Ông Đặng Hà Việt Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam dự Asiad 19: 'Áp lực lớn hơn rất nhiều so với SEA Games'

06/09/2023 05:41 GMT+7 | ASIAD 2023

Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) đang bước vào giai đoạn cuối cùng trong công tác chuẩn bị lên đường dự Đại hội thể thao châu Á - Asiad 19 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN, nhận định, rất nhiều thử thách cho mục tiêu giành từ 2 đến 5 HCV tại đại hội.

Thi đấu ở Asiad thực sự khó khăn 

* Báo Thể thao & Văn hóa: Xin chào ông Đặng Hà Việt, trước tiên ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình trong lần đầu tiên dẫn đoàn TTVN dự một kỳ đại hội thể thao châu Á. Có điều gì khác biệt so với thời điểm ông nhận nhiệm vụ Trưởng đoàn tại SEA Games 32 vừa qua?

- Ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT: Việc được lãnh đạo Bộ VH,TT&DL tin tưởng và giao trọng trách làm Trưởng đoàn TTVN dự Asiad 19 đối với tôi là vinh dự rất lớn nhưng áp lực cũng nặng nề. Asiad là đấu trường lớn, vượt tầm của TTVN nên việc chinh phục, để thi đấu thành công là rất khó khăn, không giống như thi đấu ở SEA Games. Về phần cá nhân, tôi sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao và tôi tin tưởng rằng, toàn bộ các thành viên của Đoàn TTVN cũng sẽ cố gắng để vượt khó tại Asiad 19.

* Trở lại với công tác chuẩn bị cho Asiad 19, thực tế là TTVN đã trải qua 3 kỳ Đại hội lớn gồm SEA Games 31, SEA Games 32 và Asiad 19 chỉ trong vòng 16 tháng. Điều này có mang lại khó khăn gì trong việc bố trí kinh phí tập huấn, thi đấu cọ xát cũng như sự chăm sóc về dinh dưỡng, y tế, công tác phòng chống doping cho các VĐV?

- Kinh phí để đầu tư cho các VĐV gồm có 3 nguồn, kinh phí từ Trung ương, kinh phí của địa phương và kinh phí của Liên đoàn, Hiệp hội. Với các môn Olympic được đầu tư trọng điểm thì sẽ ưu tiên từ nguồn của Trung ương, còn lại, chúng tôi sẽ tính toán dựa trên một kế hoạch tổng thể, kết hợp cả 3 nguồn. Yêu cầu đặt ra là làm sao sử dụng hiệu quả và cân đối các nguồn kinh phí. Không có chuyện thiếu hay thừa mà phải đảm bảo yêu cầu về tập huấn, trang thiết bị, rồi nhiều vấn đề khác cho VĐV tùy theo mức độ thi đấu ở đấu trường nào, sự ưu tiên cụ thể ra sao.

16 tháng qua, việc tham dự 3 Đại hội quốc tế lớn với TTVN đem tới khó khăn lớn nhất là điều chỉnh chu kỳ thi đấu cho các VĐV vì các sự kiện tương đối sát nhau. Các HLV cũng phải tính toán rất kỹ về điểm rơi phong độ để các VĐV đạt thành tích và như ở SEA Games 32 vừa qua, nhiều VĐV giành HCV nhưng thành tích không cao vì là chưa bung hết sức, còn tập trung cho nhiệm vụ khác như vòng loại Olympic hay là Asiad.

Ông Đặng Hà Việt - Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam dự Asiad 19: “Áp lực ở Asiad lớn hơn rất nhiều so với SEA Games” - Ảnh 1.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng sẽ là VĐV cầm cờ cho Đoàn TTVN tại Asiad 19. Ảnh: TTXVN

Điền kinh và bơi khó giành HCV

* Việc các tuyển thủ từng giành HCV ở Asiad 18 vắng mặt như Quách Thị Lan (chạy 400m rào) hoặc không còn duy trì được phong độ tốt như Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ), rồi kể cả mới bình phục chấn thương như võ sĩ Nguyễn Thị Tâm (môn Boxing) có ảnh hưởng gì lớn tới đoàn TTVN dự Asiad 19? Việc lựa chọn lực lượng dự Asiad 19 đã diễn ra như thế nào và ông có đánh giá gì về lực lượng làm nhiệm vụ kỳ này?

- Thực tế thì các sự vắng mặt này đem tới ảnh hưởng rất lớn. Ngoài vấn đề về con người, việc không có môn pencak silat hay nội dung thuyền 4 nữ hạng nhẹ môn rowing làm suy giảm khả năng tranh chấp HCV của TTVN.

Về tổng thể, lực lượng VĐV dự ASIAD đã được chuẩn bị trong kế hoạch liên thông và kéo dài từ nhiều năm qua. Mỗi môn, mỗi nội dung cũng đều tính toán phương án dự phòng. VĐV trẻ có nhiều tiến bộ tuy đã tiệm cận được thành tích của các anh, chị đi trước nhưng còn thua kém về kinh nghiệm thi đấu. Chúng tôi cũng đã rà soát kỹ và có phương án thay thế để làm sao lực lượng thi đấu ở Asiad diễn ra đúng với kế hoạch.

* Việc tính toán cử lực lượng tham dự Asiad 19 có gặp khó khăn gì khi TTVN vẫn tham dự nhiều giải đấu tuyển chọn Olympic 2024 ở môn cử tạ, canoeing, taekwondo hoặc giải quốc tế ở môn jujitsu ngay trước thềm Đại hội?

- Khi các giải đấu sát nhau thì đem tới khó khăn lớn nhất là điều chỉnh điểm rơi, kế hoạch tập luyện và cả những rủi ro về chấn thương xảy ra khi thi đấu. Tính toán có thể phù hợp với thời gian tập luyện, thi đấu nhưng vẫn không thể đảm bảo mọi thứ diễn ra một cách chính xác tuyệt đối. Tôi chỉ nêu một ví dụ thế này, mới đây cua-rơ Nguyễn Thị Thật dự giải ở châu Âu cũng bị ngã, mới bình phục được 85% và cũng làm suy giảm khả năng tranh chấp HCV Asiad dù vừa vô địch châu Á.

Mục tiêu giành 2 đến 5 HCV

* Về mục tiêu giành từ 2 đến 5 HCV tại Asiad 19 mà ông từng nhiều lần đề cập được đặt ra trên cơ sở nào? Đâu là các môn có nhiều hy vọng nhất và theo dự báo của ông, liệu TTVN có thể giành được HCV ở môn điền kinh hay bơi ở kỳ Đại hội lần này?

- Việc đặt chỉ tiêu được tính toán dựa trên năng lực, thành tích thi đấu cụ thể của từng VĐV ở từng nội dung, từng môn. Chúng ta chia làm 3 nhóm và nhóm 1 với các môn cờ tướng, cầu mây, bắn súng, karate, xe đạp, cử tạ, bắn cung là có nhiều hy vọng tranh chấp HCV nhất. Nhóm 2 gồm bơi, điền kinh, đua thuyền rowing, đua thuyền canoeing, bóng bàn, cờ vua, quần vợt, TDDC, roller, boxing, taekwondo, vật, wushu, judo, kurash, jujitsu, đấu kiếm có ít cơ hội hơn.

Riêng đối với điền kinh, để giành HCV là thực sự khó khăn khi thành tích vô địch châu Á ở nội dung 4x400m nữ cần tiếp tục được cải thiện. Hay đối với Nguyễn Thị Oanh ở nội dung 1.500m nữ cũng thế. Hay như với Huy Hoàng ở nội dung 1.500m tự do nam môn bơi, phải nỗ lực rất lớn mới có thể làm nên bất ngờ.

Tôi cũng muốn nói thêm, để giành HCV ở Asiad là cực kỳ khó khăn, ngoài các vấn đề chuyên môn, nỗ lực trong thi đấu, cũng cần thêm cả may mắn trong bốc thăm, xếp lịch thi đấu nhất là với các môn đối kháng. Thực tế là để hoàn thành nhiệm vụ giành 2 đến 5 HCV cũng đã có nhiều thử thách và đòi hỏi các VĐV phải nỗ lực rất lớn.

* Công tác động viên, khen thưởng cho các VĐV giành thứ hạng cao tại Asiad 19 có gì đột phá hơn so với các kỳ đại hội gần đây? Đoàn TTVN có kêu gọi được nguồn xã hội hóa cho quỹ thưởng nóng tại Asiad 19?

*Vấn đề này Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đã có chỉ đạo và hiện Cục TDTT, Ủy ban Olympic Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm, kêu gọi các nguồn xã hội hóa. Chưa có con số cụ thể nên tôi chưa thông báo được ngay lúc này nhưng chắc chắn sẽ có quỹ để thưởng nóng, động viên cho các VĐV thi đấu giành thành tích cao tại Asiad 19.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Lễ xuất quân của Đoàn TTVN dự Asiad diễn ra vào ngày 16/9

Lễ xuất quân của Đoàn TTVN dự Asiad 19 dự kiến được tổ chức vào ngày 16/9 tại Hà Nội. Cục TDTT và Ủy ban Olympic Việt Nam đang phối hợp để xây dựng kế hoạch chi tiết về nội dung chương trình, ngày giờ và địa điểm cụ thể.

Trước đó, theo quyết định của Bộ VH,TT&DL, Đoàn TTVN dự Asiad 19 gồm có 504 thành viên, do Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt làm Trưởng đoàn và 2 Phó trưởng đoàn là ông Hoàng Quốc Vinh và ông Ngô Ích Quân. Đoàn TTVN có 337 VĐV, 11 chuyên gia và 90 HLV, tham gia tranh tài ở 31 trên tổng số 40 môn tại Asiad 19. Ngoài ra còn có 22 lãnh đội và 12 bác sĩ, điều dưỡng phục vụ cho công tác chuẩn bị và thi đấu.

Asiad 19 gồm 40 môn với 61 phân môn và 481 nội dung thi đấu, diễn ra tại 56 địa điểm tại Hàng Châu, Trung Quốc. Dự kiến có 12.527 VĐV đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á tham gia tranh tài tại đại hội. Theo lịch, Asiad 19 chính thức diễn ra từ ngày 23/9 đến 8/10 nhưng các môn bóng đá, bóng chuyền và cricket sẽ bắt đầu từ ngày 19/9, lễ khai mạc diễn ra vào ngày 23/9 và lễ bế mạc vào ngày 8/10.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng của đội tuyểnBơi quốc gia là người cầm cờ cho Đoàn TTVN trong lễ khai mạc đại hội. Ngoài ra, lãnh đạo đoàn đang lựa chọn thêm 1 VĐV nữ cũng tham gia nhiệm vụ này với Nguyễn Huy Hoàng trong lễ khai mạc.


Phúc Hưng (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm