Hai phim Việt ra rạp ngày 12/7: Tre già nhưng măng chưa mọc

13/07/2013 07:07 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Thật tình cờ, Cát nóng của Lê Hoàng và Săn đàn ông của Võ Quốc Thành - Khánh Ly cùng công chiếu ngày 12/7, khiến người xem phải so sánh. Bởi dù muốn hay không thì đây cũng là câu chuyện của hai thế hệ, một mới bước vào nghề, một đã dần dà đi đến tuổi “xế chiều”.

Dù chưa có chủ trương làm phim cho mùa Hè, nhưng từ đầu tháng 6 đến nay đã có nhiều phim Việt ra rạp, đó là một bất ngờ. Càng bất ngờ hơn khi Săn đàn ông gần như im hơn lặng tiếng đến sát ngày công chiếu. Thế nhưng, vẫn còn đây một nỗi buồn, đó là chưa có phim nào “ra tấm ra món”, chứ đừng nói làm nên chuyện.

Phim luận đề

Tính chất giáo điều, luận đề cứng nhắc đã thể hiện khá rõ trong hai phim này. Nếu Cát nóng là chuyện trả thù của thiên nhiên trước sự tàn phá, hủy diệt của con người, thì Săn đàn ông là chuyện “kén cá chọn canh” của ba phụ nữ có địa vị, trong khi người trăm năm ở ngay bên cạnh mình. Tất nhiên, với thông điệp như thế này thì trên thế giới người ta đã làm vô số phim thành công, nhiều phim đã trở thành kinh điển và tân kinh điển.

Cảnh trong phim Cát nóng

Lê Hoàng đã quá duy ý chí hoặc tự tin khi diễn đạt thông điệp này bằng kết cấu câu chuyện khá đơn giản, có tính mặc nhiên đúng, mà thiếu đường dây hợp lý. Được cho là dựa theo kịch bản của nhà biên kịch kỳ cựu Phạm Thùy Nhân, nhưng thực chất đạo diễn đã viết lại hoàn toàn, chỉ giữ bối cảnh và vài tình tiết.

Ông Phạm Thùy Nhân từng yêu cầu rút tên, dù kịch bản đã được Bộ VH,TT&DL duyệt và cấp kinh phí sản xuất. Để cứu vãn tình hình, ông Nguyễn Thái Hòa (GĐ Hãng phim Giải Phóng) phải làm một chứng nhận rằng hai kịch bản này không giống nhau, dù cùng có tên Cát nóng và Phạm Thùy Nhân.

Ngay sau khi xem phim tại LHP Quốc tế Hà Nội 2012, NSND Đoàn Dũng đã nhận xét: “Lối kể chuyện của Cát nóng thiếu mạch lạc, đưa người xem vào mê hồn trận không biết đâu mà lần. Có những chi tiết khiến người xem không hiểu câu chuyện, chỉ lờ mờ đoán nội dung, còn có những chi tiết thì quá rườm rà, không cần thiết”.

“Mô-típ của phim về sự mâu thuẫn giữa một bên là cuộc sống hiện đại và một bên là sự hoang sơ toàn vẹn đã được nhiều đạo diễn chọn. Nhưng trong phim này, rõ ràng đạo diễn đã không trung thành với ý tưởng của câu chuyện, có nhiều cảnh phản cảm”, NSND Thế Anh nhận xét. Cả hai ý kiến này được nhiều báo dẫn lại.

Đạo diễn Võ Quốc Thành từng phát biểu tại cuộc họp báo rằng anh muốn làm “một bài ca tình cảm nhẹ nhàng, vui tươi nhằm đem lại tiếng cười sảng khoái và ý nhị cho người xem”. Thế nhưng, vì quá tham kể, thành ra phim mất phương hướng, việc tạo tình huống và xây dựng nhân vật bị gượng ép, quá kịch.


Poster của Săn đàn ông

Hai thế hệ làm phim

Võ Quốc Thành - Khánh Ly là hai cái tên mới toanh của làng điện ảnh, đây là phim điện ảnh đầu tay của họ. Dẫu biết rằng con đường nghệ thuật là rất dài, lúc này lúc kia, nhưng cuộc trình làng này chưa cho thấy triển vọng gì.

Trong vô số yếu kém của Săn đàn ông, yếu nhất vẫn là cách chọn nhạc ô hợp, nó thiếu nhịp điệu, thiếu chủ đề. Bên cạnh đó là cách thu âm trực tiếp, họ chưa đủ kinh nghiệm để tách kênh tiếng chính phụ, nên nhiều cảnh ầm ĩ mà thoại vẫn không rõ ràng, khó biểu cảm. Các nhân vật chính đều được tô vẽ thân phận cho đầy đặn, nhưng lại thiếu một biến cố chủ đạo để người xem thấy có lý.

Lê Hoàng là một đạo diễn đã tự nhận “thế hệ tôi đã già rồi, rất cần sự tiếp nối”. So với Tối nay, 8 giờ gần đây của ông, thì Cát nóng cứng nhắc và già hơn thấy rõ. Cũng làm về những ứng xử của giới trẻ trong đời sống đương đại, nhưng câu chuyện trong Cát nóng nặng tính giáo điều, có lẽ do phim được đặt hàng? Về hình ảnh và âm thanh cũng thua xa Tối nay, 8 giờ, có lẽ do đầu tư hay ê-kíp kỹ thuật?

Tại LHP quốc tế Hà Nội 2012, Lê Hoàng từng khẳng định: “Bộ phim được quay bằng máy quay truyền hình, nhưng đó lại là một bộ phim nhựa. (…). Là phim nhựa hay không là do cái đầu”. Ngày nay giới làm phim không còn tranh luận về chất liệu, dù thực tế cho thấy phim video chẳng thể “điện ảnh” như phim nhựa. Điều này cũng trả lời tại sao hình ảnh trong Tối nay, 8 giờ đẹp hơn, vì nó được quay bằng máy kỹ thuật số chuyên dụng và hiện đại hơn.

Dù như vậy, nhưng đây chỉ là hai phim dở và ngây ngô thôi, chứ nói thảm họa thì hơi quá, bởi các đạo diễn đã có nỗ lực để làm phim đàng hoàng. Riêng với những khán giả dễ dãi, chỉ xem phim để giải trí hoặc giết thời gian, thì vẫn có thể đến rạp được.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm