành viên của Ủy ban Quốc tế, gồm Việt Nam và một số nước liên quan đến việc giải giáp quân Pháp. Năm 1970, Ủy ban này giải thể, ông về làm việc tại Bộ Ngoại giao với khá nhiều nhiệm vụ chuyên biệt trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng của ngoại giao Việt Nam giữa cuộc chiến tranh chống Mỹ. Công việc của một nhân viên ngoại giao kỳ cựu giúp ông có được lối ứng xử bặt thiệp, nhã nhặn và phía sau đó là một khả năng quan sát, phán đoán tình huống cực kỳ nhanh nhạy cùng bản lĩnh và sự kiên nhẫn “không ai bằng” - như cách ông hóm hỉnh tự nhận. Những ưu điểm này thực sự rất có ích cho công việc nhiếp ảnh của ông ngay từ khi còn trẻ và tiếp cho đến giờ. Mặt khác, nghề nghiệp ngoại giao cũng dường như có một tác động không nhỏ đến mức độ quan tâm của ông dành cho xã hội.
 
Tác phẩm về người bán hàng rong của nghệ sĩ nhiếp ảnh
Quang Phùng

Kính trọng người bán hàng rong

* Đã khá lâu rồi mà tôi vẫn nhớ rất rõ gương mặt một nhân vật của ông: bà lão bán hàng rong cầm chắc cái đòn gánh mòn vẹt đầu mấu, cười rất tươi với hàm răng đen nhánh...

- Bà lão giờ đang ốm đấy.

* Làm sao mà ông biết được tin này?

- Bà ấy bán hàng quanh khu vực phố Huế, tôi qua lại đó luôn, lâu không gặp bà nên có hỏi thăm những người “cùng hội cùng thuyền” với bà ấy và hay tin.

* Bà lão là một trong rất nhiều nhân vật đặc biệt của ông. Điều gì cuốn hút ông đến vậy?

- Bà ấy bảo với tôi, có bị công an hay dân phòng thu mất bao nhiêu đôi quang gánh cũng được chứ cái đòn gánh thì nhất quyết không để bị tịch thu, vì gánh đòn gánh mới thì đau vai. Đòn gánh cũ quen vai rồi...

* Bà ấy có kể với ông là vì sao phải đi làm cái công việc vất vả quá sức với một người già vậy không?

- Bà ấy cũng có con cháu tốt tính nhưng không muốn dựa vào chúng, vì chúng nó lo cho chúng và lũ cháu không thôi cũng đã đủ chết rồi, trong khi ở quê thì quanh năm cũng chi đủ thứ tiền, ma chay, cỗ bàn, cưới hỏi, giỗ Tết... Bà lão còn cho thêm các con tiền nữa ấy chứ. Bà có chồng là liệt sĩ nhưng bà kể với tôi là đem theo cái bằng ghi công cho công an và đội tự quản xem để họ thông cảm không bắt hàng nữa, thế mà họ cũng chẳng động tâm.

* Với ông, ông quan tâm đến bà lão ở góc độ thân phận cá nhân thuần túy hay vì một lẽ khác? Tôi thấy ông còn có những bộ ảnh chụp bà lão đi bán hàng dưới mưa, tất tả lắm. Chắc khi đó trông ông cũng vất vả không kém? Vì lẽ gì?

- Cái này bắt nguồn từ một suy nghĩ sâu xa hơn. Khoảng năm 2002, tôi tình cờ chứng kiến cảnh người ta đuổi hai bố con anh bán mía, bố chở hai bó mía to, phía dưới là cái võng có thằng bé đang nằm ngủ. Tôi xót. Tôi đi theo bố con anh ấy và bắt đầu thực sự thấm thía về nhiều sự vô lý trong xã hội. Trước cảnh đó ít phút, tôi trú mưa ở gầm cầu Long Biên và nghe câu chuyện do anh tài xế cho một sếp cơ quan nhà nước kể về sự diệu vợi khi đón đưa ông ấy... Quay lại chuyện về bố con anh bán mía ấy, tôi được nghe anh ấy kể là gia đình bị mất đất canh tác, nên phải tìm mọi cách mà kiếm sống rồi còn nuôi con nữa chứ. Vậy đấy, chuyện nọ ràng mối qua chuyện kia khiến mình không bàng quan được nữa.

* Ở đây, ông đang gợi đến một khía cạnh chức năng xã hội của nhiếp ảnh bên cạnh chức năng thẩm mỹ của nó. Theo ông, chức năng xã hội của nhiếp ảnh đầy đủ là gì?

- Có hai việc. Thứ nhất là ảnh “nóng”. Dạng ảnh này đòi hỏi người chụp phải có khả năng phán đoán tình huống rất nhanh nhạy để có được bức ảnh đúng thời điểm, trong khi phải cạnh tranh chỗ đứng với các đồng nghiệp khác. Thứ hai là ảnh dấn thân, phản ánh những vấn đề nhức nhối của xã hội hiện tại. Dạng ảnh này còn chính là một tư liệu về xã hội nên người chụp ảnh còn phải có khả năng cũng như thời gian ghi chép nữa, ảnh chỉ nói được 50% vấn đề, 50% còn lại phải nhờ vào thông tin phía sau về nhân vật, hoàn cảnh, bối cảnh sống...
 
Người gánh hàng rong, nguồn cảm hứng của nghệ sĩ nhiếp ảnh
Quang Phùng

* Có thể xem những bức ảnh về người bán hàng rong của ông thuộc dạng ảnh dấn thân. Chụp ảnh họ, ông thường gặp trở ngại gì?

- Về khách quan, tôi chụp ảnh họ trên vỉa hè nên mình phải đứng dưới lòng đường, xe cộ đi lại huých vào tôi luôn, mà mình lại già, không hiếm khi bị va chạm với người đi đường đấy, cô ạ. Về chủ quan, tôi đôi khi ngại cái sức khỏe của mình. Nhiều khi về, tôi không tài nào ngủ được, lại thức đêm và ghi chép.

* Người bán hàng rong thì thường đi bộ hay dắt xe cả ngày để bán hàng. Ông cũng lẽo đẽo theo họ hoặc đứng chờ đợi cho kỳ được một hình ảnh đắc ý trên phố. Hai hình ảnh này rất gần nhau...

- Tôi nói thật, nếu không xót xa, không thấm thía cùng với họ về cuộc sống này thì không thể đi theo họ được đâu. Nhưng chỉ có tấm lòng không thì không đủ, phải có những nhận định riêng và bản lĩnh nữa thì mới có được hình ảnh chân thực về cuộc sống của họ ở nhiều góc khác nhau. Tại sao họ đi làm công việc này? Họ bị cảnh sát, dân phòng, tự quản phường quát nạt ra sao? Tại sao hầu như không ai trong số họ phản ứng gì mà chỉ im lặng, thậm chí van xin? Tôi nghe rất nhiều người bán hàng nói, họ đi làm vậy chẳng qua là vì thương và lo cho chồng con thôi, nếu họ có phản ứng thì lại bị bắt bớ về đồn, bị sách nhiễu thì chỉ khổ chồng con, thế nên họ nín nhịn. Đó chính là điểm đặc biệt mà tôi vẫn cho rằng thuộc vào cốt cách tinh thần của người đàn bà Việt Nam. Tôi kính trọng những người phụ nữ bán hàng rong.

Ma túy, HIV/AIDS và sự vô cảm của con người

* Năm 2004, ông có triển lãm chung với một tác giả khác về chủ đề Phòng chống ma túy. Lại là một dạng ảnh dấn thân khác của ông. Ông có lý do gì để tự tin chọn đề tài này?

- Tôi vốn làm trong ngành đối ngoại mấy chục năm rồi mà. Chụp ảnh chủ đề này có khác gì như một tình báo đâu, cô.

* Ông có thể giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về “đường đi nước bước” của ông trong việc chụp ảnh chủ đề này được không ạ?

- Thông thường, khi để ý một nhân vật, tôi phải quan sát địa điểm họ thường xuyên đến lấy thuốc, cạ hay nhóm bạn nghiện là những ai, giờ giấc sinh hoạt hàng ngày của họ thế nào, hoàn cảnh gia đình ra sao mà dẫn đến tình cảnh nghiện hút... Nhiều nhân vật của tôi đã chết cả rồi, có những cậu bé chỉ mới 12 tuổi, có cả sinh viên, cả gia đình, cả dân nhà giàu, “đại gia”... Có những cô gái trẻ lắm, bị gia đình hắt hủi, nằm chờ chết trong công viên.

* Trong hàng đống việc đó, nghiệp vụ “tình báo” nào được ông áp dụng triệt để nhất?

- Ví dụ chụp ảnh một cô gái đi mua ma túy chẳng hạn, mục tiêu của tôi là cô gái nhưng tôi phải làm thế nào để cho cả người mua và người bán không phát hiện ra mình. Trong khi xung quanh, có rất nhiều người nhìn thấy tôi. Ấy thế mà vẫn có lần, tôi bị một người bán ma túy ném gạch về phía mình...

* Phản ứng tức thời của ông khi đó?

- Tôi đi về phía họ, cười như không và cho họ xem một cái ảnh tôi chụp cành cây đang nảy lộc cạnh đó, bức ảnh tình cảm lắm nhé. Tất nhiên là ảnh này mình phải chuẩn bị sẵn từ trước, để ngụy trang mà (cười). Tôi ngồi xuống, mua điếu thuốc, hút tự nhiên rồi hỏi han họ xem tôi có điểm gì khiến họ nghi ngờ này kia... Nếu mà là người của công an đi rình rập họ, thì chắc người ta sẽ chuồn luôn, chứ ai lại mất thì giờ và gan lỳ như tôi làm gì. Tôi nhớ mãi cái giọng cười phá lên của mụ bán hàng khi bảo tôi là: Hù ông đấy, chứ nếu tôi ném thật thì thế nào cũng trúng... Hù tôi? Hay thật đấy! (cười vui)

* Ông đã biết rất nhiều người nghiện. Ông nghĩ họ là nạn nhân hay là thủ phạm chính trong cái chết hay cảnh nghiện ngập của chính mình?

- Tôi nghĩ phần nạn nhân chiếm nhiều hơn. Thống kê từ các trại xã hội cho thấy ta đã buộc phải thừa nhận một điều: con hư là do bố mẹ hư, trong đó có hai tội hư chiếm đa số là tội dối trá trong công việc và hành xử với cuộc sống, ví dụ như lừa gạt hay tham nhũng để có tiền nhiều chẳng hạn, tội thứ hai là mất đạo đức sống, dẫn đến tình trạng ly hôn, bỏ mặc con cái. Tôi đã đến một số trại xã hội không phải một mà nhiều lần để gặp gỡ, chuyện trò với các trại viên, nên không lạ gì cái thống kê kia. Nguyên do thứ hai đẩy họ vào tệ nạn ấy là sự vô cảm của một bộ phận người có liên quan đến công việc phòng chống ma túy, HIV/AIDS. Tôi vốn hay lui đến những cơ quan đó để xin tài liệu mà, lúc đầu thì không sao nhưng về sau, họ tránh tôi như tránh “tà” ấy (cười). Có vị chức sắc hẹn tôi rồi toàn quên, gặp tình cờ trên phố, lại giở bài vội vã bận rộn, có lần tôi đốp ngay: “Thế anh nghĩ cái việc tôi nói với anh không phải là việc à?”. Nhìn rộng ra, sự vô cảm thể hiện rõ nhất trong các chương trình, phong trào phòng chống, cứ ào ào tuyên truyền cho hết đợt, cho tiện giải ngân. Ví dụ, bảo in hàng triệu tờ rơi, in hàng ngàn băng rôn, cờ phướn, mô hình, bảng hiệu..., để làm gì và để ai xem? Người nghiện và những người dễ rơi vào tình trạng nghiện hút - đối tượng của những chương trình đó, chẳng bao giờ xem tivi, nghe đài báo, đọc tờ rơi... …

Và một chút riêng tư

* Sau đợt nhập viện vì chảy máu não cuối năm ngoái, ông có một thời gian dài không đi chụp hình hàng ngày được nữa. Thời gian đó, ông có tâm sự là nằm viện rồi mới thấm thía về cái đồng tiền và thương vợ con phải lo cho mình nhiều quá... Có phải là ông đang áy náy vì từ trước giờ, ông đã dành biết bao tiền cho hàng chục ngàn mét phim, hàng chục ngàn bức ảnh về xã hội mà hiệu quả kinh tế tức thời chẳng đáng gì?

- (Cười). Áy náy thì có nhưng tiếc thì không. Phương châm chụp ảnh của tôi: tiết kiệm là hàng đầu mà. Có điều, tôi nghĩ những bức ảnh về tệ nạn ma túy hay về người bán hàng rong đó sẽ tăng nhiều giá trị về sau này, cả về mặt xã hội và lịch sử. Thế hệ sau chúng ta sẽ có những hình ảnh chân thực về một giai đoạn xã hội chuyển đổi đặc biệt để đánh giá, để suy ngẫm về đất nước, về sự tiến triển của một dân tộc. Tôi thấy hài lòng với suy nghĩ này và nói thật, nếu giờ tôi có chết, tôi cũng thấy nhẹ nhàng lắm.

* Sự dấn thân xã hội với tư cách là một nhà nhiếp ảnh như ông không có nhiều ở Việt Nam nhưng ông nói là ông không cô độc. Ông có một hậu thuẫn lớn lắm, phải không ạ?

- Vâng. Đó là một tâm niệm của tôi về bản sắc của người Việt Nam mình. Nó là cái gì vậy? Nó tồn tại thế nào sau những vùi dập, sau những va chạm với biết bao biến cố lịch sử, xã hội...

Phong Vân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm