Quảng Ninh: Hội thảo khoa học đề nghị xếp hạng Thương cảng Vân Đồn

24/09/2022 20:00 GMT+7 | Tin tức 24h

Tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức hội thảo khoa học để lấy ý kiến xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn trở thành Di tích quốc gia đặc biệt.

Hà Nội: Công nhận điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương

Hà Nội: Công nhận điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương

UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2475/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, địa chỉ xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất.

Sáng ngày 24/9, tại huyện Vân Đồn, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy quần thể di tích thương cảng Vân Đồn”. Tham dự Hội thảo có đồng chí Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; Tiến sĩ Tống Trung Tín – Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội ; Đồng chí Cao Tường Huy – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Đồn, Lãnh đạo Sở Văn Hóa và thể thao, đồng chí Trương Mạnh Hùng – Bí thư Huyện ủy, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Đồn cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về di sản văn hóa, khảo cổ học của Việt Nam.

Hội thảo nhằm đánh giá toàn diện về vị trí, vai trò, quy mô, ý nghĩa, giá trị của quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn qua các thời kỳ lịch sử; bổ sung căn cứ khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Chú thích ảnh
 Bức tranh phác hoạ bến Cái Làng thuộc thương cảng Vân Đồn. Ảnh: Tư liệu

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá giá trị toàn diện của quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn (về cảnh quan và môi trường, lịch sử, giao thương hàng hải, giao lưu kinh tế, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, các vấn đề liên quan đến con đường giao thương hàng hải, kinh tế biển, quân sự...) để xác định các tiềm năng phát triển của địa phương gắn với các giá trị di sản, góp phần phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội địa phương nói chung; nghiên cứu, xác định phạm vi không gian di tích.

Hội thảo nhận được hơn 30 bài viết tham luận của nhóm chuyên gia quốc tế (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ); của cơ quan nghiên cứu T.Ư, các chuyên gia, nhà khoa học và địa phương.

Chú thích ảnh
Thương cảng Vân Đồn từ xưa đến nay luôn là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng. Ảnh: P.V

Ông Cao Tường Huy – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Đồn - hoan nghênh và đánh giá cao những nghiên cứu khoa học, những sáng kiến đề xuất của các nhà khoa học, những chuyên gia về lĩnh vực về di sản văn hóa, khảo cổ học của Việt Nam. Kết quả chuyên môn của Hội thảo sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa tiêu biểu của Quảng Ninh - vùng đất “địa linh, nhân kiệt” và thương cảng quốc tế Vân Đồn - một trung tâm kinh tế, đối ngoại quan trọng hàng đầu của đất nước.

Các ý kiến, tham luận sẽ tiếp tục làm sáng tỏ những luận cứ khoa học, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản; rút ra những tri thức, kinh nghiệm quý cho công tác quy hoạch, xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển và phát huy được các tiềm năng sẵn có, định hướng phát triển của Quảng Ninh gắn với các giá trị di sản. Đồng thời, đưa Khu kinh tế Vân Đồn - một trong hai mũi đột phá của Quảng Ninh, sớm trở thành Khu kinh tế tri thức có trình độ khoa học và công nghệ cao, một đô thị biển thông minh, xanh, sạch đẹp.

Chú thích ảnh

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, nhận định là một thương cảng lớn, hoạt động liên tục, Vân Đồn có vai trò kinh tế, chính trị hết sức quan trọng với sự nghiệp phát triển, thiết lập và mở rộng các mối quan hệ, bang giao của quốc gia Đại Việt. Cùng với hệ thống cảng biển, thương cảng Vân Đồn còn có sự kết nối chặt chẽ với các bến, cảng đảo ven bờ, các cảng vùng cửa sông với vùng Vạn Ninh, Móng Cái, Quảng Yên, Cát Bà và các làng nghề truyền thống như: nghề đóng thuyền, nghề dệt, chế tác gốm sứ, ngọc trai, làm nón, chế biến thủy hải sản... cùng nhiều ngành, nghề thủ công khác trải dọc vùng duyên hải và tập trung ở châu thổ sông Hồng. Thương cảng Vân Đồn trở thành địa bàn có vị trí chiến lược không chỉ với vùng Đông Bắc mà còn là trọng trấn bảo đảm an ninh cho kinh đô Thăng Long và đất nước.

Còn theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, các phương án quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn phải được đặt trong tầm nhìn và chủ trương phát huy giá trị di tích để từ đó xây dựng luận cứ khoa học, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn văn hóa, đồng thời rút ra những tri thức, kinh nghiệm quý cho công tác quy hoạch, xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển, đặc biệt là chủ trương phát triển kinh tế biển xanh mà Quảng Ninh đang thực hiện và định hướng phát triển cảng biển Vân Đồn trong giai đoạn tới.

Kết quả từ Hội thảo lần này sẽ góp phần quan trọng vào công tác quy hoạch, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đồng thời chuẩn bị những luận cứ khoa học cho việc kiến tạo các hành lang phát triển mới, tổ chức lại các không gian phát triển, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm