Quân đội Nga sắm vũ khí … cao su

26/08/2010 12:58 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Trang tin Russia Today cho biết quân đội Nga vừa đặt mua một loạt mô hình máy bay, xe tăng và tên lửa làm bằng cao su có thể bơm hơi, với chi phí khoảng 3.000 USD/chiếc. Giới chức quân đội đánh giá các "đồ chơi" mới này sẽ giúp quân đội Nga có khả năng đánh lừa đối phương nếu xảy ra xung đột trong tương lai.

Đạo quân bơm hơi

Russia Today hôm 25/8 dẫn lời ông Alexander Talanov, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Khoa học của RusBal, công ty sản xuất các loại mô hình vũ khí hạng nặng bơm hơi bằng cao su, nói rằng Bộ Quốc phòng Nga đã đặt mua các hệ thống tên lửa S-300 bơm hơi.

RusBal không tiết lộ số lượng vũ khí mô hình được đặt mua do đây là bí mật quân sự. Song công ty tiết lộ rằng hàng sẽ được chuyển giao cho quân đội từ cuối năm nay.


Những chiếc máy bay này tạo cảm giác về một sân bay quân sự được trang bị tốt
Theo Kênh truyền hình 1 của Nga, quân đội đã bắt đầu việc sản xuất và mua mô hình vũ khí hạng nặng từ 3 năm nay. Ban đầu, các món đồ giả này được làm từ gỗ dán, cao su hoặc nhựa. Nhưng ngoài việc nặng nề, chúng có nhược điểm lớn là trông không thật. Các nhà thiết kế liền nghĩ tới ý tưởng sử dụng mô hình bơm hơi giống như khí cầu. Và từ đó, các mô hình trông đã rất giống đồ thật.

RusBal cho biết các mô hình này có kích thước và đặc điểm tương đương với hàng xịn. "Trong tình huống ngoài đời, phần tháp pháo của một chiếc xe tăng có thể hơi lệch về trái hoặc phải và mô hình của chúng tôi sẽ thể hiện tất cả các đặc điểm đó. Nó cũng có bình xăng phụ giống xe thật" - Yury Stepanov, kỹ sư trưởng tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học của RusBal dẫn ví dụ minh chứng. Ông cho biết quân đội có thể lắp đặt các mô hình để chúng trông như đang di chuyển hoặc ở vị trí tấn công khi bị máy bay và vệ tinh do thám theo dõi. Trên mặt đất, việc phân biệt hàng bơm hơi với hàng thật bằng mắt thường là rất khó khăn, ngay cả khi đối phương đứng cách mô hình bơm hơn chỉ 100m. Ngoài ra theo ông Talanov, sản phẩm của RusBal còn được trang bị nhiều tính năng tiên tiến để đánh lừa đối phương. "Chúng có thể tái tạo sóng rađa, tín hiệu nhiệt và hồng ngoại tương tự với các vũ khí thật phát ra" - ông nói.

Thời gian để triển khai các mô hình này không hề lâu. RusBal quảng bá rằng việc bơm hơi và dựng mô hình xe tăng T-90, máy bay Su-27 mất chừng 4 phút. Trong khi đó việc dựng mô hình các hệ thống tên lửa S-300 mất chừng 5 phút.  Để tăng độ thật của mô hình, quân đội Nga đã có kế hoạch triển khai các nhóm binh lính làm nhiệm vụ quanh những mô hình này. Họ sẽ là những người trực tiếp dựng mô hình bên cạnh việc tiến hành các hoạt động sửa chữa và huấn luyện chiến đấu giả.


Dù thực tế chúng chỉ là vũ khí bơm hơi
Ý tưởng không mới nhưng hiệu quả

Được biết Nga không phải nước đầu tiên nghĩ tới ý tưởng đưa vào trang bị vũ khí hạng nặng bơm hơi, dù việc này nghe thật điên rồ. Mô hình, bù nhìn, đồ ngụy trang đã được sử dụng trong suốt lịch sử chiến tranh như một phần của hoạt động nghi binh quân sự. Trong Thế chiến hai, quân Đồng minh từng tổ chức một chiến dịch mang tên “Fortitude South”, trong đó họ dùng các mô hình vũ khí bằng cao su bơm hơi để tạo hình ảnh giả về một đạo quân lớn đang được tập trung ở vùng Kent. Dưới sự ngụy trang hoàn hảo của quân Đồng minh, cộng với sự yếu thế về do thám trên không và do thám mặt đất của quân Đức, Fortitude South đã là một trong những chiến dịch nghi binh thành công nhất trong lịch sử chiến tranh. Đây cũng là chiến dịch hết sức quan trọng, khiến người Đức phải lo tập trung một lực lượng chống đỡ ở lớn Pas-de-Calais, thay vì tăng quân tại Normandy, qua đó giúp mang lại thành công cho cuộc đổ bộ lịch sử của quân Đồng minh.  

Cũng trong Thế chiến 2, ảo thuật gia người Anh Jasper Maskylne, đã tạo nên các mô hình tàu ngầm và xe tăng giả để đánh lừa quân đội dưới trướng tướng Đức Erwin Rommel. Gần đây, trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh, Saddam Hussein đã triển khai nhiều máy bay phản lực và tên lửa Scud dỏm khiến liên quân không đạt được mục tiêu đánh tiêu hao lực lượng của Iraq.

Việc mua sắm vũ khí hạng nặng bơm hơi của Nga diễn ra trong bối cảnh nước này đang tích cực nâng cấp 75% kho vũ khí vào năm 2020. Về lâu dài, Nga còn có kế hoạch tạo "bản sao" cho mọi thiết bị quân sự của họ. Tuy nhiên không phải ai cũng ủng hộ ý tưởng này của quân đội. "Thiết bị quân sự bơm hơi hiệu quả nhất trong các tình huống xung đột, khi hình thành nhu cầu đánh lừa đối phương" - tờ Komsomolskaya Pravda bình luận - "Nhưng trong thời bình, việc đánh lừa các mạng lưới tình báo nước ngoài bằng những món đồ chơi đắt giá này sẽ gây nên một câu hỏi lớn về một sự lãng phí xa xỉ".

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm