Bê bối tình báo Mỹ lan rộng: Những lời nói dối ngọt ngào

18/06/2013 09:24 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Khi luật Bảo vệ nước Mỹ khiến việc nghe lén không cần trát tòa trở thành hợp pháp, các luật sư và các quản trị viên tại nhiều công ty lớn đã lập tức biết ngay những điều không dễ chịu sắp xảy ra với họ.

Một chuyên gia trong lĩnh vực luật an ninh quốc gia, người quen thuộc với cách thức các công ty Internet đương đầu với chính quyền trong khoảng thời gian này đã nhớ lại nhiều cuộc bàn thảo kín, trong đó giới lãnh đạo các công ty công nghệ lo lắng về việc chính quyền có thể chà đạp lên quyền công dân của người Mỹ, ép họ phải hợp tác.

Lệnh bài tối thượng

Có một điều các công ty không biết là luật Bảo vệ nước Mỹ đã giúp cho ra đời một chương trình giám sát thông tin tối mật của NSA. Tên chính thức của chương trình là US-98XN. Tên phổ biến hơn là Prism.

Dù nhiều chi tiết của chương trình chưa được làm rõ, nó hoạt động như sau: Mỗi năm, công tố viên trưởng và giám đốc tình báo quốc gia sẽ tuyên bố trong một tài liệu mật, nêu rõ các kế hoạch thu thập tin tức tình báo của chính quyền nhằm vào những người nước ngoài đang sống ở nhiều nơi trên thế giới.

Chính quyền không cần phải nêu rõ các mục tiêu hoặc địa điểm nào sẽ bị do thám. Một thẩm phán liên bang tham gia một phiên tòa mật, sẽ phê chuẩn các kế hoạch. Với “lệnh bài tối thượng” này, chính quyền có thể “ra lệnh” cho các công ty Internet phải chuyển thông tin cho họ.

Theo Mike Janke, Giám đốc điều hành công ty phần mềm bảo mật Silent Circle, bất kỳ công ty nào làm việc trong hoạt động liên lạc đều có thể bị chính quyền ghé thăm. Các cuộc ghé thăm như thế thường gây căng thẳng giữa chính quyền và ngành công nghiệp công nghệ, vốn nổi tiếng vì có quan điểm bênh vực quyền tự do dân sự.

Các công ty thường tranh cãi để giới hạn lượng dữ liệu mà chính quyền có thể lấy đi. Yahoo thậm chí còn khởi kiện ra tòa và bị xử thua trong một phiên tòa kín đáo diễn ra hồi năm 2008. Về cơ bản, cuối cùng các công ty đều phải hợp tác với chính quyền.

Thông tin về Edward Snowden và chương trình Prism do anh tiết lộ hiện đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận thế giới

Xâm phạm thông tin riêng tư

Các quan chức công nghệ không biết về sự tồn tại của Prism. Ngay cả các cựu quan chức cảnh sát và chống khủng bố đang tại nhiệm khi chương trình đi vào hoạt động cũng cho AP biết rằng họ không hay biết về sự tồn tại của nó.

Nhưng giới lãnh đạo biết rõ rằng chương trình mà NSA điều hành và bắt họ hợp tác chỉ là một hệ thống chuyển thông tin liên tục đã được tự động hóa và đơn giản hóa, dựa vào nguyên mẫu là hoạt động “Hoovering” đã diễn ra nhiều năm trước đó như ở Microsoft.

Dưới khuôn khổ Prism, hoạt động chuyển giao thông tin giữa các công ty và chính quyền diễn ra rất khác nhau. Ví dụ như Google sử dụng dịch vụ chuyển file bảo mật.

Các công ty khác dùng nhà thầu phụ hoặc lập ra cả một hệ thống hoạt động độc lập chỉ để phục vụ chính quyền. Một số còn có các giao diện thân thiện với người dùng để chính quyền tìm thông tin dễ hơn.

Khi chương trình Prism lần đầu bị phanh phui, tất cả các công ty Internet lớn đều nói rằng họ không giao cho chính quyền các thông tin liên quan tới người dùng của mình. “Chúng tôi không bao giờ tuân thủ các mệnh lệnh hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về các tài khoản cụ thể hoặc danh tính cụ thể” - Microsoft ra tuyên bố cho biết.

Facebook “dũng cảm” hơn khi tiết lộ công ty đã nhận từ 9.000 - 10.000 đề nghị cung cấp dữ liệu người dùng từ các tổ chức chính quyền trong nửa sau năm ngoái. Facebook cho biết chỉ chưa đầy 19.000 người bị chính quyền xem xét thông tin.

Có bao nhiêu trong số đó liên quan tới các vấn đề an ninh quốc gia là điều chưa được làm rõ và hiển nhiên sẽ bị đưa vào vòng bí mật. Tuy nhiên các con số đã được công bố cho thấy mỗi lần ngành tình báo yêu cầu các công ty Internet cấp tin, thông tin thường chỉ liên quan tới một hoặc hai cá nhân, thay vì rất nhiều người.

Thực tế Prism giúp giới an ninh thu hẹp và tập trung vào một dải thông tin. Nếu những người giám sát mạng phát hiện một lá thư nghi vấn trong dòng dữ liệu đổ vào Mỹ, các nhà phân tích có thể dùng thông tin do các công ty Internet cấp để tìm ra chính xác về những người có liên quan tới lá thư.

Với Prism, chính quyền có toàn bộ hòm thư điện tử của một cá nhân (ngoại quốc). Mọi lá thư trong đó, gồm liên lạc mang tính riêng tư với các công dân Mỹ, sẽ trở thành tài sản của chính quyền.

Một khi NSA có nội dung một hòm thư cá nhân, cơ quan này có thể lục lọi đủ thứ thông tin trong đó, biết về mọi cá nhân mà mục tiêu đã liên lạc. Những cá nhân này cũng có thể bị điều tra.

Đây chỉ là một ví dụ về việc thư điện tử thuộc về các công dân Mỹ bị xâm phạm ra sao.

Theo cách này, Prism giúp hợp thức hóa hoạt động tìm kiếm thông tin thuộc về công dân Mỹ, dưới lớp vỏ tìm kiếm thông tin chung chung. “Tôi sợ hãi và quan ngại về hoạt động giám sát thông tin theo thời gian thực dựa trên xương sống của Internet” - Wolf Ruzicka, Giám đốc điều hành công ty EastBanc Technologies có trụ sở ở Washington nói.

Không ai nói thật

Một vài tháng sau khi Barack Obama nắm quyền vào năm 2009, cuộc tranh luận về hoạt động giám sát thông tin lại bùng lên ở Quốc hội, bởi NSA đã đi quá giới hạn thêm một lần nữa. Những người nghe lén bị phát hiện đã sử dụng quyền lực của mình để nghe lén quá nhiều các cú điện thoại của người Mỹ, hoặc xâm nhập vào nhiều lá thư điện tử hơn mức cần thiết.

Tổng thống Barack Obama tuyên bố ông đã thực hiện những thay đổi cần thiết. “Tôi vào cuộc với những nghi ngờ lành mạnh về các chương trình giám sát đó” - ông Obama nói gần đây - “Đội ngũ của tôi đã đánh giá các chương trình. Chúng tôi đã chỉnh sửa hoàn toàn chương trình. Chúng tôi thực chất đã mở rộng một số hoạt động giám sát và tăng cường hoạt động đảm bảo”.

Và nhiều năm sau khi chỉ trích chính quyền George Bush vì triển khai chương trình giám sát thông tin, Obama lại nói rằng người Mỹ phải đưa ra các lựa chọn khó khăn để đánh đổi lấy sự an toàn. “Anh không thể có an ninh 100%, cũng như sự riêng tư 100%” - ông nói. Chính quyền Obama còn hùa theo chính quyền tiền nhiệm khi nói rằng chương trình giám sát giúp họ phá vài âm mưu khủng bố lớn.

Jason Weinstein, người gần đây mới rời khỏi đơn vị chống tội phạm mạng của Bộ Tư pháp nói rằng không ngạc nhiên khi Obama tiếp tục cho tổ chức các hoạt động nghe lén và kiểm soát thông tin. “Anh không thể kỳ vọng việc một tổng thống sẽ không sử dụng công cụ hợp pháp mà Quốc hội trao cho ông để bảo vệ đất nước” - ông nói - “Vì thế khi Quốc hội trao cho công cụ, tổng thống sẽ sử dụng nó”.

Chuyên gia an ninh Bruce Schneier thì nói rằng người ta không cần quan tâm tới việc Prism hoạt động ra sao, họ chỉ cần biết rằng chính quyền đã thu gom được mọi thông tin. Ông cũng nói rằng dư luận không cần phải nghe những lời giải thích của chính quyền và các công ty. Sau rốt, tất cả đều đang ở trên một con thuyền tình báo chung. “Mọi người đều đang chơi đùa với các con chữ” - ông nói - “Sẽ không có ai nói ra sự thật”.

Tường Linh (theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm