Pháp tôn vinh nghệ sĩ còn sống vĩ đại nhất nước

01/06/2014 07:42 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm 30/5, thành phố Rodez ở miền Nam nước Pháp đã khai trương bảo tàng Musee Soulages, công trình tôn vinh Pierre Soulages, nghệ sĩ còn sống nổi tiếng nhất bậc của Pháp.

Như vậy, bảo tàng Musee Soulages ở Rodez, nơi Soulages cất tiếng khóc chào đời, đã trở thành địa điểm lưu giữ bộ sưu tập nghệ thuật lớn nhất của ông, với khoảng 500 tác phẩm (trị giá 95 triệu USD) do chính ông ủng hộ.

Do công ty kiến trúc RCR thiết kế, bảo tàng có diện tích 6.000m2, tốn kém khoảng 30 triệu USD, được xây dựng bằng những ống thép màu đen, bên ngoài là những phiến kim loại màu rỉ sét.

Tại cuộc họp báo nhân khai trương bảo tàng, Thị trưởng thành phố Rodez là Christian Teyssedre hy vọng tên tuổi Soulages sẽ giúp lôi kéo du khách tới thành phố hiện có 58.000 người dân này.

Đốt tranh khi thấy không ưng ý

Ở tuổi vị thành niên, Soulages bắt đầu bị hút vào nghệ thuật thời tiền sử, đặc biệt là những bức khắc trên đá 3.000 năm tuổi ở khu vực Aveyron quê hương ông.

Sắp tròn 95 tuổi vào tháng 12 tới đây song Soulages vẫn chưa hề nghĩ tới việc ngừng sáng tạo nghệ thuật. Ông tiếp tục nên nhiều tác phẩm mới trong studio của mình ở Paris hoặc Sete, thành phố của Pháp nằm trên vùng biển Địa Trung Hải.

Và dù đã cao tuổi, Soulages vẫn giữ nguyên sự kỹ tính khi lao động, giống hệt thời trẻ. Mỗi khi vẽ một tác phẩm nào không ưng ý, ông lại cuộn tranh, mang ra góc vườn và đốt.

“Tôi vẽ trong lúc khủng hoảng. Đôi khi nó có hiệu quả, nhưng đôi khi lại không thành công. Nếu ta biết rõ được chính xác mình sẽ làm gì trước khi bắt tay làm việc, ta sẽ không phải nghệ sĩ nữa mà chỉ là anh thợ thủ công” – Soulages chia sẻ.

Soulages được mệnh danh là “bậc thầy của màu đen”, bởi đây là màu sắc cơ bản trong các bức tranh trừu tượng của ông, một “yếu tố tương phản” với các màu sắc khác. Tuy nhiên từ năm 1979, ông bắt đầu sử dụng màu sắc khác hơn, tạo nên phong cách mà ông gọi là “outrenoir” (vượt khỏi màu đen).

“Một hôm, tôi vẽ tranh khi đang giận dữ. Tôi biết làm việc với trạng thái như vậy rất không hay, song vẫn tiếp tục trong khoảng 2-3 tiếng. Tôi nghĩ mình sẽ cảm thấy mạnh mẽ hơn, nếu tiếp tục làm việc. Cuối cùng, tôi đi ngủ và vài tiếng sau khi nhìn lại những gì mình đã vẽ, tôi nhận ra rằng mình không muốn dùng màu đen làm màu chủ đạo trong tranh nữa. Tôi muốn dùng ánh sáng để thể hiện bề mặt của màu đen” – Soulages kể về quá trình tạo ra phong cách mới.


Khó giải thích trước danh tiếng bản thân

Các bức tranh, bản khắc và bản in thạch được Soulages sáng tạo trước và trong thời kỳ “outrenoir” đã được trưng bày khắp thế giới. Năm 2001, ông trở thành nghệ sĩ đương đại đầu tiên có tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Hermitage ở St. Petersburg (Nga). Tương tự, bộ sưu tập của Bảo tàng Tate ở London có 3-4 tác phẩm của ông và Bảo tàng Guggenheim ở New York có 2 tác phẩm.

Ở New York hiện đang triển lãm các tác phẩm thời hậu chiến của Soulages, được mượn từ nhiều bảo tàng và các nhà sưu tầm tư nhân, cùng 14 bức tranh “outrenoir” được ông sáng tác vào năm 2012-2013. Triển lãm diễn ra cùng thời điểm D.A.P. phát hành cuốn sách Soulages in America, qua đó khảo sát di sản phong phú, nhưng bị lãng quên của ông ở Mỹ

Trong những năm 1950 và 1960, khi Soulages được nhà buôn huyền thoại New York Samuel M. Kootz giới thiệu, tác phẩm của ông đã được đánh giá sánh ngang với tranh của các nghệ sĩ thuộc trường phái ấn tượng nổi tiếng như Mark Rothko, Willem de Kooning, Milton Resnick và Robert Motherwell.

Và từ rất sớm, trước khi Soulages làm nên tên tuổi ở Pháp, các bảo tàng ở Mỹ đã mua tranh của ông. Trong những năm 1950 và 1960, thời kỳ Soulages gắn kết với thế giới nghệ thuật hiện đại Mỹ thông qua nhà buôn Kootz, một nửa tác phẩm của ông đã được các thiết chế hay nhà sưu tầm ở Mỹ tìm mua, gồm có Nelson A. Rockefeller và một số nhà làm phim như Alfred Hitchcock, Billy Wilder, Otto Preminger. Song khi phòng trưng bày của Kootz đóng cửa vào năm 1966, Soulages bất ngờ rút lui khỏi khung cảnh nghệ thuật Mỹ.

Soulages nói rằng nhiều khi ông thấy khó giải thích trước danh tiếng mình có được. “Danh tiếng làm cho tôi ngớ ngẩn. Nhiều người đã khóc khi họ xem tranh của tôi. Tôi chỉ có thể giải thích rằng, nhiều khả năng màu sắc trong các bức tranh của tôi đã thể hiện được điều gì đó rất cơ bản, nhân văn và trường tồn" - ông chia sẻ.

Soulages hiện là nghệ sĩ còn sống thành công nhất ở Pháp. Kể từ năm 2003 đến nay, hoạt động đấu giá tranh của ông đã tăng hơn 500%. Các bức tranh được ông vẽ trong những năm 1950-1960 đều có giá 1-4 triệu USD. Triển lãm tranh của ông tại Trung tâm Pompidou hồi năm 2009 thu hút được hơn 500.000 khách tham quan, hiện vẫn là triển lãm lớn nhất của một nghệ sĩ còn sống tại bảo tàng này.


Việt Lâm (tổng hợp)

Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm