Thoảng mùi Tết trong khói củi

22/01/2012 07:02 GMT+7

(TT&VH) - Một năm trôi qua thật nhanh. Khi giá lạnh bắt đầu ẩn mình trong gió, trời sáng sớm bắt đầu có sương mù, ngỡ như đã sáng mùng 1 Tết, tự dưng ngồi thần ra nghĩ, Tết này mình làm gì nhỉ?

Những năm gần đây cứ 27, 28 Tết, tôi lại lên đường đi tìm kiếm cành hoa mận ở vùng đất miền núi mịt mù mây trắng phía Bắc. Có lẽ, hoa là một chuyện, một phần khác là muốn dành cho mình chút thảnh thơi vào những ngày sát Tết. Giao thừa và ba ngày Tết là khoảnh khắc thiêng liêng sum vầy, ấm cúng, lúc đó người con nào dù làm việc xa ở đâu cũng trở về nơi mình được sinh ra để đoàn tụ gia đình. Và tôi hướng về Hà Nội, sang sửa nhà cửa, mua sắm thức ăn, quà biếu…

Tuổi thơ trong tôi là những ngày đẹp đẽ. Cái cảm giác về gió mùa đông bắc. Rồi trong cái se lạnh đầu mùa, tôi như thấy được hương vị của mùi củi, với riêng tôi, đó là “mùi Tết”. Xung quanh tôi lại thấy người người nhộn nhịp rửa lá dong trên những chiếc mâm đồng, tôi chạy ra chạy vào, xốn xang, hỏi han, học đòi gói bánh. Dường như cái hối thúc trong tôi là khung cảnh gia đình cùng ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, giữa nhà là một cành đào ngọc bích trang trọng, ấm áp với hương hoa mùi mà mẹ đã nấu cả nồi to.

Năm 2011, cùng với nhạc sĩ Tuệ Nguyên, nghệ sĩ piano Phó An My đã thực hiện “cuộc đối thoại giữa đương đại với cổ xưa” mới mẻ và ấn tượng trong chương trình Bóng (piano “đối thoại” với chầu văn). Năm 2012 chị sẽ tiếp tục dự án “đối thoại” này với những chất liệu âm nhạc mới

Những ngày giáp Tết, tôi thích lang thang đi chợ hoa, ngắm nghía, nhìn mọi người đi lại tấp nập. Trong cái không khí nhộn nhịp, dòng người đang đan vào nhau đó, năm nào tôi cũng được tự chọn một cành hoa đào mà tôi thích. Đến đêm Giao thừa, thời khắc mà tôi nghĩ đứa trẻ nào cũng chờ đợi, tôi cố thức đến 12 giờ, háo hức chờ để được đốt pháo, nhưng dường như hiếm có năm nào tôi thức được, cứ gần đến Giao thừa thì đã gục xuống ngủ ngoài bậc thềm. Thường thì bố để dành cho tôi một bánh pháo nhỏ để sáng sớm mùng 1 đốt sau, còn mẹ mừng tuổi tôi bằng những món quà thú vị.

Sáng mùng 1 năm nào cũng thế, vận xong bộ quần áo mới, tôi nhảy chân sáo trên con đường đỏ đầy xác pháo, tay cầm bao lì xì đầu tiên của bà ngoại, chạy ngay ra cuối đường tự mua cho mình vài băng pháo tép và một ít ô mai. Sau đó cả nhà đạp xe lên nhà ông ngoại, người lớn uống rượu chúc tụng nhau một năm mới an khang thịnh vượng, trẻ con chạy xung quanh vườn chơi đùa, rồi ra cánh đồng hái lá khúc, để ngày mùng 2 lại có bánh khúc của bà ngoại làm. Quay về nhà đã chiều, tôi lại chạy thật nhanh vào nhà trước để xông nhà. Mùng 2 Tết là ngày dành riêng cho họ hàng bên nhà bố...

Trong cái se lạnh đầu mùa, tôi như thấy được hương vị của mùi củi, với riêng tôi, đó là “mùi Tết”.

13 tuổi là thời điểm tôi biết thế nào là cái Tết đầu tiên xa nhà. Buồn, trơ trọi, như thể chỉ có một mình trên thế giới. Đêm Giao thừa, tôi tìm mọi cách gọi điện về nhà chỉ để nghe tiếng pháo và khóc. Tôi dường như không còn mấy ấn tượng với 8 cái Tết xa nhà ấy. Trước Giao thừa, “lấy giờ Việt Nam”, tôi cũng thắp hương với một chút hoa quả, điều này cũng là lấy cảm giác tự bù đắp cho mình. Những năm đầu khi tôi mới sang Đức, thực phẩm châu Á phải nói là xa xỉ với giới học sinh, sinh viên, chẳng ai có nổi một cái bánh chưng để mà nếm hương vị Tết. Về sau, ngày Tết tôi vẫn phải đi học bình thường, làm việc bình thường, chắc vì vậy mà cảm giác về “Tết không là Tết” ấy cũng không còn mấy nặng nề…

Thế mà khi về lại Việt Nam, tất cả những ký ức về ngày Tết trong tôi thuở nhỏ lại ùa về. Tôi lại tìm đến những gì ngày xưa ngày Tết mọi người hay làm, tìm lại những thói quen cũ của gia đình, tôi thích chuẩn bị mọi thứ, lại tự gói bánh chưng, lại làm mứt, lại tìm cho mình một cành đào hoặc cành mận, lại đun một nồi hoa mùi già, dọn nhà cửa sạch bong… Sau 12 giờ đêm tôi ngồi thư thái, cảm giác như mình đang được sống lại từ đầu...

Phó An My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm