Sao phải vô địch SEA Games bằng mọi giá?

16/05/2015 05:22 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu để ý sẽ thấy có một bất ngờ khi thông tin Kiatisuk cùng LĐBĐ Thái Lan quyết định để “Zico Thái” tập trung hết tâm sức cho vòng loại World Cup 2018 đã không tác động đáng kể đến những nhà đang quản lý, điều hành nền bóng đá nước nhà đã đành, mà một bộ phận lớn dư luận cũng không mấy quan tâm hay có so sánh giữa 2 nền bóng đá.

Điều này đặt ra câu hỏi: không chỉ lãnh đạo VFF, phải chăng người hâm mộ nước ta vẫn chỉ say sưa thái quá với ngôi vô địch SEA Games? Chỉ mục tiêu vô địch SEA Games mới thỏa mãn được khát vọng, niềm đam mê cổ vũ. Và chính cơn khát đó đã và đang đẩy các thế hệ cầu thủ, các nhiệm kỳ VFF luôn trong trạng thái căng cứng với áp lực vô địch SEA Games, với AFF Cup. Chính vì thế nên việc lập chiến lược phát triển nền thể thao, trong đó có bóng đá, vẫn còn tư duy nhiệm kỳ, thiếu tính kế thừa, bền vững, chỉ làm sao chiếm lĩnh thành tích nhất thời?

Thực tế đang chứng minh điều đó. Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) dự SEA Games cũng vậy. Vẫn chỉ mơ ước làm sao giành bảng tổng sắp huy chương Top 3, vốn đã làm được quá nhiều lần, để chứng minh là nền TTVN vẫn đang phát triển ổn định.

Và bóng đá, quá nhiều đời HLV, cả ngoại lẫn nội, quá nhiều thời gian, chúng ta vẫn chưa xây dựng nên một cốt cách, phong cách, bản sắc, triết lý chơi bóng…rõ ràng.

Thực trạng tư duy đi tắt đón đầu, đầu tư dàn trải để đạt thành tích nhất thời, đã và đang tồn tại sâu đậm với  nền thể thao nước nhà, từ vĩ mô cho đến các địa phương.

Chúng tôi kể một câu chuyện thế này. Có một số Mạnh Thường Quân thấy chương trình Chung sức cùng TTVN chinh phục ASIAN Games, ASIAN Para Games 2014 của Báo Thể thao & Văn hóa là rất tốt, muốn tài trợ cho TTVN tại SEA Games này. Nhưng, họ băn khoăn là tài trợ không thể xuể khi số huy chương nhiều một cách quá khủng khiếp.Và tại sao bóng đá vẫn được các doanh nghiệp ưu tiên đến thế. Họ nói thẳng vẫn chịu áp lực nặng nề với cán bộ nhân viên, nên không dồn tiền đầu tư tài trợ cho bóng đá như đa số các doanh nghiệp.

Câu hỏi tại sao bóng đá…. Quá dễ dàng giải thích: vì tài trợ cho bóng đá hiệu ứng làm hình ảnh doanh nghiệp cao hơn.

Chúng tôi tham mưu: Nếu tài trợ, thì trong gói kinh phí đó ngoài cho bóng đá, lúc này, nên ưu tiên san sẻ cho các riêng các tấm huy chương thuộc các môn Olympic mà thôi. Bởi, TTVN chỉ phát triển vượt giới hạn, khi các môn thể thao Olympic được đầu tư tốt hơn, được cọ xát môi trường đỉnh cao, được tiếp xúc sâu rộng với công nghệ, phương pháp huấn luyện tiên tiến. Còn các môn mang tính chất “vui vẻ”, thì đầu tư kiểu khác.

Trở lại câu chuyện bóng đá, U23 Việt Namvô địch SEA Games là quá tốt, nhưng nó chẳng thấm gì so với việc từ năm 1975 đến nay, Thái Lan đã 14 lần vô địch thế mà vẫn còn loay hoay với trình độ khu vực. Tất cả hào quang chỉ là quá vãng, và dễ suy luận vô địch chỉ củng cố ghế cho ai đó, nếu như sau thành công không tận dụng được cảm hứng để đưa nền bóng đá phát triển. Đấy là thực tế đáng buồn  thời kỳ hậu vô địch AFF Cup 2008, nền bóng đá chúng ta đã đi xuống trầm trọng, với nhiều biến cố không vui vẻ ai cũng đã rõ.

Nếu có một “Hội nghị Diên Hồng bóng đá”  làm sao để vô địch SEA Games, làm sao đưa nền bóng đá ta cất cánh, e rằng sẽ không đi về đâu khi số đông dư luận vẫn lẫn lộn về mục tiêu, về khát vọng, mà giờ đây cơn cuồng say phải vô địch SEA Games vẫn đang hành hạ chúng ta khi chỉ mấy ngày nữa là bóng lăn.

Tại sao phải có tư tưởng vô địch SEA Games (và TTVN phải nằm Top 3) bằng mọi giá, nếu không coi như thất bại? Không thành công về thành tích nhưng tinh thần tốt, VĐV đã cống hiến hết mình, không gây nghi ngờ về tư tưởng như nhiều lần bóng đá nam thì không vô địch, cũng là tốt!

Muốn ngành thể thao, VFF thay đổi tư duy, trước hết khán giả và dư luận cũng phải hạn chế được được căn bệnh “tâm lý đám đông”- phải vô địch SEA Games!

Ngọc Hòa
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm