Thể thao Việt Nam và mục tiêu 'kép' tại Olympic Tokyo

23/07/2021 07:28 GMT+7 | Olympic 2021

(Thethaovanhoa.vn) - Cũng giống như nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, Thể thao Việt Nam (TTVN) đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu “kép”, vừa chống dịch, vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn tại Olympic Tokyo 2020. Bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho các thành viên trước sự đe dọa của dịch Covid-19, còn là phấn đấu giành huy chương, khẳng định vị thế của nền thể thao nước nhà tại đấu trường lớn nhất thế giới.

Lịch thi đấu Olympic 2021 của Đoàn thể thao Việt Nam

Lịch thi đấu Olympic 2021 của Đoàn thể thao Việt Nam

Lịch thi đấu Olympic 2021. VTV6 VTV5 trực tiếp Olympic 2021. Lịch thi đấu của Đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic 2021. Lịch thi đấu Đoàn TTVN tại Olympic 2020.

Hành trình gian nan

Có thể khẳng định, trong lịch sử tham dự các kỳ Olympic, chưa bao giờ TTVN trải qua một hành trình gian nan, khó nhọc như chặng đường đến với Tokyo. Bắt đầu từ quá trình chuẩn bị lực lượng, tổ chức tập huấn và thi đấu giành vé, rồi ngay cả khi có mặt tại Nhật Bản, tất cả đều bị bủa vây bởi nỗi lo và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Kể từ đầu năm 2020 khi chiến dịch tìm vé dự Olympic chính thức khởi động, cũng là thời điểm làn sóng Covid-19 đầu tiên xuất hiện và làm tê liệt mọi hoạt động của thể thao nước nhà. Các giải đấu trong hệ thống quốc gia bị ngưng trệ, các Trung tâm HLTTQG luôn trong tình trạng “cấm trại” làm ảnh hưởng rất lớn tới phong độ và kế hoạch tập luyện của toàn bộ các ĐTQG.

Trong khi đó, nhiều quốc gia "đóng cửa" để chống Covid-19 đã khiến các kế hoạch tập huấn, thi đấu quốc tế nhằm nâng cao trình độ của các tuyển thủ buộc phải hủy bỏ hoặc thay đổi lịch trình. Thống kê cho thấy, trong cả năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, các đội tuyển TTVN có chưa đầy 30 cuộc thi đấu quốc tế và hơn 10 chuyến tập huấn tại nước ngoài.

Lịch trình di chuyển khó khăn, phải thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch qua 4 làn sóng lây nhiễm Covid-19 tới nay đã tác động không nhỏ tới phong độ và thành tích của nhiều môn. Việc không thể giành được suất chính thức ở 3 môn thế mạnh như điền kinh, vật, đấu kiếm với tác động rất lớn từ khách quan đã cho thấy, dịch bệnh đem đến muôn vàn thách thức.

Hay đơn cử như chuyện, để có được 2 tấm vé tới Tokyo, ĐTQG cử tạ đã phải trải qua 42 ngày trong khu vực cách ly tại Bình Dương, kể từ sau chuyến thi đấu tại giải vô địch châu Á diễn ra tại Taskent, Uzbekistan vào cuối tháng 4. Trong điều kiện hết sức hạn chế về điều kiện tập luyện, chế độ dinh dưỡng và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, tất cả đều tác động không nhỏ tới tâm lý và phong độ của các tuyển thủ.

Nói như vậy để thấy, để có được 18 VĐV tham dự Oympic lần này là nỗ lực vượt khó rất lớn của các VĐV, HLV, chuyên gia, đội ngũ bác sỹ, nhân viên chăm sóc và các nhà quản lý. Đó là thành tích hết sức đáng tự hào, thể hiện sự bền bỉ, kiên cường và khả năng phát huy nội lực của TTVN trong hành trình hiện thực hóa ước mơ chinh phục sân chơi lớn nhất của thể thao thế giới.

lịch thi đấu đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic 2021, lịch thi đấu TTVN tại Olympic 2020, Olympic 2021, Olympic 2020, trực tiếp đoàn TTVN tại Olympic, VTV6, VTV5
Các thành viên của đoàn TTVN tại làng Olympic Tokyo. Ảnh: Đoàn TTVN

Áp lực tại Tokyo

Đặt chân tới Tokyo vào ngày 19/7, đoàn TTVN lập tức đối diện với nỗi lo về nguy cơ lây nhiễm khi các ca nhiễm Covid-19 có dấu hiệu gia tăng ngay trong làng VĐV Olympic. Thống kê cho thấy, tính đến trưa ngày 22/7, đã có 86 ca mắc Covid-19 trong đó bao gồm cả HLV, VĐV, quan chức các đoàn thể thao và những người làm việc tại đây. Kiểm soát dịch bệnh và giảm thiểu các ca lây nhiễm đang trở thành bài toán hết sức nan giải và là vấn đề được đặt lên hàng đầu với ban tổ chức đại hội cũng như các đoàn tham dự.

Với đoàn TTVN, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch, thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của ban tổ chức, các thành viên của đoàn cũng chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch với mục đích giảm thiểu tối đa rủi ro trước khi bước vào các cuộc thi đấu chính thức. Trong các cuộc họp nội bộ, Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn nhiều lần nhấn mạnh, “các thành viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn bao giờ hết, thực hiện quy định 5K để tập luyện, thi đấu an toàn đáp lại sự mong mỏi của người hâm mộ cả nước”.

Thậm chí, từng chi tiết nhỏ nhất như thường xuyên sát khuẩn, đeo khẩu trang, dùng găng tay do Ban tổ chức phát để lấy thức ăn, tránh chạm tay khi không có găng tay vào các đồ dùng trong nhà ăn tại làng VĐV cũng được đặc biệt lưu ý. Do khu vực nhà ăn có diện tích rộng, tập trung nhiều người, đem lại nguy cơ lây nhiễm cao nên, các thành viên đoàn TTVN cần đi ăn theo từng nhóm để hạn chế việc ngồi cạnh, tiếp xúc gần với các nhóm khác và không ở lại đây quá lâu để giảm thiểu mọi tiếp xúc dù là bất khả kháng.

Quá trình di chuyển, tập luyện tại nhà tập, sân tập của các VĐV, HLV cũng được đặc biệt quan tâm. Ngoại trừ các điểm tập luyện gần làng VĐV có thể đi bằng xe bus trong thời gian ngắn, 2 xe ô tô được ban tổ chức cấp cho đoàn TTVN cũng được ưu tiên để các đội tuyển phải di chuyển xa (cách làng VĐV trên 30km) như bắn súng và cầu lông sử dụng.

Mọi ưu tiên cao nhất trong tập luyện và sinh hoạt đều được dành cho các tuyển thủ, bởi để đảm bảo được quyền góp mặt ở các cuộc thi đấu và không làm ảnh hưởng đến toàn đoàn, điều kiện tiên quyết là các VĐV cần hoàn toàn khỏe mạnh và không bị lây nhiễm Covid-19. Hay nói một cách khác, chiến thắng Covid-19 là mục tiêu đầu tiên với các tuyển thủ Việt Nam, trước khi nghĩ đến các cuộc thi đấu tại Tokyo.

Khẳng định vị thế của TTVN

3 kỳ đại hội gần đây nhất kể từ sau khi võ sỹ Trần Hiếu Ngân (taekwondo) tạo nên cột mốc đầu tiên tại Olympic Sydney 2000 với tấm HCB, đoàn TTVN đều để lại dấu ấn trong các cuộc thi đấu tại Thế vận hội. Đặc biệt tại Brazil năm 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã đem về thành tích vĩ đại bậc nhất trong lịch sử tham dự Olympic với 1 HCV, 1 HCB ở môn bắn súng. Cùng những thành công trước đó của lực sỹ(Hoàng Anh Tuấn HCB (cử tạ) năm 2008 và Trần Lê Quốc Toàn HCĐ (cử tạ), mỗi tấm huy chương Olympic là minh chứng sống động cho khát vọng vươn lên và khả năng chinh phục đấu trường lớn nhất thế giới của TTVN.

Trước giờ vào cuộc tại Olympic Tokyo, trong bối cảnh dịch bệnh đem lại nhiều khó khăn, thử thách hơn, đòi hỏi các VĐV Việt Nam phải không ngừng cố gắng. “Mỗi vận động viên hãy là một chiến sĩ tiên phong trong việc phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn về sức khoẻ cho các cuộc tranh tài sắp tới. Toàn đoàn sẽ nỗ lực hết mình, thể hiện tinh thần đoàn kết, kỷ cương, biến mọi khó khăn thách thức làm động lực vươn lên với tinh thần "khát vọng cống hiến". Thi đấu tự tin, sáng tạo, phấn đấu giành huy chương mang vinh quang về cho Tổ quốc và góp phần cổ vũ tinh thần chống dịch của nhân dân cả nước”, theo như chia sẻ của Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn trước giờ đoàn TTVN vào cuộc.

Trong hành trình đến với Olympic Tokyo kéo dài 5 năm qua, mỗi chuyển động của TTVN nói chung và từng bước đi của mỗi VĐV trên đấu trường quốc tế luôn có sự dõi theo và ủng hộ của đông đảo người hâm mộ thể thao nước nhà. Thành công đã gặt hái được ở nhiều sự kiện thể thao quốc tế lớn cũng phản ánh hiệu quả trong chiến lược phát triển thể thao thành tích cao của ngành thể thao những năm gần đây.

Tất cả đều đang tiếp thêm sự tự tin và sức mạnh để các tuyển thủ vào cuộc thi đấu với sự chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt trong cuộc so tài với những VĐV xuất sắc nhất thế giới. Hi vọng, mọi đoàn TTVN sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, ca khúc khải hoàn và trở về an toàn trong niềm tự hào của người hâm mộ nước nhà sau phần thi đấu tại Olympic Tokyo.

 

Phúc Hưng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm