'Quê nhà' của một võ sư

31/10/2023 19:28 GMT+7 | Văn hoá

Triển lãm Quê nhà của họa sĩ - võ sư Hắc Long đang diễn ra tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền (Hà Nội) và sẽ kéo dài đến hết ngày 2/11 tới. Nhân dịp này, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu cùng độc giả bài viết của họa sĩ Đỗ Đức về triển lãm.

1. Lần này là lần thứ 3 tranh của họa sĩ Nguyễn Xuân Long, nghệ danh là Hắc Long, ra mắt công chúng Thủ đô. Triển lãm với nội dung gắn quanh 2 chữ Quê nhà.

Quê nhà là câu chuyện quê hương. Nơi ấy có những người dân quê, sự vất vả hiện ra trên từng ngón chân, gương mặt. Ngón chân bám trên đất tòe ra chỉ 4 phương 8 hướng. Còn gương mặt thì đầy nắng gió, gợn mùi bão táp mưa sa!

'Quê nhà' của một võ sư - Ảnh 1.

Họa sĩ Hắc Long

Quê nhà còn có hội, có múa, có vật, có quây quần bên ngọn đèn dầu với cả  bầu tâm sự. Quê nhà có đền đình miếu mạo, để con người có chỗ đặt niềm tin vào đấng thần linh. Quê nhà có tuổi thơ, những đứa trẻ hồn nhiên với những cảm xúc ngây thơ trong veo tình bè bạn. Có những bà mẹ ăn trầu ngồi lặng bên nhau hằng đêm với tình đời nước mắt chảy xuôi.

Quê nhà của ông không có gì huyền bí, toàn những diện mạo mà ai cũng biết, cũng thấy.

Đến với Quê nhà, tôi phát hiện tranh của ông có sự mới mẻ trong cái giản dị bất ngờ. Những khối những mảng đầy ắp, vuông - tròn - méo - dài, phong phú như cuộc sống và con người miền quê. Cái hay của ông chính là sự vuông vức, đầy ắp, no nê tình quê trong những khối đồ sộ. Một góc nhìn khác biệt tạo ra một không gian hình hài khác biệt.

Qua nhiều năm làm nghề tôi đã nhận ra: Vấn đề không phải vẽ gì mà là vẽ thế nào trong hội họa. Giá trị và thành công của tác phẩm không phải đề tài mà là thể hiện đề tài thế nào, nghĩa là vẽ thế nào để bộc lộ hết nội hàm đề tài đó. Còn đề tài ư, đó là cuộc sống hiện ra hàng ngày với muôn màu, muôn dạng, đập vào mắt vào cảm nhận với bất cứ ai, đâu cứ chỉ riêng nghệ sĩ. Nhưng nghệ sĩ phải nhìn ra chiều sâu trong đó!

'Quê nhà' của một võ sư - Ảnh 2.

Một tác phẩm tại triển lãm “Quê nhà”

2. Tôi thích tranh Hắc Long ở những gam màu dịu ngọt, những khối hình khái quát chắc nịch. Ông không bị nệ vào hiện thực để bị lôi kéo vào ghi chép nhàm chán. Những hình xô lệch trong tranh Vật chỉ cốt cho thấy 2 đô vật đang thả sức tìm miếng đánh. Hình họa méo mó trong cảnh 2 bà mẹ ngồi tâm sự để cho người xem đọc ra sự vất vả thăng trầm trong cuộc sống - mà gian nan ấy hiện ra ở từ ngón chân ngón tay và gương mặt đầy ưu tư, được diễn tả bất cần thực mà chỉ cốt lôi bằng được cái cảm nhận cho người xem.

Mấy đứa trẻ thơ đứng với nhau, trên đầu là dải màu hồng với đàn chim bay qua như những câu chuyện cổ tích đang hiện lên hồn hậu trong lúc chúng hồn nhiên chơi đùa. Rồi đây đó, người đàn bà lặng lẽ bên mâm lễ với sự ưu tư thành kính trộn lẫn nỗi lo toan bất tận. Ba màu đen, đỏ,vàng mờ ảo lẩn vào nhau trong khói hương thần thánh càng cho không khí thêm u uẩn. Một đám cưới người Dao với gam màu rực rỡ hạnh phúc, những chân dung ngộ nghĩnh, mắt mở to nhìn thẳng căng vào cuộc đời, hoặc 1 cái đầu với 2, 3 mặt theo 3 hướng với sắc đỏ giận dữ, sắc trắng thách thức, sắc xanh sợ sệt... Tranh của ông thuộc dòng biểu hiện gửi gắm rất nhiều tâm sự không hề dễ với người xem thông thường.

'Quê nhà' của một võ sư - Ảnh 3.

Tôi đọc lại dòng tự sự của ông: "Với tôi, con đường nghệ thuật là phương tiện thiện xảo để tu thân, là năng lượng tưới tắm cho tâm hồn rộng mở và nguồn mỹ cảm sâu xa từ trong tâm thức, là hành trang để tự tại bước trên lộ trình đến với cái đẹp".

Qua phòng tranh này, tôi càng thấy rõ điều đó và  đọc được nó trên tranh. Ông đã thể hiện rất tốt ý tưởng của mình.

Đây là phòng tranh có nhiều điều đáng để  ghi nhận: Lối nhìn hiện đại, khái quát cao, tinh thần Á Đông đầy ắp trong các bố cục, đề tài dân dã gần với bất cứ ai. Có cả sự hài hước trong cách nhìn cuộc sống, nhưng khéo thay đã chắt lọc vừa đủ. Nó thâm trầm để lại dư âm cho người xem.

3. Nguyễn Xuân Long- nghệ danh Hắc Long- có pháp danh Thích Thiện Thiền, học võ công phái Thiếu Lâm và theo Phật giáo.Ông tu tại gia, có lớp truyền dạy võ mấy chục năm nay. Khi biết vậy, thì tôi hiểu cặn kẽ hơn sáng tác của Long.

Nói đến võ, để đi một bài quyền bao nhiêu thế võ, bao nhiêu động tác, người học phải chú tâm trọn vẹn. Đấy là khi học. Còn khi ứng dụng, mỗi cá thể sẽ có những sáng tạo khác nhau theo nội công và thói quen của mình. Vẽ tranh cũng vậy. Đem chuyện này ví sang tranh, thực tế trong nhiều triển lãmcó những tranhkhá toàn vẹn nhưng chỉ như thuộc bài, lại có tranh tác giả vẽ như bài quyền đang đi dở.  Điều đó chỉ có thể lý giải hoặc là bỏ dở mà không biết, hoặc nội lực chỉ có thế.

'Quê nhà' của một võ sư - Ảnh 5.

Xem tranh Hắc Long, ta thấy sự chu đáo trong từng bức. Tôi nhận ra lời tự sự của ông với sáng tác nghệ thuật có sự liên đới chặt chẽ như trong võ thuật và kết hợp với giáo lý nhà Phật: "Tất cả gắn quyện với nhau, tạo nănglượng tưới tắm cho tâm hồn rộng mở và nguồn mỹ cảm sâu xa trong tâm thức...".

Quê nhà của một võ sư rất thông tuệ!

Họa sĩ Hắc Long (Nguyễn Xuân Long) sinh năm 1966, hiện sống và hoạt động nghệ thuật tại Thái Nguyên. Triển lãm Quê nhà của ông diễn ra từ 25/10 đến hết ngày 2/11.

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm