Tài năng âm nhạc truyền hình: Thiếu anh, thừa em?

05/08/2014 14:31 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(Thethaovanhoa.vn) - Chưa bao giờ các kênh truyền hình ở Việt Nam lại nở rộ nhiều chương trình truyền hình thi thố tài năng âm nhạc đến thế. Nhiều đến nỗi có người bảo rằng liệu lấy đâu cho đủ tài năng đi thi.

Nhưng có ai thèm nghĩ đến chuyện ấy. Cứ càng nhiều người xem thì các tài năng cũng chỉ là phương tiện để kiếm nhiều tiền cho chủ đầu tư mà thôi.

Thương quá “nhí” ơi  

Hãy bật ti vi vào những giờ vàng cuối tuần, hãy để ý những chương trình như Giọng hát Việt nhí, Bước nhảy Hoàn vũ nhí… để thấy rằng trẻ em đang là lực lượng kế thừa của các chương trình truyền hình thực tế. Và trước khi nhìn vào thực chất của từng cuộc thi, vào thí sinh, vào những giám khảo làm màu, hãy nhìn vào những đôi mắt của các ông bố bà mẹ, những đôi mắt long lanh và chứa đầy hy vọng. Họ bật khóc khi con mình được giữ lại chương trình, họ nức nở ôm ngực chờ xem con biểu diễn… Những hình ảnh ấy đang chứng minh, trẻ em là tương lai của THTT. Và tương lai ấy, bất chấp những quan ngại của nhiều phía, vẫn được các phụ huynh hun đúc trong giấc mơ của con mình. Khi bố mẹ và nhà sản xuất đồng lòng, chẳng có gì là không thể, kể cả tương lai con em.


Ba ca sĩ nhí của đội Lam Trường (từ trái qua): Minh Trường, Gia Phúc, Hoàng Sơn

Sự cạn vốn tài năng âm nhạc trưởng thành đã khiến cho thị trường TTHT giảm khách, chiêu trò đã mòn, tài năng ca hát có hạn nhưng chương trình vẫn phải chạy, sóng vẫn phải “vàng” mỗi cuối tuần. Trẻ em là một sự thay lấp tuyệt hảo.

Bởi có trẻ em sẽ có thêm người lớn. Và người lớn sẽ không quan tâm rằng con mình nhảy điệu vũ sexy quá mức ấy có ảnh hưởng tới tương lai của nó hay không. Tương lai của nó là sẽ được chú ý sau điệu nhảy trên nền nhạc 17+ của Rhihana. Họ cũng không quan tâm chú Hồ Hoài Anh, Lam Trường, cô Lưu Hương Giang, Cẩm Ly tại sao không trách con mình hát nhạc người lớn, họ chỉ muốn con mình được vào sâu hơn. Và các cô bé, cậu bé đang bỏ hết cả mồ hôi và tuổi thơ để luyện hát kia sẽ chẳng thể biết mình thật ra đang là nạn nhân của cuộc chơi toàn người lớn. Người lớn nhắn tin, người lớn bầu chọn, người lớn ký hợp đồng biểu diễn, người lớn cãi nhau với nhà sản xuất xem ai mới là người to nhất trong việc ký hợp đồng biểu diễn âm nhạc của con mình…

Cần nhớ lại đỉnh cao doanh thu của THTT tại Việt Nam là từ năm 2012, theo như cách nhìn nhận của các chuyên gia quảng cáo. Chỉ tính nửa năm 2012 doanh thu đã 8.800 tỉ đồng (nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường TNS) và đến 2013 con số đó còn cao hơn. Mỗi chương trình 2 tiếng của các cuộc thi âm nhạc truyền hình luôn được xé lẻ để nhồi quảng cáo, ở mức kỉ lục trung bình 25 đến 30 phút mỗi chương trình.

Tháng 10 tới, phiên bản “nhí” của chương trình Gương mặt thân quen sẽ lên sóng. Trẻ em đang là tương lai của truyền hình....

Nhạt nhòa

Các cô bé, cậu bé chưa trưởng thành xứng đáng là những nhân vật trong năm của THTT. Nhưng THTT vẫn cứ phải có chương trình người lớn, để giữ khách và để không biến màn hình ti vi mỗi cuối tuần trở thành chương trình thiếu nhi.

Điểm qua điểm lại vẫn chỉ thấy Nhân tố bí ẩn, Tôi là người chiến thắng, Ngôi sao Việt… là được nói đến nhiều nhất. Nếu như Ngôi sao Việt kết thúc khá nhàm chán thì đường tới đích của 2 chương trình còn lại cũng chưa cho thấy khả năng hấp dẫn nào cao hơn. Người ta đang nói THTT bão hòa, người ta đang nói TTHT đang bắt đầu chán, không phải vì chán chất lượng mà vì chẳng có scandal nào. Sau 10 năm THTT thâm nhập, len sâu và quen thuộc, công chúng từ lúc ăn chống đói sang ăn ngon giờ thì chỉ toàn muốn ăn món lạ.

Âm nhạc chất lượng đang thiếu vắng trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc truyền hình. Nhưng nói gì thì nói, cứ bàn mãi về Giọng hát Việt, Vietnam idol, Nhân tố bí ẩn… khi mà mỗi chương trình với format gốc cứ nhân rộng ra cả trăm quốc gia và một năm 4 mùa thay nhau nở rộ thi thố thì liệu tài năng âm nhạc và cả công chúng có phát ngán?

Chuyện mới nhất cứ nhìn vào Eurovison năm nay, sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, năm 2014 người châu Âu chẳng biết lấy ai đi thi. Hai năm trước, nước Nga gây shock khi cử một nhóm toàn các cụ bà trên 80 tham gia, nước Anh cử luôn huyền thoại 75 tuổi Engelbert Humperdick đại diện đi thi… Chưa bao giờ Eurovision có những thí sinh già đến thế và cũng chưa bao giờ các cuộc thi âm nhạc nở rộ đến thế, nhanh hơn cả các tài năng kịp ra đời.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho rằng: “Điều quan trọng nhất của mọi cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc ngày nay, không phải là có bao nhiêu tài năng được phát hiện, mà là sau các cuộc thi nhà sản xuất lời hay lỗ, nhà tài trợ được gì?”.

Còn theo bạn, nhà tài trợ được gì và âm nhạc được gì?

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm