Ông Dương Nghiệp Khôi: “Tôi không hề chịu nhiều áp lực của dư luận”

14/09/2011 12:10 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Sau cuộc họp tổng kết giải V-League 2011, ông Dương Nghiệp Khôi, trưởng BTC giải VĐQG, giải hạng Nhất QG và Cúp QG đã phải đối mặt với rất nhiều lời chỉ trích, phê bình từ dư luận. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Khôi cho biết không hề chịu nhiều áp lực từ sau cuộc họp tổng kết cũng như dư luận báo chí. Ông nói: “Tôi ý thức được trách nhiệm của mình khi ngồi ở ghế trưởng BTC giải. Tôi đã làm hết khả năng của mình, đóng góp vào việc đưa các giải đấu về đích an toàn. Còn chuyện người ta đánh giá như thế nào là quyền của họ”.

Ông Dương Nghiệp Khôi cho rằng mùa giải 2011 đã về đích an toàn. Ảnh: VSI

* Ông nhận xét gì về mùa giải V-League vừa qua. Những điểm gì đã làm được và những điểm gì chưa làm được?

- Năm 2011 là năm đầu tiên chính thức có 14 CLB chuyên nghiệp tham gia giải bóng đá VĐQG (V-League) và cũng là năm đầu tiên V-League chính thức lên chuyên nghiệp. Đây là bước tiến dài của bóng đá VN. Bước vào giải đấu năm vừa rồi, chúng tôi hiểu phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều để điều hành giải.

Nhìn lại mùa giải vừa qua, chúng tôi nhận thấy có những ưu điểm, cũng như những vấn đề còn tồn tại. Điều đầu tiên có thể thấy là chưa có mùa giải nào quyết liệt kịch tính như mùa giải 2011, phải đến vòng đấu cuối cùng mới xác định được đội vô địch, xếp thứ hai, thứ ba. Các CLB xuống hạng cũng được xác định ở vòng đấu cuối cùng. Ở giải hạng Nhất QG, ngoài sự vươn lên của SG.XT, thì những nỗ lực của SQC.BĐ, K.Kiên Giang để lên hạng hay việc Nam Định, H.Huế rớt hạng cũng chỉ được xác định ở vòng đấu cuối.

BTC các địa phương cũng đảm bảo công tác an ninh trật tự trong suốt các trận đấu ở V-League, giải hạng Nhất QG và Cúp QG, hầu như không xảy ra sự cố mất an ninh - an toàn như những mùa bóng trước. Điều đó thể hiện sự nỗ lực của các BTC địa phương, lực lượng an ninh, cũng như lãnh đạo Sở VH-TT&DL ở các tỉnh.

Bên cạnh đó, còn có sự đóng góp của đội ngũ trọng tài. Trong số 364 trận đấu của V-League, giải hạng Nhất QG, 25 trận đấu của Cúp QG thì có 6 trận đấu trọng tài có sai sót. Với tỉ lệ 6/364 trận đấu trọng tài có lỗi, cho thấy sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ trọng tài trong mùa giải vừa qua.

Bên cạnh những ưu điểm đấy, chúng tôi cũng nhìn ra những bất cập còn tồn tại ở mùa giải vừa qua. Do tính quyết liệt của giải đấu nên vẫn còn tình trạng các cầu thủ thi đấu bạo lực, các HLV có những phát biểu không hay, ảnh hưởng đến hình ảnh của VFF, BTC giải. Thứ hai là công tác trọng tài. Trong số 6 trận đấu trọng tài có lỗi, có 2 trận mà trọng tài đã mắc sai sót nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến cục diện bảng xếp hạng trong trận V.Hải Phòng-HP.HN và trận B.BD-V.Hải Phòng và nó lại trùng hợp có lợi cho một CLB trong 2 trận đấu đó. Chúng tôi đã nhìn ra vấn đề và làm ngay văn bản gửi VFF yêu cầu đình chỉ nhiệm vụ ngay lập tức 2 trọng tài Trần Công Trọng, Nguyễn Văn Quyết trong những trận tiếp theo của mùa giải và đề nghị VFF không cho tiếp tục làm nhiệm vụ trong những năm tới. 

Điểm tồn tại thứ ba là số lượng khán giả đến sân xem trực tiếp các trận đấu có giảm hơn so với mùa trước. Sự suy giảm này có những nguyên nhân như cơ sở vật chất, sân bãi của nhiều CLB còn hạn chế. Việc xây dựng hội CĐV của các CLB bóng đá chuyên nghiệp cũng cần được các đội quan tâm cho những mùa bóng tiếp theo.

Vấn đề còn tồn tại của mùa bóng năm nay là có một số trận đấu các CLB khi giành được số điểm cần thiết đã không thi đấu đúng thực lực, điển hình là trận Thanh Hóa - SLNA trên sân Thanh Hóa. Rõ ràng, các CLB cần xây dựng tính chuyên nghiệp cao hơn ở các mùa bóng sau, thi đấu hết mình, đúng thực lực, cống hiến cho khán giả các trận cầu hay, có chất lượng.

* Ông có nói đến sự đóng góp của các CLB vào sự thành công của mùa giải. Vậy theo ông, mùa giải vừa qua, các CLB còn tồn tại những bất cập gì?

- Các CLB có bộ máy điều hành chưa tốt, có CLB chỉ có một nhân viên đảm trách nhiều vị trí. Họ cũng cần phải có các bộ phận, y hệt như một Liên đoàn thu nhỏ để điều hành CLB. Bất cập nữa là hiện nay hầu hết các CLB đều không có sân, phải đi thuê nên không chủ động trong việc trang bị cơ sở vật chất, điều kiện sân bãi. Chúng tôi muốn các CLB chú ý hơn đến cơ sở vật chất ở mùa bóng sau, làm sao để khán giả khi đến sân như là dịp họ đi nghỉ cuối tuần. Sự phát triển của bóng đá luôn luôn song hành với sự phát triển của xã hội.

* Để xây dựng mùa giải V-League 2012 hấp dẫn, cạnh tranh, quyết liệt, theo ông VFF cần làm gì?

- Trước hết, VFF cần có hướng đi phù hợp với bóng đá VN, cần có sự đồng thuận của các CLB. Thứ hai, VFF cần có 3 bộ phận điều hành trực tiếp giải đấu, đó là BTC giải, ban Kỷ luật và ban Trọng tài. Ban Trọng tài sắp tới sẽ được được thành lập theo quy định của FIFA. Nếu như các năm trước đây, trưởng BTC giải vừa làm công tác điều hành giải, vừa thi hành kỷ luật và phân công trọng tài, thì mùa bóng sau điều này sẽ thay đổi. Một người được nắm quyền lực lớn trong mùa giải sẽ dễ nảy sinh nhiều chuyện tự làm khó họ, nhất là trong điều kiện hiện nay. Nhưng nếu tách ra thì công việc sẽ rõ hơn. Năm vừa qua, các ban này cũng tương đối độc lập so với các năm trước.

* Để xây dựng nền bóng đá VN chuyên nghiệp nói chung và V-League nói riêng, cần có sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?

- Để xây dựng bóng đá chuyên nghiệp VN nói chung và V-League nói riêng thì sự đóng góp của các doanh nghiệp (DN) là hết sức quan trọng, bởi nếu không có sự đóng góp của DN thì không thể có bóng đá chuyên nghiệp. Ngay trong Luật Thể thao VN đã nói rõ: CLB bóng đá chuyên nghiệp phải là doanh nghiệp. Ngoài sự đóng góp của các DN, cần nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, cá nhân, đặc biệt là sự quan tâm và ủng hộ của người hâm mộ đến bóng đá. Chính sự quan tâm của người hâm mộ mới có thể kéo DN đến bóng đá bởi bóng đá mang tính xã hội rất cao. Do vậy, muốn thành công trong mọi lĩnh vực cần sự đóng góp đồng bộ của nhiều tổ chức, tập thể.

* Năm 2012, AVG cung cấp bản quyền truyền hình miễn phí. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Điều đó là hết sức tốt bởi bóng đá sẽ có cơ hội được phổ cập đến người dân một cách rộng rãi hơn. Điều này cũng thể hiện việc phối hợp tốt giữa AVG và VFF. Chuyện này không có gì mới, ở các nước tiên tiến họ đã làm từ lâu. Vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá do một Công ty đứng ra phụ trách và phân phối cho các đài truyền hình. Tôi hy vọng điều này sẽ duy trì trong thời gian dài vì sẽ giúp quá trình quảng bá hình ảnh bóng đá VN đến công chúng tốt hơn.

* Xin cảm ơn ông về buổi trao đổi này!

Lâm Sơn (thực hiện)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm