Phim 'Người mặt trời': Tất cả đều tốt, trừ kịch bản

14/12/2023 09:25 GMT+7 | Giải trí

Như nhiều phim của đạo diễn Việt kiều, tác phẩm Người mặt trời của Timothy Linh Bùi khó có thể chê về mặt sản xuất, kỹ thuật. Nhưng kịch bản, lời thoại vẫn là điểm yếu cố hữu khiến bộ phim dù đã nỗ lực đặt câu chuyện có mô-típ cũ vào bối cảnh mới, ít thấy trên màn ảnh Việt Nam - thế giới ma cà rồng - thì vẫn chưa chinh phục người xem.

Trước khi Người mặt trời ra rạp, phim được chờ đợi vì đánh dấu sự trở lại của Chi Pu tại thị trường nghệ thuật Việt Nam sau thời gian vắng bóng và xuất ngoại thành công ở Trung Quốc. Nam chính của phim là Thuận Nguyễn cũng đang được chú ý sau thành công trăm tỷ của phim Người vợ cuối cùng.

"Nịnh" mắt, "đã" tai

Phim xây dựng bối cảnh loài người và ma cà rồng chung sống với nhau. Trong đó ma cà rồng chia thành 2 phe, một bên sống theo bản năng khát máu, đại diện là Triệu (Chi Pu thủ vai) - nữ vương loài ma cà rồng và Macro (Thuận Nguyễn); bên còn lại cố gắng học cách kiềm chế sự khát máu, điển hình là Nhật (Trần Ngọc Vàng) - em trai Macro.

Phim 'Người mặt trời': Tất cả đều tốt, trừ kịch bản - Ảnh 1.

Phim “Người mặt trời” mới ghi điểm được ở phần nhìn

Kịch tính bắt đầu khi sự tồn tại của loài ma cà rồng trong xã hội bị một cô gái (Hạ) phát hiện. Lo sợ bị diệt vong, Triệu và Macro truy lùng Hạ, trong khi Nhật cố gắng bảo vệ tính mạng cô gái. Mối quan hệ anh em giữa Macro và Nhật vốn đã rạn nứt từ trong quá khứ bởi cái chết của người mẹ, giờ đây thêm căng thẳng vì Hạ.

Phim 'Người mặt trời': Tất cả đều tốt, trừ kịch bản - Ảnh 2.

Hóa trang, tạo hình khá tốt

Phim có phần thị giác gây ấn tượng. Dàn diễn viên vào vai ma cà rồng như Chi Pu, Thuận Nguyễn, Trần Ngọc Vàng sở hữu ngoại hình sáng. Bối cảnh căn biệt thự của Macro, những nhà thuyền được sắp đặt công phu, khắc họa được thế giới trú ẩn tối tăm của loài sinh vật sợ sáng. Khoản tạo hình các sinh vật ma cà rồng làm toát lên được vẻ đẹp đáng sợ của chúng với làn da trắng, cặp mắt đỏ ngầu, răng nanh dài.

Phim 'Người mặt trời': Tất cả đều tốt, trừ kịch bản - Ảnh 3.

Khó có thể chê về mặt sản xuất, kỹ thuật dàn dựng

Phim cũng ghi điểm ở khâu kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo chân thật, đẹp mắt. Đặc biệt hiệu ứng hình ảnh ở những phân cảnh ma cà rồng hóa thành tro dưới ánh nắng mặt trời, xác chết bị phân hủy sau khi ma cà rồng hút máu không bị "giả trân" như kỹ xảo nhiều phim Việt khác. Các cảnh hành động được phân bố hợp lý, không quay ăn gian góc máy, phô diễn được nội lực ra đòn của người đánh. Những màn rượt đuổi nhau trên đường phố cũng thuyết phục.

Phim 'Người mặt trời': Tất cả đều tốt, trừ kịch bản - Ảnh 4.

Chi Pu chỉ lột tả được vẻ ngoài quyền lực, chứ chưa thể hiện được nội tâm

Sau tuần mở màn (khởi chiếu từ ngày 8/12), phim mới thu về hơn 4,3 tỷ đồng. Đây là một khởi đầu khá chậm chạp, nhưng không nằm ngoài dự đoán, vì hình tượng ma cà rồng còn khá xa lạ với số đông khán giả Việt.

Nội dung và diễn viên "lạc trôi"

Không thể phủ nhận Người mặt trời là một bộ phim được làm chỉn chu với tâm huyết đem đến một chủ đề ma cà rồng mới mẻ (dù cũ người nhưng mới ta). Chỉ tiếc câu chuyện phim chưa thuyết phục người xem, vì kịch bản còn nhiều lỗ hổng, diễn viên truyền tải chưa đủ cảm xúc.

Một ví dụ về sự bất hợp lý: Vốn quy định đặc điểm ma cà rồng là không hiện hình trong gương, nên không khó để bị phát hiện, nhưng trong phim thì Triệu và Macro công khai ăn uống hẹn hò giữa chốn đông người, để rồi tự do thực hiện hành vi khát máu tại bữa tiệc.

Diễn tiến tình cảm giữa Nhật và Hạ không được khắc họa đủ sâu để người xem cảm thấy hợp lý khi cả 2 quyết sống chết bên nhau, bảo vệ nhau trong khi mới trước đó không lâu, Hạ còn rất ghét Nhật.

Tuyến tình cảm anh em Macro - Nhật gây ấn tượng hơn, nhưng chủ yếu nhờ diễn xuất ăn ý của Thuận Nguyễn và Trần Ngọc Vàng, chứ không phải nhờ kịch bản hợp lý. Quá khứ và mâu thuẫn lúc xưa của 2 anh em được diễn giải rời rạc do cách dựng phim hơi rối.

Phim 'Người mặt trời': Tất cả đều tốt, trừ kịch bản - Ảnh 6.

Trần Ngọc Vàng (phải) và Thuận Nguyễn diễn xuất mới mức tròn vai

Phần gây tò mò nhất với người xem là quá trình sinh sống trên thuyền của các ma cà rồng "ăn chay" chưa được miêu tả đậm nét. Ngoài lý do thời lượng dành cho phần này ít, còn do giọng thoại, cách kể chuyện của người phụ nữ trên thuyền khá "kịch".

Thoại cũng là yếu điểm lớn nhất của phim Người mặt trời. Lời thoại thiếu tự nhiên do đạo diễn Timothy Linh Bùi vốn không giỏi tiếng Việt. Thêm vào đó, đài từ, cách nhả thoại của các diễn viên Chi Pu, Thuận Nguyễn, Trần Ngọc Vàng không tốt, nên không làm bật lên cảm xúc nhân vật.

Chi Pu vẫn chưa cho thấy diễn xuất tiến bộ như nhiều người mong đợi. Phân cảnh đắt nhất của nhân vật Triệu là lúc cô tâm sự về quá khứ chịu nhiều tổn thương, lẽ ra khiến người xem thương cảm, nhưng diễn xuất lẫn giọng nói của người đẹp làm khán giả trôi tuột cảm xúc. Trần Ngọc Vàng cũng vậy, nhưng bù lại anh diễn tròn vai hơn, thể hiện được nội tâm nhân vật. Thuận Nguyễn có được một vai diễn với tâm lý phức tạp hơn so với vai Nhân trong phim Người vợ cuối cùng, nhưng tiếc là anh chưa có được sự bứt phá trong diễn xuất. Chỉ ở mức tròn vai, chứ không bùng nổ, dù Macro là nhân vật hay.

Công bằng nhìn nhận, Người mặt trời là một bộ phim tốt ở mọi thứ… bề nổi, còn cái bên trong, cốt lõi là nội dung, thông điệp, lại chưa chạm đến người xem. Điện ảnh Việt Nam đành ngóng chờ một bộ phim khác của đạo diễn Timothy Linh Bùi vậy, với câu chuyện gần gũi, giàu sức "chạm" hơn nữa. 

Dương Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm