Nhiều câu hỏi với dự án thành phố hai bên sông Hồng

21/12/2008 07:29 GMT+7 | Thế giới

Bản đồ quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng, đoạn qua Hà Nội.

Những vấn đề liên quan đến dự án thành phố hai bờ sông Hồng cần phải được cân nhắc kỹ trước khi phê duyệt.

Đó là khuyến cáo của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại buổi hội thảo lấy ý kiến quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội, tổ chức ngày 16/12 vừa qua.

Dự án kinh doanh bất động sản?

Theo TS. Hoàn (Viện Kinh tế Việt Nam), trong đề án quy hoạch thì chủ đầu tư sẽ tự thu xếp nguồn vốn để thực hiện dự án mà không cần đến vốn ngân sách của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông, với một dự án khổng lồ như vậy (theo tính toán ban đầu là hơn 7 tỷ USD) thì chúng ta phải thận trọng về năng lực tài chính của chủ đầu tư.

Chính vì vậy, TS. Hoàn dự báo một "kịch bản" hoàn toàn có thể xảy ra, đó là sẽ có các tổ chức kinh doanh bất động sản bằng FDI nhảy vào vì họ tận dụng lợi thế được đền bù thu hồi đất với giá rẻ sau đó đầu tư một số công trình rồi bán đất hoặc xây nhà bán với giá cao hơn nhiều.

Ông Hoàn cũng lo ngại, với tổng vốn đầu tư khổng lồ của dự án thì rất có thể chủ đầu tư sẽ không đổ hết vốn vào Việt Nam mà họ chỉ bỏ một khoản ban đầu, sau đó họ sẽ bằng nhiều cách huy động vốn nội địa Việt Nam để đầu tư và bán nhà, bán đất với giá rất cao.

Tuy nhiên, theo ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thì đến thời điểm này thì dự án mới chỉ dừng lại ở khâu quy hoạch nên chưa thể nói ai sẽ là chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư chính thức là bao nhiêu.

Cũng theo ông Tuấn, chắc chắn vốn ngân sách của chúng ta không thể có đủ để thực hiện dự án lớn này nên chúng ta sẽ phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong trường hợp đó, "nếu chấp nhận cho nhà đầu tư khai thác kinh doanh cũng là một điều tất yếu, không phải là một chuyện gì quá ghê gớm hay âm mưu chiếm đoạt địa ốc gì cả".

Tái định cư có khả thi?

Dự án thành phố bên sông Hồng được bố trí dọc 2 bên bờ con sông Hồng đoạn qua Hà Nội dài 40 km từ Thượng Cát đến cảng Khuyến Lương và được chia thành 4 khu vực, trong đó, khu vực 1, từ điểm cuối dự án (Chèm) đến cầu Thăng Long; khu vực 2 từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương; khu vực 3 từ cầu Chương Dương đến gần cầu Thanh Trì; khu vực 4 từ cầu Thanh Trì đến địa điểm bắt đầu dự án (Bát Tràng), với diện tích đất khoảng 2.050 ha, trong đó khoảng 1.500 ha là phát triển đô thị. Hai bên bờ sông là hệ thống đê và đường bộ từ 2 – 8 làn xe.

Tổng vốn đầu tư dự kiến là 7,1 tỷ USD (tương đương 113.500 tỷ đồng), trong đó, xây dựng các công trình là 1,92 tỷ USD, bồi thường tái định cư là 1,564 tỷ USD. Dự án do các chuyên gia Hàn Quốc lập quy hoạch xây dựng.

Theo phân tích của các chuyên gia, hiện nay ven sông Hồng đang là nơi cư trú của 42.965 hộ gia đình với 189.600 khẩu. Theo dự án, số hộ dự kiến phải di dời là khoảng 40.000.

Theo kế hoạch, công tác di dời sẽ được thực hiện làm 3 giai đoạn, bắt đầu từ năm 2012 và đến năm 2016 sẽ di dời xong. Nếu vậy, đây sẽ là cuộc di dân tái định cư có quy mô rất lớn, với tốc độ cũng rất nhanh: bồi thường di dời hết 6 năm và di dời chỉ có 4 năm.

Trong khi đó, theo kế hoạch, nếu được phê duyệt thì một số hạng mục của dự án sẽ được khởi công ngay trong năm 2009, nhưng đến năm 2012 mới bắt đầu di dân.

Chính vì vậy, nhiều nhà khoa học đặt câu hỏi, năm 2012 mới bắt đầu di dân, thì trước đó lấy mặt bằng đâu để thi công các hạng mục công trình?

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thanh, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển nông thôn, trong dự án không hề đề cập đến việc đảm bảo cho người dân tại nơi ở mới có cuộc sống ổn định hơn, cho nên cần phải có những điều kiện cụ thể hơn để người dân không bị thiệt thòi.

Còn theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội, trong quy hoạch có đề cập đến việc cung cấp nhà cho khoảng 97.000 hộ dân nhưng chỉ với mức 10m2/người thì liệu có quá chật cho họ sinh sống?

Đáp lại những băn khoăn trên, ông Tô Anh Tuấn cho biết, trong báo cáo cũng nêu rõ vấn đề tái định cư, chủ yếu là xây dựng những khu nhà ở tại những khu được xác định là ổn định và được bảo vệ an toàn. Các cư dân ngoài bãi sẽ được tái định cư ngay trong dự án.

Còn về quỹ đất để xây dựng nhà ở, ông Tuấn cho biết, theo báo cáo thì cũng chỉ chiếm 17% đất tạo ra được trong khu vực, phần diện tích này đủ để xây dựng khu tái định cư. Trên 80% là dùng để xây dựng công viên cây xanh, cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội…

Dễ hay khó?

Dự án thành phố hai bên Sông Hồng có thể đã thuyết phục được các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý về góc độ kinh tế, cảnh quan, môi trường với những trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, khu nhà ở hiện đại…

Tuy nhiên, để có được một dự án như vậy thì cũng có rất nhiều việc không dễ gì giải quyết đối với thành phố Hà Nội.

Trước hết, để thực hiện dự án, nhà đầu tư phải tiến hành nạo vét bùn trong lòng sông để tăng diện tích mặt cắt thoát lũ với khối lượng dự kiến không phải là nhỏ, khoảng trên 20 triệu m3.

Nếu dùng bùn, đất đó để đắp đê thì không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật! Còn nếu dùng để tôn nền khu tái định cư cho hơn 39.000 hộ dân thì phải vận chuyển đi xa và cần phải có thời gian chờ khô nén.

TS. Nguyễn Hoàn cũng cho rằng, mực nước sông Hồng có 2 mùa rõ rệt, mùa khô thì sông cạn đáy nên có thể thi công nạo vét, còn mùa lũ thì nước sông rất dữ thì liệu có khả năng nạo vét được không ? Nếu dừng thi công thì kết quả nạo vét bùn, đất trong mùa khô sẽ bị bồi lấp một phần nào đó trong mùa lũ. Như vậy, chắc chắn sẽ làm tăng thêm khối lượng cũng như thời gian nạo vét, và chắc chắn cũng sẽ đẩy kinh phí lên.

Tuy nhiên, theo ông Tô Anh Tuấn, khối lượng trên 20 triệu m3 bùn, đất cũng chưa phải là một khối lượng khổng lồ, hơn nữa bùn đất ở sông Hồng chỉ chủ yếu là cát, nên có thể sử dụng vào xây dựng, đắp nền hoạch vụ đổ các gốc cây trong thành phố.

Còn theo GS. Đỗ Đình Nguyên, dự án thành phố bên sông Hồng là rất cần thiết, nếu chậm trễ thì môi trường ven sông Hồng càng suy thoái nhanh và gây thêm nhiều khó khăn cho sau nay, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến công tác chỉnh trị và giao thông thủy lợi.

Ở khía cạnh khác, dự án có đề cập tới “tăng trưởng thị trường xây dựng và tuyển dụng nhân lực xây dựng với 57.500 người” cùng thi công tại dự án. Khi đó, đây sẽ trở thành một đại công trường kéo dài trong 12 năm và nhiều khả năng còn dài hơn với nhiều điều phát sinh.

Giải quyết di dân cho 39.000 hộ đã khó, nay sẽ phải tiếp nhận gần 60.000 người về sinh sống, lập nghiệp lâu dài nhưng mang tính cục bộ trong thời gian ít nhất là 12 năm, thì không ai chắc là sẽ không có những biến động, phức tạp xã hội nảy sinh ngay tại khu vực dự án cũng như cả thành phố.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm