Quảng Ninh: Nhiều giải pháp cấp bách bảo tồn hòn Trống Mái trên Vịnh Hạ Long

31/08/2023 08:00 GMT+7 | Tin tức 24h

Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đang triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ Hòn Trống Mái, thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất tại Vịnh Hạ Long...

Mới đây, tại cuộc họp thông tin báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết: Đơn vị đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp giảm thiểu các tác động trực tiếp và giữ ổn định hòn Trống Mái trên cơ sở tuân thủ đúng các quy trình, quy định của luật pháp Việt Nam và hướng dẫn của Công ước quốc tế.

Hòn Trống Mái là một trong số nhiều hòn đá vôi trên vịnh Hạ Long, có hình dạng giống một đôi gà trống - gà mái quay đầu vào nhau. Hiện nay hòn Trống Mái tồn tại 40 khối đá (gồm 11 khối trên hòn Trống và 29 khối trên hòn Mái) có nguy cơ cao bị trượt, đổ, lở.

Chị Hằng biên tập - Bảo tồn hòn Trống Mái trên vịnh Hạ Long tuân thủ Công ước quốc tế - Ảnh 1.

Hòn Trống Mái - biểu tượng của du lịch Hạ Long, có tên gọi khác là hòn Gà Chọi. ảnh: Thanh Vân-TTXVN

Trưởng BQL vịnh Hạ Long cho biết, các hệ thống đứt gãy trong khu vực chính là nguyên nhân khách quan tất yếu của các trường hợp sạt lở, đổ lở đảo đá trên vịnh Hạ Long. 

Cụ thể các hòn bị sạt lở gồm: Hòn số 649 (bị sạt lở năm 2013), hòn Thiên Nga (năm 2016), hòn Bề Hẹn Đông (năm 2019) và hòn 365 (năm 2020). Hiện tượng này đã xảy ra rất nhiều trong quá khứ hàng triệu năm qua, đang diễn ra và sẽ còn diễn ra trong tương lai. Một số hòn điển hình, có hình dạng đặc sắc như hòn Trống Mái, Con Cóc, Chó Đá, Đầu Người… đều được tạo ra bởi chính hiện tượng trượt lở, sạt lở trên vịnh.

Tháng 11/2020, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh bổ sung nhiệm vụ "Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, vịnh Hạ Long" vào danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2021. Trên cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã phối hợp Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản triển khai nhiệm vụ này.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh mới đây đã họp Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, Vịnh Hạ Long" do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì thực hiện từ tháng 4/2022.

Quảng Ninh: Nhiều giải pháp cấp bách bảo tồn hòn Trống Mái trên Vịnh Hạ Long - Ảnh 2.

Vịnh Hạ Long nhìn từ trên cao

Sau hơn một năm triển khai, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản nghiên cứu tổng quan, thành lập cơ sở dữ liệu, xác định các yếu tố tác động và đề xuất giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, Vịnh Hạ Long. Tham gia Hội đồng có các chuyên gia thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm và Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng); các sở, ban, ngành, địa phương.

Được biết, Hội đồng đã thảo luận, đánh giá kỹ và thống nhất nghiệm thu kết quả của nhiệm vụ; trong đó, các kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ đã đáp ứng các mục tiêu đề ra: Đánh giá chi tiết hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến sự bền vững của hòn Trống Mái; tính toán xác định mức độ nhạy cảm và các kịch bản gây biến động đảo dựa trên các đặc tính về cơ lý đá, đặc điểm các khu nứt, xác định các kiểu, dạng trượt lở khác nhau từ đó tính toán ra hệ số an toàn ổn định cho các khối đơn lẻ và áp dụng với các kịch bản khác nhau của thời tiết và biến đổi khí hậu.

Đồng thời, đề xuất các giải pháp bảo vệ hòn Trống Mái theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp tự nhiên của hòn Trống Mái, được chia thành 2 nhóm: Nhóm giải pháp về xã hội: Rà soát các hoạt động của tàu, thuyền có hoạt động tại khu vực hòn Trống Mái trong phạm vi 800 m; hạn chế tốc độ lưu thông của tàu, thuyền, cano chạy qua khu vực hòn Trống Mái dưới 10 km/h trong phạm vi bán kính 200m; thả phao neo cảnh báo khoảng cách bảo vệ hòn Trống Mái.

Quảng Ninh: Nhiều giải pháp cấp bách bảo tồn hòn Trống Mái trên Vịnh Hạ Long - Ảnh 3.

Nhóm giải pháp về kỹ thuật gồm: Gia cố, ổn định các khối đá có nguy cơ trượt lở, đổ lở bằng phương pháp khoan neo; xây cột, tường bê tông làm giá đỡ các khối đá bị mất chân, có nguy cơ đổ lở cao; phun vữa bê tông nhằm hàn gắn, hạn chế mức độ ăn mòn và mở rộng các hệ thống khe nứt; phun vẩy vữa bê tông có pha trộn các vật liệu chống ăn mòn và chống mặn ở chân hòn Trống Mái nhằm giảm thiểu mức độ ăn mòn chân đảo.

Hội đồng thống nhất đề nghị Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản hoàn thiện và bàn giao sản phẩm cho Sở Văn hóa và Thể thao và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long để sớm báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh cho thực hiện các giải pháp bảo vệ hòn Trống Mái; cung cấp đầy đủ, chính xác số liệu từ kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ này và phối hợp chặt chẽ trong quá trình lập, triển khai dự án bảo tồn hòn Trống Mái đặc biệt là khâu thiết kế, biện pháp thi công đảm bảo an toàn cho các khối đơn lẻ trong quá trình thi công bảo vệ hòn Trống Mái.

Vịnh Hạ Long đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) hai lần công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới nhờ giá trị nổi bật toàn cầu về thẩm mỹ năm 1994 và giá trị địa chất - địa mạo năm 2000. Khu vực được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới có diện tích 434km2, gồm 775 hòn đảo đá vôi lớn nhỏ - đây là một trong những yếu tố gốc cấu thành nên giá trị di sản, được quản lý, bảo tồn theo Luật Di sản Văn hóa, Luật Bảo vệ môi trường, Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Quy chế Quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Để có một Di sản Thiên nhiên Thế giới như ngày nay, vịnh Hạ Long đã trải qua lịch sử địa chất gần 400 triệu năm với quá trình tích tụ tầng đá vôi dày, nhiều lần sụt chìm và bị xâm thực bởi nước biển.

Minh Anh

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm