SEA Games 31: Chiến thắng lớn nhất là vượt qua chính mình

23/05/2022 14:45 GMT+7 | SEA Games 32

Giành được tấm huy chương tại mỗi kỳ SEA Games luôn là mục tiêu mà các VĐV hướng đến. Song, có những điều còn cao cả hơn thế khi các tuyển thủ đến với Đại hội thể thao Đông Nam Á lần này.

U23 Việt Nam khép lại kỳ SEA Games thắng lớn của Thể thao Việt Nam

U23 Việt Nam khép lại kỳ SEA Games thắng lớn của Thể thao Việt Nam

Tấm HCV môn bóng đá nam sau chiến thắng 1-0 trước U23 Thái Lan trong trận chung kết không chỉ giúp thầy trò HLV Park Hang Seo bảo vệ thành công tấm HCV mà còn là đoạn kết ngọt ngào của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 vì đây là tấm HCV thứ 205.

Thế giới thể thao luôn khốc liệt. Bạn thắng hoặc thua cuộc, không có chỗ cho điều gì ở giữa. Trong các cuộc cạnh tranh, kết quả, chiến thắng đôi khi được quyết định chỉ bằng 1/1000 giây cách biệt. “Không ai nhớ người đã về nhì”, tay đua quá cố người Ý Enzo Ferrari từng viết trong một bức thư. Chiến thắng là quan trọng.

Vượt qua chính mình

Tại các đại hội thể thao như SEA Games, tấm huy chương luôn là mục tiêu các VĐV hướng tới. Huy chương là động lực. Song, đằng sau tấm huy chương đó, điều quan trọng không kém là cơ hội để cải thiện tốt hơn nữa bản thân.

Không ít VĐV đến SEA Games 31 với mục tiêu chinh phục sự hoài nghi chính bản thân. Tuyển thủ Pencak Silat Nurul Suhaila Saiful của Singapore từng nhiều lần vô địch giải đấu trong nước, quốc tế. Nhưng tại đấu trường SEA Games, võ sĩ 27 tuổi 3 lần liên tiếp giành HCĐ. Điều đó tạo nên tâm lý tự ti cho Nurul Suhaila Saiful, khiến cô hoài nghi chính mình.

Hôm 16/5, tại nhà thi đấu Bắc Từ Liêm (Hà Nội), sau khi đánh bại đối thủ Siti Shazwana Ajak của Malaysia để giành HCV, Nurul Suhaila Saiful đã thốt lên rằng: “Quá nhiều năm nghi ngờ bản thân vì mãi giành HCĐ là điều rất khó khăn đối với tôi. Tôi đã xa gia đình rất nhiều trong chặng đường sự nghiệp của mình. Vì vậy, lần này, tôi muốn làm cho bố mẹ tôi tự hào và chứng minh cho họ thấy rằng khoảng thời gian trôi qua là xứng đáng, đó là thời gian để tôi trưởng thành, trở thành VĐV giỏi nhất mà tôi có thể trở thành”.

Có rất nhiều câu chuyện giống như câu chuyện của Suhaila trong số các VĐV tham dự SEA Games 31. Hành trình của họ khác nhau, nhưng câu chuyện của họ được ràng buộc bởi một sợi dây chung: Quyết tâm, sức mạnh, sự kiên trì và hy sinh. Họ trải qua hàng giờ trong phòng tập, xa gia đình, gác lại tất cả với mục tiêu lớn nhất: Kết thúc SEA Games với thành tích vượt qua kết quả của chính họ trước đó.

“Tôi bơi để xem mình có thể giỏi như thế nào. Tôi bơi vì tôi thực sự thích những gì mà môn bơi dạy cho tôi… Bạn chỉ đơn giản muốn bản thân mình tốt hơn chính mình của ngày hôm qua”, kình ngư nổi tiếng Joseph Schooling (Singapore) thổ lộ.

Chú thích ảnh
Với các VĐV tham dự SEA Games, chiến thắng lớn nhất là chiến thắng chính mình.
Ảnh: TTXVN

Không chỉ vì bản thân

Cũng có những VĐV chiến đấu không chỉ vì bản thân họ mà vì những mục tiêu cao cả hơn.

Giống như Jasmine Goh, 42 tuổi, tranh tài tại SEA Games 31 để truyền đi thông điệp: Tuổi tác chỉ là con số. “Tôi có thể sử dụng câu chuyện của mình để truyền cảm hứng cho mọi người khao khát ước mơ thể thao. Tôi không muốn họ nghĩ rằng họ không có cơ hội chỉ vì đã 42 tuổi”, Goh nói. Chứng kiến phong độ hiện nay của Jasmine Goh, không ai nghĩ rằng sự nghiệp chạy bộ của mẹ đơn thân có 2 cô con gái nhỏ này lại bắt đầu khá muộn. Cuộc chạy marathon đầu tiên trong đời của Jasmine Goh diễn ra khi cô đã 32 tuổi. Tại SEA Games 31, Goh về thứ năm trong cuộc thi marathon nữ.

Một hình ảnh đọng lại nhiều cảm xúc ở SEA Games 31 này là cảnh VĐV Fong Kay Yian, 25 tuổi, kiên quyết trở lại tập luyện chỉ vài phút sau khi gây thất vọng ở một nội dung thuộc môn lặn. Ngày hôm sau, nỗ lực của Fong được đền đáp. Cô giành huy HCĐ.

Đã tham gia thi đấu trong năm kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á, Fong đã giành được huy chương với đủ màu sắc khác nhau. Nhưng Fong nói, sự nỗ lực của cô không phải vì giành thêm huy chương cho bản thân mà là vì những người khác, bao gồm cả HLV của cô.

Đối với võ sĩ quyền Anh Nazri Sutari, SEA Games là một cột mốc quan trọng trong hành trình thực hiện ước mơ trở thành VĐV xuất sắc nhất thế giới. Ước mơ đó chỉ được hình thành khi Nazri Sutari nhận được tình cảm từ những người ủng hộ và niềm tin của họ vào anh. “Họ đã cho tôi sức mạnh để tiếp tục và tôi phải chiến đấu để tôn vinh niềm tin và sự ủng hộ họ dành cho tôi”, Nazri Sutari nói.

Chỉ nhìn vào huy chương đôi khi sẽ biến VĐV thành những “công cụ săn giải thưởng” đơn thuần. Sự kiên cường, khí phách, niềm đam mê - đó là những gì quan trọng. Đó là những gì chúng ta nên ăn mừng, dù có huy chương hay không.

Khánh Đan (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm