Tác quyền âm nhạc năm 2010: Thu 32,5 tỷ đồng vẫn... lỗ!

23/01/2011 14:54 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Lãnh đạo của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vẫn hoan hỉ, cho dù các thống kê cho thấy: tổng số tiền bản quyền mà đơn vị này thu được trong năm 2010 vẫn không đủ để cân bằng với các chi phí mà họ bỏ ra để... đi “đòi tiền”.

1. Chính xác, khoản tiền mà VCPMC thu được trong năm 2010 là 32,561 tỷ đồng, bao gồm bản quyền từ hàng loạt đơn vị sử dụng như các đài truyền hình, phòng karaoke, dịch vụ nhạc chuông điện thoại, tổ chức biểu diễn... Mức thu này vượt qua chỉ tiêu 30 tỷ đồng mà VCPMC đặt ra đầu năm 2010, thậm chí là tăng thêm 40% so với mức thu 23 tỷ của năm 2009.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương

“Chắc chắn là chúng tôi lỗ, khoảng vài trăm triệu gì đó” - nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc trung tâm - tươi cười trao đổi cùng TT&VH. Theo lời ông, chuyện “lỗ” là dễ hiểu, bởi trong năm 2010, bộ máy VCPMC đã vận hành hết công suất và liên tục xuất hiện tại... khắp “hang cùng ngõ hẻm” trên toàn quốc, kể cả những nơi xa nhất. Tất nhiên, nội dung hoạt động chính của đơn vị đại diện cho 1.700 tác giả âm nhạc này vẫn là “giải thích và yêu cầu trả tiền sử dụng âm nhạc cho mọi loại hình kinh doanh”.

“Góp gió thành bão, ở nhiều nơi chúng tôi phải nhịn nhục vì mức giá sử dụng chấp nhận còn quá thấp” - ông Phương kể - “Chẳng hạn, tại một số xã vùng sâu vùng xa, mức giá của một phòng karaoke trả cho các tác phẩm âm nhạc của một năm là 700.000 đồng. Có nghĩa, mỗi ngày thì phòng karaoke đó trả 1.900 đồng cho gần 900 bài hát có trong danh mục sử dụng, tức khoảng 2 đồng/ngày cho mỗi bài. Vậy nhưng cũng không tự dưng số tiền này về tay tác giả của nó, mà còn phải qua hàng loạt khâu trung gian như gặp cơ quan quản lý địa phương, gặp nơi kinh doanh, giải thích, tranh luận, thương lượng...”.

Thực tế, việc chi phí hoạt động vượt quá mức tiền bản quyền thu về (sau đó chia tiếp cho các thành viên) là điều mà VCPMC đã tính đến và chấp nhận trước. Như khẳng định từ phía trung tâm, đó là cái giá cho “giai đoạn đầu” - giai đoạn tạo tâm lý cho người sử dụng quen dần với việc trả tiền bản quyền âm nhạc khi tổ chức kinh doanh. Cái đích mà VCPMC đưa ra cho năm 2011 là doanh thu 44 tỷ đồng, còn hiện tại họ vẫn có thể “bù lỗ” nhờ số tiền 8 tỷ đồng/3 năm mà một tổ chức của Na Uy tài trợ.

“Mục tiêu trước mắt của chúng tôi là không còn những địa phương “trắng” về thực thi quyền tác giả” - nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết. 

Buổi lễ tổng kết
2. Trong lễ tổng kết về năm 2010 (diễn ra vào sáng qua 22/1/2011 tại Hà Nội), phía VCPMC cũng nhìn lại những chuyện lùm xùm mang tính chất nội bộ trong hoạt động của mình. Theo đó, dù đã ủy quyền cho trung tâm trách nhiệm khai thác và bảo vệ quyền lợi của mình ở tất cả các lĩnh vực âm nhạc, nhiều tác giả vẫn hồn nhiên ký tiếp hợp đồng với các tổ chức kinh doanh khác hoặc... nhận tiền trực tiếp từ các đơn vị đang sử dụng tác phẩm của họ. “Làm vậy, các nhạc sĩ gây rối ren và tạo trở ngại lớn cho hoạt động đàm phán của trung tâm. Thậm chí, ngay trong mức giá mà họ ký kết với người khác, chúng tôi cũng có thể cung cấp những cứu liệu để các nhạc sĩ nhận thấy sự thiệt thòi của mình khi ký riêng lẻ” - ông Phương khẳng định.

Nhắc lại chuyện ầm ĩ vào tháng 8 vừa qua, khi đích thân tới Nhà hát Lớn để “tay bo” đòi tiền bản quyền trong đêm nhạc Tuấn Vũ, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng nhắc tới việc một số cơ quan văn hóa phía Bắc đã cấp phép thoải mái cho những chương trình biểu diễn chưa ký kết về bản quyền. Bên cạnh đó là chuyện một số đơn vị lớn vẫn bất hợp tác khi VCPMC đề nghị thu bản quyền, chẳng hạn có đài truyền hình trong 4 năm qua đã nhận gần 30 công văn và có 7 cuộc làm việc với trung tâm nhưng không mang lại kết quả.

“Chúng tôi luôn đau đầu khi gặp 2 hiện tượng ứng xử: hoặc ngang nhiên không chịu đàm phán, hoặc cố ý trả rẻ tới độ vô lý để không thỏa thuận được” - ông Phương than thở về những cực nhọc mà VCPMC gặp phải trong hoạt động vừa qua của mình. Xem ra, trong năm 2011, dù mức doanh thu tăng cao thì “hành trình đau khổ” của trung tâm trong việc tìm sự đồng thuận về vấn đề thu bản quyền cho âm nhạc vẫn còn tiếp tục...

Chiêu Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm