Các trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam: Chương trình ít đi, khán giả nhiều hơn

14/02/2021 05:56 GMT+7 | Giao lưu Việt - Đức

(Thethaovanhoa.vn) - Trước đây, mỗi năm Viện Pháp tại Hà Nội (L’Espace) có khoảng trên dưới 300 chương trình, Viện Goethe là 200, Trung tâm văn hóa Nhật Bản là 20 và Trung tâm văn hóa Hàn Quốc là 60 chương trình. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn Covid-19, những con số này đã giảm đi ít nhất một nửa. Đặc biệt là việc buộc phải “nhường sân” cho hình thức trực tuyến thì các chương trình mới có cơ hội đến với công chúng.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc Suk Jin Young: Có một lễ hội K-pop trực tuyến tại Việt Nam

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc Suk Jin Young: Có một lễ hội K-pop trực tuyến tại Việt Nam

Nhằm thắt chặt hơn nữa giao lưu văn hóa Hàn - Việt, tạo sân chơi lành mạnh cho giới trẻ Việt Nam và góp phần cổ vũ tinh thần chống dịch Covid-19, trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tổ chức cuộc thi trực tuyến K-pop Cover Video Contest 2020.

Trước đây, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại các trung tâm văn hóa quốc tế ở Việt Nam (cụ thể Hà Nội có Viện Pháp, Trung tâm văn hóa Nhật Bản, Hàn Quốc hay Viện Goethe), đều được diễn ra ở hình thức trực tiếp: biểu diễn trên sân khấu, chiếu phim trên màn ảnh, workshop…

Và nếu trước Covid-19, các chương trình trực tuyến diễn ra tại Viện Goethe chỉ chiếm 10%, các trung tâm còn lại như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc chưa bao giờ khai thác các chương trình ở hình thức trực tuyến thì đến nay, mỗi trung tâm đều có ít nhất từ 1 đến 2 chương trình đến với khán giả ở hình thức này. 

Điều đó cho thấy, dù công nghệ 4.0 đang phủ sóng khắp nơi hay ngay cả khi xã hội có giãn cách thì thưởng thức trực tuyến tại các trung tâm văn hóa quốc tế cũng mới chỉ đang hoạt động ở mức thăm dò, đo lường trải nghiệm của công chúng.

Thành công về lượng khán giả

May mắn thay, so với một sự kiện văn hóa trực tiếp được tổ chức tại sân khấu của Viện Pháp, sức chứa chỉ đến 250 người, một buổi biểu diễn tại sân khấu ngoài trời của Trung tâm văn hóa Nhật Bản hay trong khán phòng của Viện Goethe là khoảng 100 người, các buổi trình diễn trực tuyến tại các trung tâm có thể gọi là thành công về lượng khán giả: Dự án Respire – thưởng thức 12 bộ phim Pháp miễn phí vào mùa dịch, series ẩm thực “Bon appétit” của Viện Pháp đã thu hút hàng trăm nghìn khán giả. Lễ hội Âm nhạc thường niên Fête de la Musique diễn ra vào tháng 6 với hơn 35.000 người theo dõi...

Trong khi đó, những chuyến tham quan ảo tại các triển lãm trực tuyến, các bộ phim ngắn, những chương trình dành cho thiếu nhi, các buổi hòa nhạc trực tuyến từ nhà các nghệ sĩ ở Đức của Viện Goethe cũng nhận được sự tham gia của hàng ngàn người. 

Chú thích ảnh
Chuỗi 12 phim Pháp có bản quyền được trình chiếu miễn phí trên hệ thống VOD ngay từ đầu mùa dịch Covid-19 (01-30/04/2020)

Riêng trong tháng 3/2020 có thể kể đến loạt chương trình văn hóa hấp dẫn diễn ra trên sóng trực tuyến của Viện Goethe như: Vở ballet Hồ Thiên Nga, nhạc kịch Macbeth (Verdi), giao hưởng của Beethoven, Richard Wagner, hòa nhạc điện tử …

Đặc biệt là hoạt động chiếu phim trực tuyến - trước đây là đặc quyền của các nền tảng thì giờ đây, cũng đã được “tháo khóa” để người xem có cơ hội theo dõi các liên hoan phim như Liên hoan phim tài liệu nổi tiếng bậc nhất châu Âu: Dok Leipzig.

Tại Trung tâm văn hóa Nhật Bản, lượng khán giả tương tác tại các buổi hội thảo, trình diễn về múa, nghệ thuật gấp giấy Origami, LHP Nhật Bản lần thứ 12 ở hình thức trực tuyến cũng được ghi nhận chiếm đến 80% và có tỉ lệ ngang với lượng khán giả đến xem trực tiếp.

Còn Trung tâm văn hóa Hàn Quốc cũng đang tiến tới mốc 100 ngàn lượt theo dõi trên kênh trực tuyến trong năm 2021 thông qua các hoạt động trải nghiệm như Lớp học ẩm thực Hàn Quốc version 2, các triển lãm thực tế ảo, chiếu phim, giao lưu với đạo diễn.

Trực tuyến hay trực tiếp?

Các chương trình được thực hiện trên nền tảng trực tuyến có thể giúp độc giả tại buổi tọa đàm sách ở Việt Nam có thể “gặp” được tác giả ở tận Hàn Quốc, công chúng tham gia buổi workshop múa cũng có thể “gặp” được nghệ sĩ ở Nhật Bản, hay đến một triển lãm ảnh 3D cũng tương tác được với nghệ sĩ ở bên Pháp. Tất cả là nhờ có YouTube, Facebook, Dailymotion, kênh đa nền tảng Mâm Nhà - Food, hệ thống hội nghị trực tuyến Zoom...

Chú thích ảnh
Liên hoan phim Nhật Bản lần thứ 12 tại Việt Nam diễn ra ở cả hình thức trực tiếp và trực tuyến từ 25/12/2020 – 22/01/2021

Nhưng công nghệ thôi chưa đủ khi hình thức trực tuyến đặt ra cho những người làm văn hóa những thách thức mới và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn trong việc chuẩn bị và thực hiện, bao gồm cả vấn đề tài chính cũng như định hướng phát triển.

“Các sự kiện trực tuyến không chỉ đòi hỏi về mặt kỹ thuật cao hơn, mà còn là sự chuẩn bị khác về mặt thẩm mỹ và kỹ xảo. Do đó, chúng tôi luôn thúc đẩy để các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực hội họa, nhiếp ảnh và nghệ thuật video phát triển bản thân mình hơn nữa và cũng đầu tư vào phần mềm để mang lại cho nghệ thuật thị giác của họ nhiều chuyển động, chiều sâu và sự năng động hơn“ - ông Wilfried Eckstein - Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam chia sẻ.

Trong khi đó, “chúng tôi rất băn khoăn về khả năng đáp ứng kỹ thuật khi chuẩn bị tổ chức bất cứ sự kiện nào. Nhất là khi kết nối giữa Việt Nam và Nhật Bản, chúng tôi phải chuẩn bị phiên dịch để khán giả có thể thông hiểu nội dung dễ dàng. Dịch lúc nào, ngừng lúc nào trong khi diễn giả đang nói, hay khi nghệ sỹ đang biểu diễn trở nên khó khăn hơn rất nhiều so với khi dịch trong các sự kiện trực tiếp” là suy nghĩ của ông Ando Toshiki, Giám đốc Trung tâm văn hóa Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Workshop múa Butoh của nghệ sỹ múa Asai Nobuyoshi trong khuôn khổ chuỗi chương trình online về Butoh do Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức diễn ra vào 26/12/2020

“Không chỉ vậy, chúng tôi trân trọng cảm xúc thăng hoa mà các sự kiện văn hóa - nghệ thuật trực tiếp mang đến khán giả, nên dựa trên những kinh nghiệm làm sự kiện trực tuyến đã tích lũy, chúng tôi sẽ cân nhắc những lợi thế của cả hai hình thức: Trực tiếp và gián tiếp để ứng dụng vào các sự kiện trên nhiều lĩnh vực” - ông Ando Toshiki tiếp lời.

Cùng suy nghĩ này, Giám đốc Viện Pháp Thierry Vergon thậm chí còn dự đoán về cảm xúc của người xem cũng như nghệ sĩ trình diễn trong tương lai sẽ là “mờ nhạt” đi khi mà những chương trình trực tuyến không thể nào đem đến cho người xem những xúc cảm thật như khi được hòa quyện trong bầu không khí trình diễn của các nghệ sĩ trên sân khấu.

“Vì vậy, tôi vẫn tin tưởng sâu sắc về sức mạnh của việc tiếp xúc trực tiếp nếu các chương trình vẫn được tổ chức ở hình thức trực tiếp. Còn tất nhiên, ở trong những hoàn cảnh “bất khả kháng” thì thực hiện ở hình thức trực tuyến sẽ là có còn hơn không!” - ông Thierry Vergon khẳng định.

Như nhận định của ông Wilfried Eckstein - Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam: “Số hóa đang là xu hướng toàn cầu. Đại dịch đã làm gia tăng áp lực đó. Nếu chúng ta muốn giảm lượng khí thải carbon của mình trong tương lai, chúng ta sẽ sử dụng nhiều hơn nữa thông tin liên lạc trên internet”. 

Nhưng theo quan điểm của những nhà làm văn hóa quốc tế tại Việt Nam, thì hình thức trực tuyến dù có trở thành xu hướng tất yếu của xã hội số, cũng không đủ sức mạnh để hoàn toàn “chiếm sóng” trên tất cả các sự kiện văn hóa mà chỉ có thể trở thành kênh tiếp cận khán giả kế cận hoặc song song với các chương trình được tổ chức trực tiếp.

"Tôi e rằng đại dịch đang để lại một cuộc khủng hoảng kinh tế, buộc các nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa phải tìm những cách mới để thúc đẩy bản thân. Các định dạng trực tuyến sẽ tiếp tục đóng một vai trò lớn và ngày càng tăng" -  (Wilfried Eckstein, Viện trưởng viện Goethe tại Việt Nam)

Lam Anh
TT&VH Xuân Tân Sửu 2021

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm