Rap Việt - cần cá tính nhưng phải phù hợp

13/06/2023 18:00 GMT+7 | Giải trí

Rap Việt mùa 3 - 2023 đang là gameshow giải trí âm nhạc thu hút sự chú ý từ công chúng của nhạc Việt thời gian này. Tính tới hôm qua 12/6, đã có 3 tập Rap Việt mùa 3 công chiếu trên kênh YouTube có 10,4 triệu lượt đăng ký của nhà sản xuất và đều đạt những con số ấn tượng.

Theo đó, Rap Việt mùa 3- Tập 1 công chiếu ngày 27/5 đạthơn 10 triệu lượt xem, 139 nghìn lượt thích, gần 16 nghìn bình luận, đứng #7 trên tab Thịnh hành. Rap Việt mùa 3- Tập 2 công chiếu ngày 3/6 đạt 6,6 triệu lượt xem, 82 nghìn lượt thích và #1 trên tab Thịnh hành. Rap Việt mùa 3- Tập3 vừa công chiếu 10/6, sau một ngày, đạt 4,1 triệu lượt xem,59 nghìn lượt thích,gần 4,7 nghìn bình luận, đứng #2 trên tab Thịnh hành.

Bên cạnh sự hưởng ứng, cũng có những thông tin thể hiện sự băn khoăn về các nội dung liên quan đến gameshow âm nhạc đình đám này. Và bài viết này chúng tôi sẽ nói rộng hơn khuôn khổ một gameshow.

Ngôn từ

Rap Việt mùa 3 - 2023 sau khi tập đầu tiên phát sóng suôn sẻ, tạo được sự hưởng ứng từ khán giả, được báo chí truyền thông nhắc đến nhiều. Mọi việc đang thuận lợi thì tập thứ 2, ngay sau khi phát sóng đã gặp phải phản ứng gay gắt từ khán giả và công luận. Tâm điểm là màn trình diễn của thí sinh Dubbie (diễn viên Lê Hữu Khương),thuộc đội của Huấn luyện viên Andree Right Hand, có những câu từ được cho là không đúng chuẩn mực.

Nhạc Việt ngày nay: Rap Việt - cần cá tính nhưng phải phù hợp - Ảnh 1.

Trấn Thành tiếp tục đảm nhiệm vai trò MC tại “Rap Việt mùa 3 - 2023”

Cụ thể, Dubbie thể hiện bài rap mang tên Đóng băng trên nền bản nhạc gốc Mình cùng nhau đóng băng (của Tiên Cookie) có ca từ được cho là không liên quan đến nội dung chung của bài, sử dụng cụm từ không chuẩn xác, từ nhạy cảm… Đoạn ca từ nhận nhiều chỉ trích là: "Trời vừa sập tối anh xả vai/ đi lượn vòng thành phố nhìn girl xinh lên đồ…"; "Các em lại phát thêm rồ/ phải ngoan thì mới được phát thêm đồ".

Việc sử dụng từ "đồ" cũng hàm chứa nguy cơ không ổn. Nhiều ý kiến cho rằng nó hướng người nghe tới việc hiểu nghĩa của từ "đồ" không còn đơn thuần chỉ trang phục, đồ dùng, mà đã là một từ rất nhạy cảm, là tiếng lóng của giới trẻ dùng để nhắc đến chất kích thích bị cấm.

Điều này không thể trách người nghe, tác giả cũng rất khó thanh minh về ý nghĩa bởi tiếng Việt vốn phong phú, một từ có thể có nhiều nghĩa. Với rap cũng vậy, câu từ cũng có nguyên tắc, việc gieo vần hay sử dụng từ kiểu như đồng âm khác nghĩa cũng là những kỹ thuật viết lời cơ bản rapper nào cũng thành thục.

Cho nên, điều duy nhất rút ra từ trường hợp này là một bài học kinh nghiệm để không lặp lại - nếu người trong cuộc muốn đi con đường dàimột cách chính thống.

Tất nhiên, Rap Việt mùa 3- Tập 2 còn có nhiều tiết mục ấn tượng. Nhưng dường như, một sơ suất không đáng có đã làm cho những phần khác của tập này không còn được chú ý. Đó cũng là một bài học cho những nhà sản xuất chương trình.

Trong các tiêu chí của chương trình, nhà sản xuất cũng đã đưa ra một số quy định về việc cấm sử dụng những từ nhạy cảm, thô lỗ, không phù hợp với văn hóa của người Việt, thậm chí còn nêu thẳng những từ cụ thể không được sử dụng.

Rap có những đặc trưng riêng,khuyến khích rapper thể hiện cá tính mạnh mẽ. Rap còn có tính đối kháng, hai rapper có thể thi thố hoặc thách đấu nhau ở một nội dung nào đó. Nhưng đó là rap ở phương Tây. Nếu "bê" nguyên về, nó sẽ không chỉ không phù hợp với văn hóa Việt mà còn cả với một số nước châu Á.

Trong khi ở Việt Nam, rap vẫn tồn tại từ lâu như là một mạch ngầm chảy âm ỉ trong cộng đồng các bạn trẻ yêu rap. Ngay thời điểm đầu, rap Việt đã tiếp nhận những đặc trưng từ nước ngoài. Khi đưa một thể loại từ Underground ra và "đẩy" lên thành một dòng nhạc có vị thế tương đương với những dòng nhạc chính thức khác,nhà tổ chức phải tính đến hết những điểm thuận và không thuận.

Nhạc Việt ngày nay: Rap Việt - cần cá tính nhưng phải phù hợp - Ảnh 2.

Nữ thí sinh lớp 11 có nghệ danh Cadmium xuất hiện ở “Rap Việt”, trong trang phục áo dài cổ phục nền nã, dịu dàng

Từ rap, nghĩ nhiều hơn

Không phải đến Rap Việt mùa 3 - Tập hai mới có Đóng băng hứng chịu làn sóng chỉ trích. Trước đó, cũng có một vài bài rap sử dụng ngôn từ, ý nghĩa không phù hợp. Rõ ràngkhông phải cứ thích gì viết nấy. Hơn nữa mỗi một bài khi ra đời luôn còn phải vượt qua một hội đồng nghệ thuật với sự giám sát chặt chẽ, đó chính là công chúng,

Trong khi đó, tiếng Việt rất phong phú. Đôi khi cùng một từ, đặt ở ngữ cảnh này thì phù hợp đặt ở ngữ cảnh khác lại trở nên thô lỗ; ví dụ từ "thằng" trong ca khúc Bạn tôi thì phù hợp nhưng sử dụng ở ca khúc khác thì lại không. Cộng thêm vào đó, khái niệm về thuần phong mỹ tục dù luôn song song tồn tại cùng đời sống nhưng lại khá mơ hồ. Để tránh được cả việc dùng câu từ cũng như vi phạm thuần phong mỹ tục, chỉ có con đường duy nhất: Nghệ sĩ phải tự học hỏi, không ngừng trau dồi kiến thức từ trường lớp, kho tàng tri thức và trong dân gian cũng như thực tiễn cuộc sống.

Cũng có một vài trường hợp rất đáng để tham khảo, chẳng hạn như Đen Vâu với các sản phẩm luôn mang những giá trị tích cực hướng tới cộng đồng. Hoặc, một vài tác phẩm khai thác kho tàng thơ ca, văn học dân gian dân tộc chẳng hạn như Nam quốc sơn hà hay Chọn bạn mà chơi… Đương nhiên còn nhiều bài khác về nhiều chủ đề khác nhau, chất liệu âm nhạc khác nhau, mang những giá trị tích cực mà người viết không thể kể hết ra đây.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP (Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, chính thức ban hành ngày 14/12/2020) có thể coi là rất cởi mở cho hoạt động phát hành sản phẩm âm nhạc. Theo đó, tổ chức, cá nhân được chủ động phát hành. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc họ tự chịu trách nhiệm về sản phẩm, thậm chí khi có vấn đề thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước các quy định và trước pháp luật.

Cho nên, để cống hiến được những điều tốt đẹp cho xã hội, người nghệ sĩ nói chung, rapper nói riêng bên cạnh việc trau dồi kiến thức âm nhạc, văn hóa cũng cần biết và đi đúng "đường ray" của các quy định, nghị định liên quan đến hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Trong khi, nhà tổ chức cũng cần cẩn thận trong việc tổ chức sản xuất và phát sóng nhằm tránh lọt những "rác" âm nhạc gây tác động không tốt cho xã hội, nhất là giới trẻ.

"Trên thực tế, làm rap ở ta là khó. Khó hơn nhiều so với các chương trình game show âm nhạc giải trí khác nên những người tổ chức, nhà sản xuất phải vất vả hơn. Họ phải cân đối hài hòa giữa cá tính của rapper với chất lượng chương trình. Để thực hiện điều này,ê-kíp phải làm việc căng hơn, cẩn thận hơn" - nhà phê bình âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long.

Điểm: Không cho điểm

Nguyễn Quang Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm